Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm mới cách đánh giá, xếp loại học sinh

09:05, 20/05/2020

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố và lấy ý kiến đóng góp về dự thảo thông tư sửa đổi và bổ sung một số điều trong quy chế đánh giá, nhận xét học sinh bậc THCS và THPT.

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố và lấy ý kiến đóng góp về dự thảo thông tư sửa đổi và bổ sung một số điều trong quy chế đánh giá, nhận xét học sinh bậc THCS và THPT. Bước đầu dự thảo này đã được đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và cả phụ huynh đánh giá cao, vì có thể giúp thay đổi cả cách dạy và cách học của học sinh vốn lâu nay chủ yếu dựa vào những bài kiểm tra trên giấy.

Một buổi học trải nghiệm của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn 3 (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: C.Nghĩa
Một buổi học trải nghiệm của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn 3 (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: C.Nghĩa

Theo dự thảo mới được Bộ GD-ĐT công bố, việc đánh giá học sinh sẽ không chỉ dừng lại ở điểm số có được thông qua các bài kiểm tra, mà còn là những lời nhận xét về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập trên lớp của học sinh.

* Thay đổi cách đánh giá

Thầy Đậu Thế Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) cho hay, từ trước đến nay, giáo viên vẫn chủ yếu đánh giá học sinh thông qua điểm số có được từ số lượng các bài kiểm tra trên lớp, còn những lời nhận xét về học sinh đôi khi còn rất ngắn gọn, chưa thực sự sâu sắc. Dự thảo mới về đánh giá học sinh dựa trên nhận xét và điểm số có rất nhiều điểm mới, giúp học sinh có thể thoát ra khỏi những bài kiểm tra trên giấy theo cách làm cũ để hướng đến những hình thức khác như: thuyết trình, hỏi đáp, thực hiện các dự án học tập…

Ngoài kiểm tra trên lớp, các em có thể thực hiện các bài viết trên mạng với những hình thức trình bày mới mẻ, kết hợp nội dung với trình bày bằng hình ảnh, clip… Cũng theo thầy Tâm, việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá sẽ tác động không nhỏ đến cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh hiện nay, khuyến khích được sự sáng tạo và sở trường của mỗi học sinh.

Dự thảo mới của Bộ GD-ĐT cũng quy định về thời lượng đối với những bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ. Theo đó, các môn học có dưới 70 tiết/năm học như: giáo dục công dân, tin học, thể dục… bài kiểm tra giữa kỳ không được dài quá 45 phút, bài kiểm tra cuối kỳ không quá 60 phút. Trong khi đó, với những môn học có trên 70 tiết/năm học như: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh… thì bài kiểm tra giữa kỳ không quá 45 phút, bài kiểm tra cuối kỳ không được quá 90 phút.

Việc lấy các đầu điểm ít hay nhiều để nhận xét và đánh giá học sinh sẽ dựa vào số môn học của từng tiết học/năm học. Dự kiến những môn có từ 35 tiết trở xuống/năm học sẽ lấy 2 đầu điểm đánh giá thường xuyên trong số các điểm đã chấm cho mỗi học sinh ở cuối học kỳ. Những môn học có từ trên 35-70 tiết/năm học sẽ được lấy 3 đầu điểm đánh giá thường xuyên, môn có trên 70 tiết/năm học sẽ có 4 đầu điểm đánh giá thường xuyên.

Một điểm mới đáng chú ý khác, đó là giáo viên có thể thực hiện các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên không bị giới hạn đối với học sinh. Cụ thể, giáo viên có thể dựa vào điều kiện dạy học, yêu cầu học tập đối với học sinh trên lớp để tiến hành kiểm tra thường xuyên đối với học sinh nhiều lần và với nhiều hình thức cho tới khi học sinh đạt được kết quả kiểm tra đánh giá tốt nhất. Dù việc đánh giá, nhận xét học sinh được thực hiện nhiều lần, nhiều hình thức nhưng giáo viên sẽ chỉ lấy điểm kiểm tra nhận xét cao nhất để ghi vào kết quả học tập.

Cô Hoàng Thị Thảo Trang, giáo viên Trường THCS Quảng Tiến (xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom) cho rằng, quy định về thực hiện các bài kiểm tra đánh giá học sinh mới đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến có nhiều điểm mở, tạo cơ hội cho học sinh cố gắng trong học tập. Chẳng hạn, nếu như giới hạn số lần kiểm tra thì học sinh sẽ không có cơ hội cải thiện điểm số. Còn khi giáo viên có quyền thực hiện kiểm tra đánh giá nhiều lần, đa dạng với nhiều hình thức thì học sinh có thể chọn những hình thức phù hợp với mình. Các em cũng có thể cố gắng cho đến khi có điểm kiểm tra đánh giá tốt nhất ghi vào kết quả học tập chính thức của mình.

* Khuyến khích tinh thần đổi mới

Bộ GD-ĐT đang có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, đánh giá nhận xét và phân loại học sinh cho phù hợp với tình hình mới. Trong một hội nghị trực tuyến với các sở GD-ĐT địa phương mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thuộc Bộ GD-ĐT cho rằng: “Việc giáo viên đánh giá thường xuyên học sinh chính là cách quan tâm theo dõi và khích lệ sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập. Đây cũng là lý do vì sao chúng tôi muốn thay đổi quy định không khống chế hay giới hạn số lần đánh giá thường xuyên của giáo viên đối với học sinh. Điều này sẽ bớt đi sự căng thẳng, lo lắng cho học sinh trong cả quá trình học tập và kiểm tra đánh giá”.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu Hồ Thị Lâm (TP.Biên Hòa) cho rằng: “Khi phương pháp dạy và học được đổi mới thì phương pháp kiểm tra, đánh giá và nhận xét học sinh cũng phải đồng bộ. Hiện nay, trường không chỉ đánh giá học sinh với điểm kiểm tra thuộc lòng, 15 hay 45 phút nữa mà có nhiều cách linh hoạt. Học sinh có thể thực hiện các dự án học tập liên quan đến môn học, thay vì làm bài kiểm tra trên giấy các em có thể thực hiện một bài thuyết trình, một video clip sáng tạo để trình bày với giáo viên… Việc đa dạng hình thức dạy và học, kiểm tra đánh giá sẽ tạo động lực mới để các trường mạnh dạn đổi mới, giáo viên và học sinh thực sự thoải mái sáng tạo, có thể là không giới hạn”.

Em Dương Vân Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Thống Nhất (H.Thống Nhất) cho hay: “Chúng em luôn bị áp lực khi thực hiện các bài kiểm tra kết quả học tập. Khi kiểm tra mà có điểm chưa như mong muốn thì không có cơ hội kiểm tra lại để cải thiện điểm. Còn với hình thức đánh giá nhận xét mới không nhất thiết phải làm bài kiểm tra, em sẽ chọn những cách làm mới mà Bộ GD-ĐT cho phép, nhất là phương pháp học tập theo dự án, thuyết trình bài thu hoạch...”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, dự thảo mới quy định về đánh giá và nhận xét học sinh THCS-THPT nếu được thực hiện sẽ loại bỏ những điểm bất cập tồn tại đã quá lâu, gây nhiều khó khăn cho giáo viên, làm mất đi động lực cho học sinh. Quy chế mới còn thể hiện sự đồng nhất và tiếp nối với cách đánh giá, nhận xét học sinh của bậc tiểu học hiện nay.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều