Bất ngờ nghỉ việc tại một phòng khám tư nhân ở TP.Hồ Chí Minh với mức thu nhập khá cao, bác sĩ Nguyễn Quốc Thành đi học CKI và chọn Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (TP.Long Khánh) là nơi để phát triển sự nghiệp.
Bất ngờ nghỉ việc tại một phòng khám tư nhân ở TP.Hồ Chí Minh với mức thu nhập khá cao, bác sĩ Nguyễn Quốc Thành đi học CKI và chọn Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (TP.Long Khánh) là nơi để phát triển sự nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thành căn dặn bệnh nhân và người nhà kiên trì tập vật lý trị liệu để bình phục hoàn toàn sau khi bị đột quỵ. Ảnh: H.Dung |
Hơn 8 năm làm việc tại đây, bác sĩ CKI.Nguyễn Quốc Thành đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong đồng nghiệp và bệnh nhân.
* Ngã rẽ bất ngờ
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thành năm nay 39 tuổi, sinh ra và lớn lên tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại chứng kiến mẹ và những người sống xung quanh hay đau ốm khiến anh luôn ấp ủ ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh PHAN VĂN HUYÊN chia sẻ: “Trong khi nhiều bác sĩ giỏi “bỏ” bệnh viện công lập để qua làm việc tại các bệnh viện tư nhân vì thu nhập thì bác sĩ Thành lại làm điều ngược lại. Điều đó đủ để chúng tôi trân quý tấm lòng vì người bệnh, vì bệnh viện của anh. Giỏi chuyên môn, tận tâm với nghề, là một đảng viên gương mẫu, bác sĩ Thành đã và đang là nguồn cảm hứng, “truyền lửa” cho nhiều bác sĩ trẻ trong bệnh viện”. |
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường đại học y dược Huế, bác sĩ trẻ Nguyễn Quốc Thành vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ở thành phố phát triển năng động này, những bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt như bác sĩ Nguyễn Quốc Thành không khó để có được mức thu nhập khá. Thời điểm đó, thu nhập hằng tháng của anh đã là 30 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình đang lúc khó khăn.
Tuy nhiên, với ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi, có thể làm được nhiều việc giúp ích cho các bệnh nhân nghèo, bác sĩ Thành quyết định nghỉ làm, đi học CKI nội thần kinh. Năm 2010, sau khi có trong tay tấm bằng CKI, bác sĩ Thành về Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh để làm việc trong lúc nơi này đang thiếu rất nhiều bác sĩ.
Nói về lý do tại sao lại chọn một bệnh viện công lập ở tỉnh, nơi còn thiếu thốn nhiều điều kiện để làm việc thay vì các phòng khám hay bệnh viện tư nhân tại TP.Hồ Chí Minh, bác sĩ Thành trải lòng: “Khi bước chân vào nghề y, tôi mong muốn được trở thành một bác sĩ đúng nghĩa, tức là bản thân mình phải có kiến thức chuyên môn giỏi, làm việc tốt, có tâm, hạn chế sai sót, cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Tôi muốn cống hiến sức trẻ và tài năng của mình ở những nơi thực sự cần mình, không chỉ riêng bệnh viện mà cả người dân ở khu vực đó”.
* Cứu 90 bệnh nhân đột quỵ trong 10 tháng
Tháng 1-2011, bác sĩ Thành chính thức về làm việc tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ không vào viện cấp cứu kịp thời nên bị tai biến, liệt nửa người, thậm chí tử vong, trong lòng bác sĩ Thành luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ phát triển mạnh chuyên khoa nội thần kinh để cứu sống được nhiều người.
Anh thường xuyên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, tự học, đọc tài liệu, học hỏi từ đồng nghiệp đi trước những kiến thức, kỹ năng liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Khi nghe tin các bệnh viện lớn ở TP.Hồ Chí Minh tổ chức các lớp học hoặc các chuyên gia đầu ngành về nội thần kinh ở TP.Hồ Chí Minh xuống Đồng Nai giảng dạy, bác sĩ Thành mạnh dạn đề xuất lãnh đạo bệnh viện cho tham gia để lĩnh hội kiến thức.
Sau khi bác sĩ Phan Văn Huyên làm Giám đốc bệnh viện, tháng 6-2018, Khoa Nội tổng hợp được tách làm 2 khoa là Nội tổng quát và Nội thần kinh - cơ xương khớp. Tháng 1-2019, bệnh viện thành lập Đơn vị điều trị đột quỵ thuộc Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp, bác sĩ Thành được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp và Trưởng Đơn vị điều trị đột quỵ.
Nhằm xây dựng nguồn nhân lực tại khoa vững mạnh, bác sĩ Thành đề xuất lãnh đạo bệnh viện cử luân phiên các bác sĩ, điều dưỡng của khoa lên Bệnh viện Nhân Dân 115 ở TP.Hồ Chí Minh để được đào tạo, đặc biệt là đào tạo cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu não cấp. Với những nỗ lực không ngừng, đơn vị điều trị đột quỵ đã liên tục tiếp nhận và điều trị thành công cho 90 bệnh nhân bị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (tỷ lệ hồi phục hoàn toàn chiếm hơn 50%). Và bác sĩ Nguyễn Quốc Thành chính là người tiên phong của đơn vị, thực hiện hầu hết các ca bệnh. Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cũng là bệnh viện hạng 2 đầu tiên trong tỉnh triển khai được kỹ thuật tiên tiến này.
Đang chăm sóc chồng tại Đơn vị điều trị đột quỵ, bà Đặng Thị Cúc (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) chia sẻ, nếu không có bác sĩ Thành tận tâm, dốc lòng dốc sức cứu chữa thì giờ này có lẽ bà không còn cơ hội chăm sóc chồng. Bác sĩ Thành là ân nhân của gia đình, bà mãi mãi không quên.
Bà Cúc kể, vài ngày trước, chồng bà bị méo miệng, nói đớ. Nghi chồng bị đột quỵ, bà Cúc liền đưa đến Trạm y tế xã và được chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.
“Thấy chồng nguy kịch, gia đình tôi một mực đòi chuyển lên tuyến trên. Lúc này, bác sĩ Thành ân cần giải thích cặn kẽ rằng chồng tôi bị xuất huyết não, nếu di chuyển nhiều mạch máu não sẽ bị vỡ thêm và lúc đó cơ hội cứu chữa càng khó. Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu người, không ai muốn bệnh nhân phải chết cả nên gia đình cứ yên tâm, cứ tin tưởng vào bác sĩ. Lúc đó, tôi mới thực sự cảm thấy an tâm và trông cậy cả vào bác sĩ. Đến nay, chồng tôi đang hồi phục sức khỏe, không còn bị yếu liệt, nói rõ hơn, được hướng dẫn tập vật lý trị liệu tận tình” - bà Cúc nhớ lại.
* “Truyền lửa” cho các bác sĩ trẻ
Là Trưởng khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp, bác sĩ Nguyễn Quốc Thành luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho các bác sĩ trẻ trong khoa cả về chuyên môn lẫn phong cách, thái độ phục vụ người bệnh.
Bác sĩ Hoàng Tuyết Sương, công tác tại Đơn vị điều trị đột quỵ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh bộc bạch, làm việc với bác sĩ Thành, chị học hỏi được rất nhiều điều hay. Đó là tinh thần cầu tiến, cầu thị, ham học hỏi, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức của bác sĩ Thành. Điều đặc biệt ở bác sĩ Thành là không bao giờ bị động ngồi chờ bệnh nhân đến tìm hay chỉ làm hết giờ rồi về. Bất kể là nửa đêm, ngày mưa gió hay lễ, Tết, dù đang ở đâu, nếu bệnh viện có ca bệnh cần cấp cứu, bác sĩ Thành đều không nề hà, sẵn sàng đến bệnh viện, xắn tay áo cùng đồng nghiệp cứu người.
“Trong công việc, bác sĩ Thành là người rất nghiêm khắc. Vì thế mà dù Đơn vị điều trị đột quỵ mới được thành lập nhưng mọi người đi vào nề nếp rất nhanh. Ai cũng noi gương bác Thành để phấn đấu trở thành bác sĩ tốt, luôn vì bệnh nhân. Anh cũng luôn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp những lúc khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống” - chị Tuyết Sương tâm sự.
Hạnh Dung