Những tuần gần đây, trung bình mỗi ngày Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị cho khoảng 40 bệnh nhi bị tai nạn thương tích các loại...
Những tuần gần đây, trung bình mỗi ngày Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị cho khoảng 40 bệnh nhi bị tai nạn thương tích các loại.
Một trường hợp bệnh nhân bị tai nạn thương tích đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG |
Trong đó, có những ca tai nạn rất nặng như chấn thương sọ não phải hồi sức, phẫu thuật cấp cứu mới qua cơn nguy kịch.
* Những tai nạn nguy hiểm
Đang chăm sóc con tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, chị Võ Thị Kiều Phụng (ngụ xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) cho biết, cách đây hơn 1 tuần, chị chở con trai 3 tuổi trên xe gắn máy chạy xuống dốc ở đường gần nhà thì bị xe máy đi ngược chiều chạy ẩu tông phải. Con trai chị do ngồi phía trước nên toàn bộ phần mặt bị chà xuống đường bê tông, trầy xước chân, tay, rách môi, gãy răng. Bản thân chị Phụng cũng bị đập mặt xuống đường gây sưng phần mặt, trầy xước chân tay.
Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện đang điều trị cho khoảng 20 trường hợp bệnh nhi bị chấn thương tay, chân, 10 ca chấn thương sọ não và 10 ca bỏng. Ở những khoa khác trong bệnh viện đang điều trị một số trường hợp liên quan đến ngộ độc thực phẩm, đuối nước. |
Sau khi vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị, con trai chị Phụng phải khâu 4 mũi trên mặt. Hơn 1 tuần trôi qua, toàn bộ phần mặt của bé bị chà xuống đường mất một lớp da đã chuyển màu và đang tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện.
Trong khi đó, bé gái Trần Diệu Anh (2,5 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) đã điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng được gần 1 tháng vì tai nạn nguy hiểm.
Bà Lê Thị Khuyên, bà nội của bé Diệu Anh cho hay, buổi chiều cách đây khoảng 1 tháng, bà đi đón 2 cháu từ trường về nhà. Khi đến trước cổng nhà, bà xuống xe máy để mở cửa cổng vào nhà. Lúc này ở gần đó có một chiếc xe tải đi giao nước đóng chai cho các hộ dân đang di chuyển. Bé Diệu Anh bị ngã xuống đường, tài xế xe tải do không quan sát thấy nên đã cán phải bé làm giập nát hết phần thịt của cánh tay phải.
“Nhìn cánh tay phải của cháu bị giập nát tôi không cầm lòng nổi, chỉ vì một chút sơ suất của người lớn mà cháu bị tai nạn nghiêm trọng. Từ ngày cháu vào bệnh viện, cả gia đình tôi và vợ của tài xế xe đổ nước thay phiên nhau vào bệnh viện để chăm sóc cháu. Đến nay, sau khi được ghép da, cánh tay của cháu đã tốt hơn rất nhiều nhưng bác sĩ nói sau này khi cháu lớn hơn, có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ” - bà Khuyên chia sẻ.
* Cẩn trọng trong mọi tình huống
BS CKII Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra quanh năm và rất nhiều dạng. Những tháng vừa qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng khiến các loại hình chấn thương ở trẻ thay đổi.
Cụ thể, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 chủ yếu là tai nạn sinh hoạt như té ngã trong nhà, trẻ chạy chơi, leo trèo té gãy chân, tay, bị bỏng do nước sôi, vết thương chân, tay do dao, kiếng, tôn… cắt phải nhưng tổn thương không quá phức tạp.
Đến khoảng giữa tháng 5 trở đi, khi trẻ em đã quay trở lại trường học thì tai nạn giao thông lại tăng cao, cao điểm là khoảng 2, 3 tuần gần đây, có những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Đa số các trường hợp bị tai nạn giao thông đang điều trị tại bệnh viện là trẻ em ngồi trên xe máy hoặc đi xe đạp điện bị các loại xe lớn tông phải gây chấn thương sọ não, chấn thương đa cơ quan, chấn thương đầu, chân, tay, ngực, bụng. Có những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng phải hồi sức tích cực, phẫu thuật khẩn cấp, bị gãy chân tay đi kèm với chấn thương sọ não, máu tụ trong não.
Mới đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi ngồi sau xe máy bị kẹt gót chân vào bánh xe. Bệnh nhi này bị lột hết cả phần xương gót chân, phải phẫu thuật khẩn cấp, đến nay đã cơ bản ổn định.
Để phòng tránh các tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt trong dịp hè sắp tới, BS Phạm Đông Đoài khuyến cáo người dân cần lưu tâm đến các loại tai nạn thương tích ở trẻ trong sinh hoạt, khi lưu thông ngoài đường và trong môi trường học đường.
“Chấn thương sọ não, bỏng có khả năng cao để lại di chứng, biến chứng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng, khả năng lao động sau này của trẻ. Trường hợp bệnh nhi bị nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng mạn tính kéo dài” - BS Đoài cảnh báo.
Cũng theo BS Đoài, khi trẻ ở nhà, người lớn và phụ huynh cần để mắt đến trẻ, để xa ngoài tầm tay trẻ em những vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: nước sôi, dao, kéo, thuốc, ổ điện…
Khi trẻ đi học mẫu giáo thường gặp các tai nạn như té ngã nên các khu vui chơi cần phải có lan can, nền nhà, sân tránh trơn trượt.
Đối với những trẻ từ 7-12 tuổi đã tham gia giao thông cần được trang bị bảo hộ an toàn như: mũ bảo hiểm, thắt dây đai an toàn, xe máy cần có dè chắn tránh việc trẻ vô ý đưa chân vào bánh xe.
Với những trẻ từ 12-15 tuổi, nhiều gia đình đã cho trẻ tự chạy xe đạp điện hoặc xe máy phân khối nhỏ đến trường vì nhiều lý do. Tuy nhiên, cần cẩn trọng khi giao xe cho trẻ vì thực tế nhiều trường hợp bệnh nhân ở độ tuổi này bị tai nạn giao thông rất nặng. Trường hợp cần thiết phải cho trẻ đi xe đạp điện, xe máy phân khối nhỏ, trẻ cần được trang bị kiến thức đầy đủ khi tham gia giao thông, hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Hạnh Dung