Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên làm thêm trong đại dịch Covid-19

11:04, 10/04/2020

Thời gian nghỉ do dịch Covid-19 kéo dài, nhiều giáo viên đã làm thêm "nghề tay trái" để có thêm thu nhập. Đặc biệt, với những giáo viên của các trường tư thục bị cắt giảm lương, công việc làm thêm trở thành nguồn thu nhập chính để giúp họ trang trải cuộc sống trong giai đoạn hiện nay.

Thời gian nghỉ do dịch Covid-19 kéo dài, nhiều giáo viên đã làm thêm “nghề tay trái” để có thêm thu nhập. Đặc biệt, với những giáo viên của các trường tư thục bị cắt giảm lương, công việc làm thêm trở thành nguồn thu nhập chính để giúp họ trang trải cuộc sống trong giai đoạn hiện nay.

Cô Hồ Thị Tuyết đang soạn hàng để chuẩn bị đi giao cho khách. Nhờ thực phẩm tươi ngon, giá cả phải chăng nên cô duy trì được lượng khách hàng ổn định. Ảnh H.Yến
Cô Hồ Thị Tuyết đang soạn hàng để chuẩn bị đi giao cho khách. Nhờ thực phẩm tươi ngon, giá cả phải chăng nên cô duy trì được lượng khách hàng ổn định. Ảnh H.Yến

* Không dễ làm “nghề tay trái”

Sau khi học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19, nhóm trẻ mà cô Trần Thị Thùy (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) làm việc đã quyết định đóng cửa hẳn. Cô Thùy bắt đầu tìm công việc làm thêm tạm thời, đợi qua dịch sẽ xin đi dạy tại một trường mới. Được người quen giới thiệu, cô Thùy nhận gia công kết hạt cườm cho quần áo. Công việc không khó, chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì. Tuy nhiên, suốt ngày phải ngồi một chỗ tù túng, trong khi nhà lại có con nhỏ nên vừa phải làm việc, cô Thùy vừa phải trông chừng con.

“Tôi chỉ sợ không may con nhặt phải mấy hạt cườm rồi cho vào mũi, miệng. Vừa làm vừa trông con nên tôi làm chậm lắm” - cô Thùy chia sẻ.

Ngoài kết hạt cườm, các nữ giáo viên còn có nhiều lựa chọn công việc thủ công khác như: làm tranh đính đá, kết mi giả, thêu tranh chữ thập… Đây đều là những công việc khá đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn ngồi một chỗ để làm. Chưa kể, có trường hợp giáo viên nhận đơn hàng làm tranh đính đá qua mạng, phải đặt cọc trước mới được nhận hàng về làm, đến khi làm xong, gọi điện để giao hàng thì không liên lạc được.

Cô Lê Thị Hồng (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cũng là giáo viên mầm non. Từ ngày trường tạm thời đóng cửa, cô tập tành làm quen với việc bán hàng online. Tìm nguồn hàng để bán không khó, từ mỹ phẩm, quần áo đến các loại đặc sản các vùng miền nhưng ngược lại, việc tiếp cận khách hàng không dễ.

“Muốn bán được hàng thì phải đăng hình mặt hàng thường xuyên. Ban đầu, cũng có phụ huynh mua ủng hộ nhưng ngày càng ít dần. Mình lại không có nhiều bạn bè trên mạng và chắc là không có duyên bán hàng nên thu nhập thấp lắm” - cô Hồng cho biết.

* Phát huy thế mạnh

Cô Hồ Thị Tuyết (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) từng công tác tại một trường mầm non lớn trên địa bàn TP.Biên Hòa. Cách đây 2 năm, cô quyết định nghỉ việc để mở nhóm trẻ riêng. Hoạt động chưa được bao lâu thì nhóm phải tạm ngưng do dịch bệnh. Kể từ đó, cô quyết định nhờ người quen chuyển các mặt hàng đặc sản ở quê vào TP.Biên Hòa để bán. Mặt hàng cô chọn chủ yếu là thực phẩm, từ các loại cá, mực của vùng biển Nghệ An, nước mắm Ba Làng ở Thanh Hóa đến các loại trái cây ở Đắk Lắk. Ngoài ra, cuối tuần cô còn nhận đặt nấu chè bưởi theo đơn của khách.

Các sản phẩm được lựa chọn kỹ, vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng nên cô Tuyết duy trì được lượng khách ổn định. Công việc thuận lợi, cô Tuyết lấy thêm hàng cho các bạn đồng nghiệp cùng bán. “Nếu hàng đi đều, mỗi ngày một người có thể kiếm lời được 100 ngàn đồng. Số tiền này tạm đủ để đi chợ, như vậy cũng bớt được một phần khó khăn. Bạn bè của tôi làm giáo viên ở trường tư có nhiều người không được trả lương ngừng việc. Người nào may mắn thì xin đi làm công nhân, còn không thì có việc gì làm việc nấy nên bây giờ thu nhập 100 ngàn đồng/ngày là quý rồi” - cô Tuyết cho hay.

Những ngày gần đây, do thực hiện chủ trương cách ly xã hội nên việc vận chuyển hàng hóa của cô Tuyết gặp nhiều khó khăn hơn bởi người thân gửi hàng cho cô đều thông qua hệ thống xe khách. “Những ngày này, xe khách vẫn chạy nhưng không chở khách mà chỉ chở hàng hóa. Vì vậy, tiền hàng của tôi được tính bằng với giá vé chở người. Chi phí vận chuyển tăng làm cho giá bán cũng buộc phải tăng theo” - cô Tuyết chia sẻ thêm.

Sẵn có tài “nữ công gia chánh” nên cô Anh Thư (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chọn bán các món ăn, uống do chính mình chế biến. Các món sở trường được cô Thư làm thường xuyên là xôi khúc, trà sữa. Thu nhập không đáng kể nhưng được nấu những món ăn yêu thích đã đem đến niềm vui để cô Thư vượt qua những ngày này.

Còn cô B.T.N., giáo viên một trường phổ thông ở H.Vĩnh Cửu thì chọn bán mặt hàng tinh dầu bưởi. Tận dụng vùng nguyên liệu bưởi Tân Triều, gia đình cô N. tự làm tinh dầu bưởi để bán. Không chỉ đảm bảo chất lượng, giá cả cô N. đưa ra cũng phải chăng, vì thế, khách hàng của cô ngày càng nhiều lên.

Không chỉ cô N., một số giáo viên dạy các môn Hóa, Sinh cũng tranh thủ thời gian nghỉ để tìm cách làm các loại tinh dầu để bán. Công việc này tương đối phù hợp với thế mạnh nghề nghiệp, vừa cho ra những sản phẩm chất lượng. Đây cũng là tiền đề cho những dự án dạy học trong thời gian tới của họ.

Cũng bán hàng online nhưng nhiều giáo viên lại chọn bán các mặt hàng phục vụ giáo dục như: truyện tranh, sách tập tô, sách hành trang vào lớp 1, bảng đen dán tường… “Khi bán mặt hàng này, tôi có thể tư vấn cho người mua những kiến thức phù hợp với chuyên môn của mình. Điều này làm tôi tự tin hơn” - cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên nhóm trẻ T.B. (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) bày tỏ.

Hải Yến

Tin xem nhiều