Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục "làm khó" ngành giáo dục và đào tạo, đẩy hàng triệu giáo viên, học sinh và phụ huynh cả nước vào thế "đứng ngồi không yên"...
Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục “làm khó” ngành GD-ĐT, đẩy hàng triệu giáo viên, học sinh và phụ huynh cả nước vào thế “đứng ngồi không yên”. Với những nơi có điều kiện, học sinh vẫn có thể tiếp thu phần nào kiến thức nhờ hình thức học trực tuyến, còn với những nơi khó khăn, học sinh chỉ còn biết “gấp sách” chờ ngày đến trường, thậm chí mai một kiến thức đã học.
Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) thực hiện thí nghiệm để ghi hình phục vụ dạy học online. Ảnh: C.Nghĩa |
Theo Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Trần Đình Vinh: “Hình thức học trực tuyến khó đạt hiệu quả như kỳ vọng ban đầu, học sinh ở khu vực nông thôn, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất khó khăn khi tiếp cận hình thức học tập đòi hỏi phải có thiết bị kết nối mạng. Do vậy, khi kiểm tra đánh giá học sinh tham gia hình thức học trực tuyến phải rất thận trọng, bởi nếu giáo viên “thả tay” cho điểm để các em được lên lớp thì sẽ rất tai hại”.
* Có nên quá kỳ vọng?
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến học sinh phải nghỉ học, hằng ngày thầy Lê Toàn, giáo viên Trường THPT Phú Ngọc (H.Định Quán) thường xuyên lên mạng xã hội Facebook tiến hành các buổi livestream (phát hình trực tiếp) hỗ trợ học sinh ôn tập môn Hóa học. Thầy chia sẻ, những buổi livestream này nếu học sinh chịu khó theo dõi sẽ giúp ích trong việc củng cố kiến thức. Tuy nhiên, điều đáng buồn là mỗi buổi livestream của thầy Toàn chỉ có vài ba em theo dõi.
Còn nhiều lo ngại về an toàn Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn khẩn gửi các Sở GD-ĐT trên cả nước nhằm kiểm soát và phòng tránh học sinh bị tin tặc tấn công mạng, chèn các clip phim kinh dị, khiêu dâm khi học trực tuyến. Học sinh có thể bị dụ dỗ để lấy cắp thông tin, hình ảnh cá nhân, thậm chí yêu cầu học sinh tự chụp ảnh khỏa thân gửi cho chúng để dùng vào các mục đích xấu. Do đó, giáo viên cần quản lý chặt chẽ quá trình học trực tuyến. Quá trình này còn cần đến sự đồng hành của phụ huynh để đảm bảo an toàn cho chính con em mình. |
Còn em Nguyễn Thị Hoa, học sinh lớp 9 Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (H.Trảng Bom) cho biết: “Thời gian qua, em có theo dõi một số buổi ôn tập và dạy kiến thức mới qua truyền hình nhưng em cảm thấy không thích thú so với học trên lớp. Hơn nữa, khi thầy cô dạy qua truyền hình thì học sinh không thể tương tác trao đổi, dẫn đến khó tiếp thu bài giảng”.
Với những học sinh THCS-THPT đã có kỹ năng sử dụng các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, việc học trực tuyến tương đối thuận lợi. Nhưng với học sinh tiểu học thì việc học trực tuyến khá chật vật, cha mẹ phải ngồi “trực” kế bên gần như suốt buổi học.
Chị Nguyễn Thị Liên, phụ huynh có con đang học lớp 1 một trường tư thục tại TP.Biên Hòa cho hay: “Mới đây trường thông báo thu học phí 700 ngàn đồng/tháng để học trực tuyến, tôi lo ngại con không theo học sẽ thiệt thòi so với các bạn. Thế nhưng quá trình ngồi theo dõi con học, tôi hơi thất vọng vì cô và trò đều lúng túng. Trong khi đó, nhiều phụ huynh cũng không rành thiết bị để hỗ trợ cho con”.
Một giáo viên trường tư thục tại TP.Biên Hòa được phân công dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 chia sẻ: “Một số phụ huynh vì sợ con bị điểm thấp nên khi ngồi cạnh con học còn “nhắc bài”. Có phụ huynh thì “cướp” cả màn hình của con để trách cô giáo vì lý do con mình ít được gọi phát biểu hơn các bạn khác khiến cả lớp hoang mang”.
* Cần thêm thời gian
Hình thức học trực tuyến đã không còn mới lạ mà đã trở thành xu thế phổ biến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ hiện nay. Nhưng để học trực tuyến áp dụng hiệu quả trong trường học, thay thế cho hình thức học trực tiếp trên lớp trong những tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh thì cần phải có thêm thời gian, bởi hình thức này sẽ khó đánh giá chính xác và công bằng năng lực của học sinh.
Triển khai hệ thống giám sát học tập tại nhà Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty TNHH Tiến bộ Sài Gòn đang triển khai hệ thống quản lý giáo dục để quản lý học sinh học tập tại nhà. Với hệ thống này, phụ huynh có thể đăng nhập vào website http://dongnai.quanlygiaoduc.vn đăng ký tài khoản tra cứu để có thể biết được kế hoạch và thông tin liên quan đến việc học tập của con em mình, từ đó phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh. |
Theo nhiều giáo viên, giai đoạn đầu triển khai hình thức học online ở nhiều trường, cả giáo viên lẫn học sinh đều rất hào hứng. Tuy nhiên đến nay, số trường duy trì được hình thức học này thực sự không nhiều. Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) là một trong những trường công lập đầu tiên tại TP.Biên Hòa triển khai hệ thống học online khi học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19. Hiện tại, hình thức học qua mạng này vẫn được nhà trường duy trì khá tốt, được phụ huynh đánh giá cao.
Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo Đỗ Thị Cao Sang cho biết: “Chúng tôi đã phải rất cố gắng mới duy trì được hình thức dạy và học online trong thời gian dài như vậy. Ngoài sự cố gắng của giáo viên, phải kể đến phần đông học sinh đều tự giác học tập nghiêm túc, nhất là những học sinh lớp 9 chuẩn bị hoàn thành chương trình THCS và thi lên lớp 10. Các em được cha mẹ tạo điều kiện về thiết bị học online khá đầy đủ, việc học diễn ra thuận lợi và hào hứng”.
Trong khi nhiều giáo viên đang cố gắng vận dụng các hình thức học qua mạng để duy trì việc học của học sinh trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì vẫn có những trường, giáo viên vẫn “bình chân”, gần như không có sự quan tâm đáng kể nào cho học sinh ôn tập. Theo phản ánh của phụ huynh tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa), thời gian dài qua, giáo viên gần như không trao đổi giúp đỡ học sinh học tập qua mạng ngoài một số tin nhắn qua phần mềm VNEDU thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ học do dịch Covid-19.
Công Nghĩa