Năm 2020 là năm thứ 10 chương trình Ngân hàng bò được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Nhờ chương trình này, những năm qua các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động, bàn giao bò giống cho nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn làm nguồn phát triển kinh tế.
Năm 2020 là năm thứ 10 chương trình Ngân hàng bò được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Nhờ chương trình này, những năm qua các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động, bàn giao bò giống cho nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn làm nguồn phát triển kinh tế.
Hội Chữ thập đỏ H.Xuân Lộc khảo sát một gia đình được hỗ trợ từ chương trình Ngân hàng bò. Ảnh: Văn Truyên |
Tuy nhiên, bên cạnh những hộ dân chăn nuôi có lợi nhuận, vẫn còn không ít người xin trả lại con giống hay tiền mua con giống vì chăn nuôi không hiệu quả.
* Người trả lại bò còn nhiều
Ông Võ Thành Vân, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Xuân Lộc cho hay, 10 năm qua, huyện có 23 người được hỗ trợ bò, trong số này chỉ có 3 đối tượng thực hiện hiệu quả. Các trường hợp còn lại vì nhiều lý do khác nhau như: bò chết, bò không sinh sản được... nên không phát huy được nguồn vốn.
Mặt khác, những năm đầu triển khai chương trình do giá mua bán bò thịt, bò giống đang cao, bà con có thể tận dụng đất hoang để chăn thả. Gần đây, giá mua bán bò lên xuống thất thường, bò lại hay mắc phải nhiều loại bệnh, nguồn đất để chăn thả hay cắt cỏ không còn, người nuôi bò phải mua rơm có giá
40-50 ngàn đồng/cuộn nên hiệu quả kinh tế không cao.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, dự kiến tháng 6-2020, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện chương trình Ngân hàng bò. Thông qua hoạt động này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ đánh giá kết quả đạt được cũng như hạn chế để từ đó có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế thời gian tới. |
Năm 2020, Hội Chữ thập đỏ H.Xuân Lộc thông báo Hội Chữ thập đỏ cấp xã rà soát, thống kê đối tượng có nhu cầu nhận bò từ chương trình nhưng đến nay đã có 4 xã, thị trấn báo cáo là người dân không có nhu cầu.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Yến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trị An (H.Vĩnh Cửu), những năm qua, xã chỉ có 3 hộ dân đăng ký nhận bò từ chương trình Ngân hàng bò nhưng có đến 2 trường hợp hoàn trả lại vốn. 1 hộ dân còn nuôi bò nhưng cũng đã chuyển đổi từ nuôi bò sinh sản sang nuôi bò thịt. Nguyên nhân chủ yếu là do không có người trông coi và nguồn thức ăn cho bò khó tìm hơn trước, nhiều loại bệnh trên bò xuất hiện gây tốn kém trong chăm sóc…
Bà Võ Thị Hồng (ngụ ấp 1, xã Trị An) cho hay, năm 2016, bà được nhận 1 con bò giống. Hằng ngày, bà đến các vườn cây trong xã xin cắt cỏ, cành cây về cho bò ăn. Sau 1 năm chăm sóc, con bò cái sinh được 1 bò con. Nhưng từ đó đến năm 2019, con bò giống không sinh thêm lần nào dù nhiều lần phối giống. Điều này làm bà rất nản. Sau đó, bà đề xuất với Hội Chữ thập đỏ xã để chuyển từ nuôi bò sinh sản sang nuôi bò thịt. Được chấp thuận, bà bán con bò cái để mua con bò đực và thuê người nuôi theo tháng.
* Chủ động làm mới mô hình
Từ thực tế đó, nhiều huyện, thành phố trong tỉnh đã chủ động thực hiện chương trình Ngân hàng bò theo điều kiện thực tế ở địa phương và nhu cầu của người dân.
Ông Trương Công Liêm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Cẩm Mỹ cho biết, những năm qua, huyện có hàng chục hộ gia đình được hỗ trợ con giống từ chương trình Ngân hàng bò. Khi triển khai thực hiện chương trình, Hội Chữ thập đỏ huyện tập trung hỗ trợ các xã mà người dân có điều kiện về thức ăn cho vật nuôi, có nơi để chăn thả, bà con có thời gian nhàn rỗi... chứ không phân bổ dàn trải. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu của bà con mà Hội Chữ thập đỏ huyện linh động sử dụng kinh phí mua bò để cấp dê giống, heo giống, gà, vịt giống.
Thực hiện chương trình Ngân hàng bò, trong 3 năm gần đây (2017-2019) Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã trao 152 con bò, bê với trị giá trên 1,7 tỷ đồng cho các hộ dân. |
Như ở xã Sông Ray, theo ông Lê Cường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, từ khi triển khai chương trình, xã có 20 gia đình được nhận bò. Đến nay còn 16 gia đình duy trì chăn nuôi bò. Những hộ này đều làm nghề nông nên tận dụng được nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, có thời gian nông nhàn để chăm sóc bò. Riêng với 4 hộ có bò bị chết trong quá trình nuôi, bò nuôi đã lâu nhưng không sinh sản, tùy vào nhu cầu mà Hội Chữ thập đỏ xã chuyển đổi nguồn vốn sang cho bà con nuôi dê.
Còn theo ông Võ Thành Vân, những năm trước Hội Chữ thập đỏ H.Xuân Lộc giao chỉ tiêu cho Hội Chữ thập đỏ cơ sở vận động mỗi năm 1 con bò để trao cho người dân. Song những năm gần đây tùy vào nhu cầu, tình hình thực tế mà địa phương thực hiện chứ không còn giao chỉ tiêu nữa. Ngoài ra, theo quy định khi bò mẹ đẻ con đầu tiên, bò con sau khi cứng cáp sẽ được chuyển cho hộ nghèo tiếp theo. Hội Chữ thập đỏ huyện không làm vậy mà tiếp tục để bò con cho bà con nhân đàn. Đến khi bà con phát triển được từ 3-4 con bò thì mới yêu cầu chuyển 1 bò con cho hộ nghèo khác.
Bà Võ Thị Vân (ngụ xã Xuân Hiệp) cho hay năm 2014, bà được nhận 1 con bò giống. Theo quy định khi bò con đẻ ra đã cứng cáp sẽ bàn giao cho Hội Chữ thập đỏ xã để chuyển cho hộ nghèo khác song bà được tạo điều kiện giữ lại tiếp tục nuôi. Nhờ đó đến năm 2017, bà đã có 3 con bò, trong đó có 2 con đang mang bầu và 1 bò con. Lúc này bà chủ động liên hệ Hội Chữ thập đỏ cơ sở trao lại 1 con bò giống để chuyển giao cho hộ nghèo khác. Đến thời điểm này, bà Vân đã có 3 con bò sinh sản và 1 con bò con.
Võ Tuyên