Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

10:06, 15/06/2020

Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng để tránh lây truyền HIV cho con trên địa bàn tỉnh ngày càng cao.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV tham gia điều trị dự phòng để tránh lây truyền HIV cho con trên địa bàn tỉnh ngày càng cao.

Một thai phụ nhiễm HIV đang được bác sĩ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thăm khám, tư vấn điều trị ARV. Ảnh: Hạnh Dung
Một thai phụ nhiễm HIV đang được bác sĩ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thăm khám, tư vấn điều trị ARV. Ảnh: Hạnh Dung

Nhờ việc tuân thủ điều trị tốt, hầu hết trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không bị nhiễm HIV, có sức khỏe tốt.

* 15 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang điều trị ARV

Chị Đào Thị Lệ, nhân viên tư vấn Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, thời điểm này có 15 phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong toàn tỉnh đang được tư vấn và điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV)  tại 7/9 phòng khám ngoại trú OPC trong toàn tỉnh. Riêng tại phòng khám OPC của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có 6 trường hợp hằng tháng đến khám, lãnh thuốc và xét nghiệm theo định kỳ cũng như theo chỉ định của bác sĩ.

Năm 2019, toàn tỉnh có 64/67 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng sau sinh. Trong số đó, có 60 trẻ được làm xét nghiệm PCR (xét nghiệm để phát hiện tải lượng virus HIV trong máu) đều âm tính với HIV. Trong 5 tháng đầu năm 2020, có 13 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng sau sinh. Trong đó, 11 trẻ đã được làm xét nghiệm PCR và đều âm tính với HIV.

Không chỉ thực hiện tư vấn, các nhân viên của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS còn tìm hiểu lịch sử thai kỳ của thai phụ, tìm hiểu nơi khám thai của thai phụ, việc chích ngừa uốn ván, xét nghiệm tầm soát, nơi dự kiến sinh… Từ đó, sẽ giới thiệu cho thai phụ đến những cơ sở y tế có thuốc dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sinh của thai phụ.

Theo chị Đào Thị Lệ, nhờ được tư vấn, tuân thủ điều trị tốt mà có những bà mẹ nhiễm HIV nhưng sinh ra những trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Đơn cử như trường hợp của chị T.H. (ngụ H.Vĩnh Cửu), cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV nhưng từ khi có bầu, chị H. thường xuyên đến Khoa Phòng, chống HIV/AIDS để khám, lãnh thuốc, làm xét nghiệm đầy đủ. Năm 2017, chị H. sinh con đầu lòng không bị nhiễm HIV. Vì muốn có thêm con, sau đó chị H. tiếp tục tìm đến bác sĩ để được tư vấn, mang bầu và sinh con thứ hai vào tháng 5-2020. Kết quả, bé sinh ra âm tính với HIV.

Hay trường hợp của một phụ nữ khác, ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu, phát hiện bị nhiễm HIV từ bạn tình khi đang mang thai ở tuần thứ 8. Khi biết mình bị nhiễm HIV, chị này một mực muốn bỏ thai vì không muốn làm khổ đứa bé. Tuy nhiên, sau khi được nhân viên Khoa Phòng, chống HIV/AIDS tư vấn, người phụ nữ này đã thay đổi ý định, tuân thủ tốt phác đồ điều trị. Hiện thai của chị này đã ở tuần thứ 30, qua làm xét nghiệm cho thấy tải lượng virus ở mức không phát hiện.

* Điều trị càng sớm càng tốt

BS Vũ Thị Ngọc, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS cho hay, lây truyền từ mẹ sang con là một trong 3 con đường lây truyền của HIV. Người mẹ nhiễm HIV có thể lây truyền virus HIV sang con trong thời kỳ mang thai, trong khi sinh và khi cho con bú.

Cụ thể, trong thời kỳ mang thai, virus HIV từ máu của mẹ qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ.

Một số khó khăn hiện nay trong việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là tỷ lệ phát hiện lây truyền HIV từ mẹ sang con trong lúc chuyển dạ còn cao dẫn đến điều trị dự phòng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện tại, tỉnh chưa có phòng xét nghiệm PCR (xét nghiệm phát hiện tải lượng virus HIV) cho trẻ nên Đồng Nai vẫn phải gửi mẫu lên TP.HCM để xét nghiệm…

Trong khi sinh, sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra quanh thời kỳ chuyển dạ. Khi trẻ chui qua âm đạo của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV. Trường hợp thai phụ khó đẻ, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của mẹ bị giập nát, thai nhi bị sang chấn, xây xước sẽ khiến nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng lên.

Việc lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mẹ cho con bú xảy ra khi HIV từ sữa mẹ xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của trẻ và lây nhiễm cho trẻ. Hoặc trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, vết nứt, trẻ mọc răng sẽ cắn vú mẹ trong khi bú gây chảy máu thì HIV từ mẹ có thể lây cho trẻ.

Do đó, để đảm bảo em bé không bị nhiễm HIV từ mẹ truyền sang, theo BS Ngọc, thai phụ phải được điều trị ARV càng sớm càng tốt. Nếu trước khi mang thai, người mẹ không biết tình trạng nhiễm HIV của mình thì các bà mẹ nên tầm soát HIV trước khi có kế hoạch mang thai. Hoặc khi đã mang thai thì trong 3 tháng đầu thai kỳ nên đi tầm soát HIV. Nếu được phát hiện nhiễm HIV thì cần điều trị càng sớm càng tốt.

Nếu phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV thì trước khi có thai cần phải hỏi ý kiến và được bác sĩ tư vấn kỹ, thực hiện xét nghiệm tải lượng virus. Khi đảm bảo các điều kiện cần thiết thì mới nên có thai.

Trong quá trình mang thai, thai phụ phải tuân thủ đúng sự chỉ định của bác sĩ bằng cách tái khám đúng hẹn, uống thuốc đúng liều, đúng giờ hằng ngày, làm các xét nghiệm theo đúng định kỳ, không được tự ý bỏ thuốc, ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị, hạn chế tối đa việc quên uống thuốc, trễ giờ uống thuốc.

“Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV cho thai phụ nhiễm HIV có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân thai phụ, gia đình thai phụ, trẻ được sinh ra và đối với cả cộng đồng. Nếu điều trị sớm, điều trị liên tục sẽ giảm được tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, giúp bà mẹ sinh ra những em bé khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng” - BS Ngọc bộc bạch.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều