Báo Đồng Nai điện tử
En

Bù đắp cho học sinh bị 'hổng' kiến thức

09:04, 15/04/2020

Hiện nay, các trường học đều tổ chức ôn tập, dạy kiến thức mới cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu thông qua internet. Chưa tính đến chất lượng, số lượng học sinh tham gia cũng không đạt được 100%. Như vậy, có rất nhiều học sinh sẽ bị "hổng" kiến thức khi quay lại trường học.

Hiện nay, các trường học đều tổ chức ôn tập, dạy kiến thức mới cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu thông qua internet. Chưa tính đến chất lượng, số lượng học sinh tham gia cũng không đạt được 100%. Như vậy, có rất nhiều học sinh sẽ bị “hổng” kiến thức khi quay lại trường học.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) tham gia học tập trực tuyến. Ảnh: H.Yến
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) tham gia học tập trực tuyến. Ảnh: H.Yến

* Lo học sinh bị “hổng” kiến thức

Trường tiểu học Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu) có 550 học sinh. Thời điểm mới nghỉ học phòng dịch Covid-19, nhà trường in và giao bài trực tiếp cho phụ huynh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phụ huynh không đến nhận bài. Sau đó, trường giao bài tập qua email, Zalo. Nhưng cũng tương tự, nhiều phụ huynh không giữ liên lạc, không tương tác và phối hợp với giáo viên trong việc ôn tập cho học sinh.

“Những trường hợp đó có thể không phải vì phụ huynh không quan tâm đến việc học hành của con mà là do điều kiện, hoàn cảnh sống riêng của họ, nhất là những lao động nhập cư. Những học sinh không thường xuyên ôn tập tại nhà, không làm bài tập giáo viên yêu cầu chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn các bạn khác khi quay lại trường học” - cô Trần Thị Xuân Quyên, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa cho hay, trước tình hình học sinh phải nghỉ học quá dài, ngoài giao bài ôn tập, trường dự kiến tổ chức dạy học online. Để có căn cứ triển khai, trường đã tổ chức những tiết học thử nghiệm. Lớp đầu tiên, chỉ có hơn 20 học sinh/lớp tham gia học. Lớp thứ 2 học sinh vào đông hơn nhưng chỉ học được một lát thì các em không tập trung vào bài học và chuyển sang làm việc riêng.

“Dịp hè, học sinh có thể được nghỉ trọn vẹn 3 tháng. Trong thời gian này, học sinh được tham gia các hoạt động ngoại khóa, học thêm các môn năng khiếu… Trong khi đó, thời gian nghỉ dịch kéo dài nhưng học sinh lại phải ở nhà. Sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ trong khoảng thời gian 3 tháng của nghỉ hè và nghỉ dịch là khác nhau. Giai đoạn sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn của cả giáo viên lẫn học sinh” - vị hiệu trưởng này cho biết.

Hiện nay, đối với các trường tiểu học, giáo viên đang nỗ lực ôn tập cho học sinh thông qua việc giao bài tập về nhà, cũng có giáo viên online để tương tác trực tiếp với học sinh. Tuy vậy, không phải học sinh nào cũng tham gia và hiệu quả đến đâu thì chưa đánh giá được.

Ở bậc THCS và THPT, ngoài dạy học trên truyền hình, các trường đều tổ chức dạy học qua internet bằng nhiều hình thức khác nhau song số lượng học sinh tham gia và chất lượng lớp học như thế nào thì vẫn chưa có đánh giá cụ thể. Nhiều học sinh không tham gia hoặc ít tham gia hình thức học tập này. Trong khi đó, các trường đã triển khai dạy kiến thức mới. Vì thế, nguy cơ “hổng” kiến thức, bị thụt lùi so với các bạn là rất rõ ràng đối với một số học sinh.

Chị Bùi Thị Duyên (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) có con đang học lớp 8, cảm thấy lo lắng vì ở nhà con chị không có điện thoại, máy tính để học trực tuyến. “Bản thân bé vốn chỉ có học lực trung bình nên tôi không biết khi đi học lại con có theo kịp các bạn để được lên lớp hay không” - chị Duyên băn khoăn.

* Cần phương án thiết thực

Theo phân bố chương trình, học kỳ 2 có 17 tuần. Nếu đầu tháng 5 đi học lại và kết thúc năm học vào ngày 15-7 như dự kiến của Bộ GD-ĐT thì thầy - trò sẽ có 10 tuần cho học kỳ 2. Trong đó, giáo viên phải dùng khoảng 2- 3 tuần đầu để hệ thống lại kiến thức học kỳ 1 cho học sinh. Như vậy, giáo viên chỉ còn 8 tuần để hoàn thành chương trình giảm tải của 17 tuần. Nếu chỉ cần ôn bài để các em thi lên lớp thì rất dễ dàng. Điều quan trọng là làm sao đảm bảo cho học sinh đủ trình độ lên lớp để còn theo học được ở lớp trên.

Không kể học sinh lớp 12 phải thi THPT quốc gia, học sinh lớp 1 là đối tượng mà các giáo viên, phụ huynh lo lắng nhất. “Sợ nhất là học sinh lớp 1 bị quên hết kiến thức. Trong khi yêu cầu đối với học sinh khi hoàn thành lớp 1 là phải đọc thông, viết thạo và làm được phép toán cộng trừ trong phạm vi 100” - một giáo viên ở TP.Biên Hòa cho hay.

Theo cô Trần Thị Xuân Quyên, với những học sinh bị “hổng” kiến thức, giáo viên phải có sự quan tâm riêng. Tùy theo mức độ tiếp thu bài của từng em, giáo viên sẽ có biện pháp giao bài tập, kết hợp với phụ huynh để theo dõi. Khi học sinh đi học trở lại, việc tương tác, phối hợp giữa giáo viên và học sinh sẽ thuận tiện hơn. Điều này cũng hỗ trợ tốt cho việc học của trẻ.

Cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) thì cho biết: “Trường chúng tôi có thuận lợi là tổ chức học 2 buổi/ngày. Vì thế, khi đi học lại, chúng tôi sẽ cắt toàn bộ các hoạt động ngoại khóa, các môn kỹ năng để tập trung cho các môn chính khóa. Trong môn chính khóa, giáo viên sẽ tập trung vào những kiến thức cơ bản. Nhưng đối với những trường chỉ tổ chức học 1 buổi thì sẽ khó khăn hơn nhiều”.

Thầy Nguyễn Quang Thái, Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) cho hay, nhà trường đã lường trước thực trạng học sinh không tham gia học qua internet, hoặc có học nhưng không đảm bảo yêu cầu và đưa ra phương án khắc phục. Theo đó, các bài giảng của giáo viên đều thu lại và đăng lên kênh YouTube để học sinh chủ động giờ học. Sau khi học sinh tự học, giáo viên sẽ hẹn giờ online để giải đáp thắc mắc. Ngoài giảng bài, giáo viên giao bài tập trên Google Forms. Thông qua thống kê của trang này, giáo viên sẽ biết được học sinh làm bài bao nhiêu lần, số câu trả lời đúng, sai… Từ đó, giáo viên biết cần phải giảng lại phần nào.

“Khi học sinh quay lại trường, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, khảo sát kiến thức học trực tuyến. Căn cứ vào kết quả này, chúng tôi sẽ củng cố, thậm chí là dạy lại cho các em. Những em tiếp thu tốt rồi thì sẽ được học nâng cao. Những em yếu quá thì gom lại một số lớp để phụ đạo thêm” - thầy Thái cho biết.

Hải Yến

Tin xem nhiều