Báo Đồng Nai điện tử
En

Tinh giản chương trình nhưng phải đảm bảo chất lượng dạy và học

09:04, 05/04/2020

Dịch Covid-19 đã làm chương trình học tập học kỳ 2 của học sinh Đồng Nai và cả nước buộc phải tinh giản và cắt ngắn hơn để đảm bảo kết thúc năm học đúng kế hoạch vào ngày 15-7...

Dịch Covid-19 đã làm chương trình học tập học kỳ 2 của 740 ngàn học sinh Đồng Nai và trên 21 triệu học sinh cả nước buộc phải tinh giản và cắt ngắn hơn để đảm bảo kết thúc năm học đúng kế hoạch vào ngày 15-7.

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh trong giờ học Tin học. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh trong giờ học Tin học. Ảnh: C.Nghĩa

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình tinh giản cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, Sở GD-ĐT đã triển khai cho các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh chuẩn bị thực hiện khi dịch Covid-19 được khống chế, học sinh trở lại trường.

* Coi trọng kiến thức cơ bản

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc tinh giản chương trình của các bậc học là cần thiết, nhưng thực tế việc dạy và học sẽ không hề đơn giản vì chất lượng dạy và học vẫn là trên hết. Nếu việc dạy và học không đảm bảo chất lượng vì gấp rút hoàn thành cho kịp mốc thời gian kết thúc năm học mà Bộ GD-ĐT đề ra, học sinh bị hổng kiến thức căn bản, đồng nghĩa với việc sẽ khó tiếp cận với kiến thức của những năm học tiếp theo. Ngay cả việc kiểm tra, đánh giá của giáo viên với học sinh cũng phải tính toán mới thể hiện đúng thực lực học tập của các em.

Đối với những nội dung nâng cao và có tính trùng lặp giữa các môn học, Bộ GD-ĐT khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều nội dung được tích hợp theo các chủ đề một bài học phù hợp nhưng cố gắng đảm bảo yêu cầu kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh. Cô Phạm Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) cho rằng, với những môn khoa học tự nhiên như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học hay Tiếng Anh phải cẩn trọng, khi dạy học theo hướng tinh giản vì kiến thức các môn này cần được dạy một cách hệ thống để học sinh có nền tảng tiếp thu những kiến thức tiếp theo.

Trong khi việc dạy chương trình tinh giản của các môn khoa học tự nhiên đòi hỏi sự thận trọng, tỉ mỉ thì nhiều giáo viên dạy các môn khoa học xã hội như: Tiếng Việt, Ngữ văn, Giáo dục công dân... hay các môn kỹ năng như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục lại cảm thấy “nhẹ nhõm”. Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) Phạm Thị Nam cho rằng: “Đối với các môn kỹ năng, nhà trường hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh nội dung, hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn. Các môn này các em không học trong năm học thì nhà trường vẫn có thể phối hợp với phụ huynh để bồi dưỡng thêm vào dịp hè, hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật”.

* Vượt khó vì dịch

Tại hội nghị trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ chức về vấn đề giảm tải chương trình do học sinh phải nghỉ học kéo dài bởi dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT và nhiều lãnh đạo các Sở GD-ĐT cho rằng, việc giảm tải, cắt gọn chương trình chắc chắn sẽ khiến giáo viên và học sinh phải cố gắng nhiều hơn để hoàn thành chương trình theo kế hoạch. Nhưng việc hoàn thành kế hoạch năm học đúng thời hạn cũng không quan trọng bằng đảm bảo chất lượng dạy và học. Nếu học sinh bị giáo viên “bắt chạy” quá sức để đuổi kịp chương trình thì những em có học lực trung bình trở xuống có thể bị “hụt hơi”.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ, Bộ GD-ĐT đã “chốt” kế hoạch thời gian kết thúc năm học là ngày 15-7 nhưng khi nào học sinh mới trở lại trường bắt đầu học kỳ 2 thì chưa thể biết vì thực tế dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó bà Huệ cho rằng: “Cần phải có nhiều kịch bản cho cả kế hoạch học kỳ 2 về thời gian, chương trình giảm tải. Thậm chí có thể kết thúc năm học muộn hơn dự kiến, sang tháng 8 và khai giảng năm học mới 2020-2021 muộn hơn mọi năm để đảm bảo chất lượng dạy và học không chỉ cho năm học này mà còn cả những năm học tiếp theo”.

Ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT cho rằng, chương trình giảm tải phù hợp với số đông học sinh, nhưng với học sinh lớp 9 thi lên lớp 10, đặc biệt là học sinh lớp 12 ngoài dự kỳ thi THPT quốc gia để tốt nghiệp và xét tuyển lên đại học thì sẽ phải cố gắng tự học những nội dung nâng cao bằng những hình thức khác nhau. Vì đề thi tuyển sinh lớp 10 hay đề thi THPT quốc gia bao giờ cũng có những câu hỏi nâng cao để phân hóa thí sinh chứ không chỉ có những câu hỏi ở dạng kiến thức cơ bản. Chẳng hạn trong chương trình học chính khóa trên lớp, thầy cô không có thời gian dạy và ôn luyện kiến thức nâng cao thì các em có thể tranh thủ học vào buổi tối, luyện tập nhiều hơn, có khó khăn thì có thể hỏi thầy cô...

Em Nguyễn Thanh Giang, học sinh lớp 12 Trường THPT Long Thành (H.Long Thành) cho biết: “Em đã nghiên cứu nội dung giảm tải dành cho học sinh lớp 12. Em quan tâm nhiều tới 3 môn Toán, Hóa và Sinh vì đây là 3 môn em dự kiến sẽ vừa thi để xét tốt nghiệp THPT vừa dùng điểm các môn thi này để xét tuyển vào Trường đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh. Trong công bố chương trình giảm tải, Bộ GD-ĐT có nêu những nội dung đã giảm tải sẽ không có trong đề thi, tuy vậy em vẫn cảm thấy lo lắng vì có thể những nội dung đó sẽ bổ trợ cho những nội dung còn lại. Hơn nữa, đề thi chắc chắn sẽ có kiến thức nâng cao để phân hóa học sinh nên em sẽ chủ động dành nhiều thời gian ôn luyện”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Sẽ thực hiện chặt chẽ khâu kiểm tra, đánh giá

Sở đang triển khai tới các phòng GD-ĐT và các trường trực thuộc Sở cho giáo viên nghiên cứu nội dung giảm tải chương trình học kỳ 2 mà Bộ GD-ĐT đã công bố, khi có điều kiện, học sinh trở lại trường thì triển khai dạy và học ngay. Ưu tiên cao nhất là đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không được chạy theo điểm số phản ánh không đúng kết quả dạy và học.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều