Báo Đồng Nai điện tử
En

Để người dân không còn ngại hiến mô, tạng

10:06, 26/06/2020

Nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo sau khi được ghép mô, tạng do người chết não hiến tặng đã hồi phục và có sức khỏe tốt.

Nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo sau khi được ghép mô, tạng do người chết não hiến tặng đã hồi phục và có sức khỏe tốt.

Người tham gia hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não tại Đồng Nai được trao thẻ chứng nhận, nhận quà tuyên dương từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: V.Tuyên
Người tham gia hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não tại Đồng Nai được trao thẻ chứng nhận, nhận quà tuyên dương từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: V.Tuyên

Đánh giá về tác động xã hội của việc hiến mô, tạng, hiến xác cho y học, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay, người mắc bệnh cần được cấy ghép mô, tạng để duy trì sự sống hiện nay là rất lớn. Nhưng không phải cứ có mô, tạng hiến là cấy ghép được vì còn phụ thuộc vào sự tương thích giữa người cho và người nhận. Do vậy mà nhu cầu về nguồn mô, tạng hiến tặng sau khi chết não là rất bức thiết.

* Còn ít người tham gia

Thời gian qua, cả nước nói chung cũng như tại Đồng Nai nói riêng đã có không ít người tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học. Đây là nghĩa cử rất đáng trân trọng vì khi 1 người tình nguyện hiến mô, tạng có thể sử dụng để ghép cho từ 6-12 người bệnh. Ngoài ra, xác của người tự nguyện hiến còn góp phần phục vụ cho việc nghiên cứu y học ở các trường đại học y.

Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, những năm qua mặc dù các ngành, các cấp đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền song số lượng người dân tình nguyện tham gia hiến mô, tạng sau khi chết não để phục vụ công tác cứu người, nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu là do phong tục tập quán, quan niệm chết toàn thây nên người dân và thân nhân không đồng ý hiến mô, tạng sau khi chết não. Người dân lo lắng mô, tạng mình hiến không được sử dụng đúng mục đích nhân đạo mà dùng vào mục đích thương mại.

Bà Đỗ Thị Phước Thiện cũng cho rằng, công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não chưa nhiều, chưa sâu rộng. Thêm vào đó, do trước đây tỉnh thiếu đầu mối phụ trách hướng dẫn, tiếp nhận người dân đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não nên người dân muốn hiến mô, tạng đều tự liên hệ trực tiếp với bệnh viện. Đặc biệt, người tham gia hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não chưa nhận được sự quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời từ cộng đồng, chính quyền địa phương...

* Để việc tốt được nhân rộng

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện cho rằng, từ năm 2020, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục đích nhân đạo hiến mô tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não với phương châm: Gieo sự sống sau khi chết đi đến với từng người, từng nhà đã được triển khai sâu rộng.

Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đứng ra làm đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận người dân thực hiện đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não. Sau đó, đơn vị chuyển hồ sơ đến bệnh viện để đăng ký rồi chuyển thẻ đăng ký, giấy xác nhận hiến mô, tạng sau khi chết não đến tận tay người dân.

Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, việc động viên thân nhân, tôn vinh người hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi đã hoàn thành tâm nguyện luôn được Hội Chữ thập đỏ tỉnh đặc biệt quan tâm. Vừa qua có 2 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác cho y học sau khi chết não, sau khi qua đời thì mô, tạng được đội ngũ y, bác sĩ tiếp nhận, còn phần xác được hỏa táng, bàn giao tro cốt cho gia đình đúng theo nguyện vọng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh trực tiếp đến nhà thân nhân của cả 2 trường hợp này thăm hỏi, động viện và thay mặt trao tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ trưởng Y tế. 

Đặc biệt, để việc hiến mô, tạng, hiến xác cho y học không chỉ là việc làm âm thầm, ai làm nấy biết, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức lễ trao thẻ chứng nhận hiến mô, tạng, hiến xác cho y học, tặng quà động viên tinh thần cho người tham gia hoạt động nhân đạo này với sự chứng kiến của cộng đồng. Mới đây, việc làm này đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh lần đầu thực hiện, trao thẻ chứng nhận và tặng quà cho 36 người tham gia hiến mô, tạng, hiến xác cho y học với sự chứng kiến của hơn 200 người dân đến từ các địa phương trong tỉnh.

Là một trong số 36 người được nhận giấy chứng nhận và quà trong buổi lễ do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Hữu Trí (ngụ xã Xuân Bảo, H.Cẩm Mỹ) cho hay, nhiều năm trước vợ chồng ông đã có ý định hiến mô tạng cho y học. Nhưng lúc đó do người hiến phải trực tiếp liên hệ với các bệnh viện nên vợ chồng ông còn ngần ngại.

Đầu năm 2020, khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh đứng ra làm đầu mối hỗ trợ, vợ chồng ông Trí đăng ký tham gia. Ngày nhận giấy chứng nhận và thẻ chứng nhận tự nguyện hiến mô, tạng sau khi chết não, vợ chồng ông được tuyên dương trước cộng đồng, nhận quà từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Điều này làm cho ông Trí cảm thấy rất vui, tự hào vì việc làm ý nghĩa của gia đình mình.        

Võ Tuyên

Tin xem nhiều