Với 46 công bố khoa học, Trường đại học Lạc Hồng đã lọt vào tốp 50 trường đại học tại Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế. Đây là thành quả chứng minh hướng đi đúng đắn của nhà trường trong việc phát triển nội lực bằng giá trị cốt lõi: trí tuệ của đội ngũ giảng viên nhà trường.
Với 46 công bố khoa học, Trường đại học Lạc Hồng đã lọt vào tốp 50 trường đại học tại Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế. Đây là thành quả chứng minh hướng đi đúng đắn của nhà trường trong việc phát triển nội lực bằng giá trị cốt lõi: trí tuệ của đội ngũ giảng viên nhà trường.
Trường đại học Lạc Hồng có nhiều chính sách nhằm khuyến khích giảng viên, học viên cao học và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Một nhóm tác giả đang trình bày công trình nghiên cứu tại Ngày hội Khoa học công nghệ của trường. Ảnh: H.Yến |
Các công bố khoa học của giảng viên Trường đại học Lạc Hồng thuộc 3 loại: bài báo (article và article in press), báo cáo hội nghị (conference paper) và bài tổng quan (review).
* Tinh thần tập thể của các nhà khoa học
Các bài công bố khoa học quốc tế đều phải viết bằng tiếng Anh. Do đó, giỏi tiếng Anh là điều kiện cần để giảng viên tham gia viết bài nghiên cứu khoa học. Yếu tố cần thứ 2 chính là tinh thần làm việc nhóm. Việc nghiên cứu khoa học không thể thực hiện trong “một sớm một chiều” mà phải trải qua thời gian dài.
Hiện nay, thế giới có 2 nhóm phân loại uy tín được cộng đồng khoa học công nhận gồm: phân loại theo Viện Thông tin khoa học Mỹ (Institute for Scientific Information, thường gọi là ISI) và theo Scopus (Hà Lan). Hệ thống ISI được xây dựng từ những năm 1960 và không ngừng phát triển. Cho đến nay, ISI là tập hợp của khoảng 10 ngàn tạp chí khoa học có chất lượng cao. Scopus được xây dựng từ tháng 11-2004 và thuộc sở hữu của NXB Elsevier (Hà Lan). Đây là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học. Số lượng tạp chí nằm trong Scopus gần gấp đôi số lượng nằm trong ISI, nhưng không bao gồm tất cả mà chỉ chứa khoảng 70% số lượng của ISI. Tuy nhiên, nguồn Scopus chỉ bao gồm các bài báo xuất bản từ năm 1995 trở lại đây. Trong tiêu chuẩn xét duyệt giáo sư, phó giáo sư, các công bố khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus được tính từ 1-2 điểm. |
Nếu độc lập làm việc thì người làm khoa học khó có thể xoay trở được, nhất là trong điều kiện phải dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy. Vì thế, việc nghiên cứu khoa học thường được làm theo nhóm để các thành viên có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
TS Cao Văn Dư, Phó trưởng Khoa dược Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học, dù là nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng đều cần phải có đội nhóm. Ví dụ, khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu về nano bạc, trong thời gian 1 năm phải trải qua rất nhiều thí nghiệm, mà một người không thể nào cáng đáng được hết công việc này. Chúng tôi không chỉ nghiên cứu kết hợp với các giảng viên của trường mà còn có liên hệ, kết hợp với các nhà khoa học ở những đơn vị khác nữa. Chẳng hạn, cá nhân tôi thường xuyên tương tác, trao đổi với các thầy cô ở Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam để tiếp tục theo đuổi, phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học”.
Để có thời gian cho giảng viên làm nghiên cứu khoa học, nhà trường linh động sắp xếp thời gian giảng dạy và thời gian nghiên cứu của giảng viên. Theo quy định, một năm mỗi giảng viên của trường có 150 tiết làm nghiên cứu khoa học và 280 tiết giảng dạy. Tuy nhiên, khi cần thiết, giảng viên có thể quy đổi khoảng thời gian này cho nhau.
* Chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Để thúc đẩy giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, bên cạnh tạo các điều kiện thuận lợi, Trường đại học Lạc Hồng còn xây dựng chính sách dành riêng cho lĩnh vực này.
Từ năm 2014, nhà trường đã ban hành quy chế về hoạt động khoa học - công nghệ của giảng viên Trường đại học Lạc Hồng và quy chế khen thưởng bài báo khoa học. Theo đó, bài công bố khoa học quốc tế đạt chất lượng cao được thưởng tối đa lên đến 150 triệu đồng. Những bài báo khoa học trong nước, kể cả cấp tỉnh cũng có mức khen thưởng phù hợp. Mức thưởng này được điều chỉnh tăng dần. Hiện nay, mức thưởng tối đa lên đến 180 triệu đồng. Chính sách áp dụng cho cả giảng viên cơ hữu, học viên cao học và sinh viên của nhà trường.
TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Thực hiện những chính sách nêu trên, Trường đại học Lạc Hồng mong muốn hỗ trợ cho những người có khả năng nghiên cứu để họ tập trung nghiên cứu. Việc khen thưởng là xứng đáng với công sức của những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Chính sách này cũng nhằm "giữ chân" nhân tài cho nhà trường”.
Các loại hình công bố của Việt Nam được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu Scopus năm 2019 gồm 11 loại: bài báo (article và article in press), báo cáo hội nghị (conference paper), bài báo ngắn dạng thư gửi tòa soạn (letter), bài tổng quan (review), sách chuyên khảo (book), chương sách (book chapter), bài báo mô tả dữ liệu (data paper), bài bình luận (note), bài xã luận (editorial), bản đính chính (erratum), bản điều tra (short survey). |
Cũng theo TS Quỳnh, hiện nay, khối ngành kỹ thuật của trường gồm các ngành như: cơ điện tử, điện điện tử, tự động hóa, hóa thực phẩm, dược, công nghệ thông tin, xây dựng… đang có số lượng công bố khoa học nhiều hơn so với khối ngành kinh tế, xã hội. Bên cạnh những lợi thế riêng trong công tác nghiên cứu khoa học, điều này cũng phản ánh đúng thực tế các ngành đào tạo thế mạnh của nhà trường trong thời gian qua.
Trong năm 2019, TS Cao Văn Dư là một trong những đồng tác giả có nhiều bài công bố quốc tế của Trường đại học Lạc Hồng. Theo TS Dư, những chính sách hỗ trợ của nhà trường có tác động cổ vũ tinh thần rất lớn cho người làm công tác khoa học như anh. So với mặt bằng chung thì nhà trường có chính sách hỗ trợ tốt. Việc nâng mức thưởng tối đa lên 180 triệu đồng đã góp phần thúc đẩy giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Vì trên thực tế, việc tiến hành các công trình nghiên cứu cũng khá tốn kém. Bên cạnh đó, bản thân giảng viên làm nghiên cứu khoa học còn vì sự đam mê đối với lĩnh vực nghiên cứu.
“Khi được tin Trường đại học Lạc Hồng nằm trong tốp 50 trường đại học có nhiều công bố khoa học quốc tế, bản thân tôi cảm thấy tự hào, bởi vì đây là thành quả của cả một quá trình dài lâu. So với những trường lớn, con số này có thể còn khiêm tốn, nhưng với một trường đại học có “tuổi đời” mới hơn 20 năm thì rất đáng tự hào. Nhìn rộng ra, những nghiên cứu khoa học của chúng tôi không chỉ góp phần tạo nên tên tuổi của nhà trường mà cũng là một phần đóng góp cho nền khoa học Việt Nam” - TS Dư vui mừng chia sẻ.
Tính đến ngày 1-4-2020, Trường đại học Lạc Hồng đã có 669 công trình khoa học được đăng trên tạp chí trong và ngoài nước (có 375 bài báo quốc tế, trong đó có 222 bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus).
Trước đây, các bài báo khoa học chủ yếu là của lực lượng nghiên cứu sinh, nhằm đáp ứng tiêu chí bắt buộc để hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có các công bố quốc tế đã trở thành hoạt động thường xuyên của đội ngũ giảng viên nhà trường; chất lượng các bài nghiên cứu khoa học cũng tăng theo (thể hiện qua hệ số ảnh hưởng IF - Impact Factor).
Hải Yến