Sĩ số học sinh tăng hằng năm trong khi trường học không xây dựng kịp nên yêu cầu phân luồng học sinh sau THCS ngày càng cao. Do đó, cuộc cạnh tranh vào trường THPT công lập ngày càng gay gắt.
Sĩ số học sinh tăng hằng năm trong khi trường học không xây dựng kịp nên yêu cầu phân luồng học sinh sau THCS ngày càng cao. Do đó, cuộc cạnh tranh vào trường THPT công lập ngày càng gay gắt.
Lớp học 9+4 đầu tiên của Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Yến |
Việc học bị gián đoạn do dịch Covid-19 càng làm cho học sinh, phụ huynh lo lắng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Tuy nhiên, phụ huynh và học sinh có thể chủ động lựa chọn một hướng đi khác.
* Lưu tâm đến trường nghề nhiều hơn
Từ mấy tháng nay, anh Nguyễn Trường Sơn (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) đã trăn trở với câu hỏi cho con học lớp 10 ở đâu? Anh thường xuyên phải đi làm xa nhà, không có thời gian chăm sóc, bảo ban con học hành. Vì thế, cậu con trai tuổi mới lớn có phần ham chơi, học hành sa sút. Nếu cho học trường phổ thông công lập, e là việc học của con sẽ tiếp tục bị tụt dốc. Chọn trường phổ thông tư thục hay chọn trường nghề đang là phân vân lớn của anh.
Cuối cùng, anh quyết định sẽ cho con theo học một trường nghề. “Thứ nhất là con sẽ học cả ngày ở trường nên hạn chế thời gian đi chơi. Thứ hai là con học nghề sớm thì sau này có việc làm sớm. Nếu học trung cấp xong mà thấy tay nghề còn yếu thì học lên cao đẳng. Hơn nữa, tôi nghe nhiều thông tin là gần đây học sinh học nghề xong thì có việc làm và thu nhập cũng ổn định” - anh Sơn chia sẻ.
Ở góc độ một phụ huynh đã cho con đi học trường nghề, anh Trần Minh Nghĩa (quê ở tỉnh Bình Thuận) cho hay, ban đầu, khi nhận được lời khuyên cho con đi học nghề anh rất đắn đo. Nhất là khi con anh phải xa nhà vào học nghề ở Đồng Nai. Anh sợ con không có khả năng tự lập, sợ con đua đòi học theo tật xấu của bạn...
Nhưng đến khi con học được năm thứ 2, anh Nghĩa thấy rằng mình đã lựa chọn đúng. Nhờ sự quản lý chặt chẽ của thầy cô giáo ở trường và trong ký túc xá, con anh biết sinh hoạt đúng giờ giấc, có kỷ luật; tham gia chơi thể thao, học võ, học chơi đàn. “Không phải mọi thứ đều tốt, chẳng hạn như thỉnh thoảng con bị mất cắp vặt, có khi vi phạm nội quy nên bị phạt. Nhưng nhìn chung, con đã phát triển theo chiều hướng tốt. Sau khi tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề, có thể tôi sẽ cho học liên thông lên cao đẳng thêm 1,5 năm nữa” - anh Nghĩa cho biết.
Thực tế, trong những năm gần đây, số lượng học sinh tham gia học nghề ngày càng tăng. Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LÐ-TBXH), năm 2017 có 310 ngàn học sinh, năm 2018 có khoảng 320 ngàn học sinh, và năm 2019 là khoảng 350 ngàn. Trong đó, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề thay vì học THPT có xu hướng gia tăng. Ðiều này là do chỉ tiêu phân luồng sau THCS tăng nhưng đồng thời cũng cho thấy ý thức của phụ huynh, học sinh trong định hướng học tập, lựa chọn ngành nghề.
Học sinh tốt nghiệp THCS có thể vào cao đẳng
Tại Đồng Nai, hiện nay, hầu hết các trường nghề đều đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS theo hướng vừa học trung cấp nghề, vừa học chương trình văn hóa hệ giáo dục thường xuyên. Học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề muốn liên thông lên cao đẳng thì phải có bằng tốt nghiệp THPT.
Luật Giáo dục sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) quy định học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký học hệ cao đẳng chính quy. Tổng thời gian học là 4 năm, bao gồm các môn học văn hóa. Có 2 hình thức đào tạo: được học 4 môn văn hóa và được cấp bằng cao đẳng, không cấp kèm bằng THPT nhưng được xác nhận hoàn thành chương trình phổ cập nội dung văn hóa; hoặc được học văn hóa (theo chương trình giáo dục thường xuyên), với hình thức học này các em được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Xét theo quy định trên, học sinh tốt nghiệp THCS có nhiều sự lựa chọn hơn. Cơ hội này thể hiện rõ ràng qua mô hình đào tạo 9+4 - mô hình đang được Bộ LĐ-TBXH khuyến khích phát triển.
9+4, hay nói đúng hơn là 9+3+1, tức là học sinh tốt nghiệp THCS tham gia hệ đào tạo này sau 3 năm thì có bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề; học thêm 1 năm nữa thì có bằng cao đẳng chính quy. Khi đó, học viên có thể đi làm hoặc lựa chọn liên thông lên đại học.
Năm học 2019-2020, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (TP.Biên Hoài) tuyển sinh khóa đầu tiên cho mô hình đào tạo này. Do triển khai muộn, khóa đầu tiên của trường chỉ tuyển sinh được 27 chỉ tiêu. Chỉ sau 1 năm, nhà trường đã có thể mạnh dạn tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Dự kiến, năm nay trường sẽ mở rộng quy mô tuyển sinh cho mô hình đào tạo này. Đồng thời, trường cũng mở rộng các ngành đào tạo. Theo đó, có 4 ngành mà nhà trường sẽ đào tạo 9+4 là: kế toán, công nghệ may, công nghệ da giày và quản trị khách sạn. Ngoài tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS, trường cũng tuyển sinh đối tượng học sinh đang học lớp 10, 11 ở các trường THPT.
ThS Lưu Phước Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các môn nghề được thiết kế theo module, đi từ dễ đến khó. Trong 2 năm học đầu, học sinh sẽ học các phần căn bản, từ năm thứ 3 mới học những module khó hơn mà kiến thức các môn học văn hóa ở giai đoạn này đủ để các em tiếp cận được”. Với cách thiết kế chương trình như vậy, học sinh sẽ không phải chịu áp lực khi bước vào môi trường học tập hoàn toàn mới.
Học sinh được miễn học phí học nghề Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 quy định: Người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí. |
Hải Yến