Tại Đồng Nai, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình đào tạo 9+4. Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên, vừa học nghề hệ cao đẳng.
Tại Đồng Nai, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình đào tạo 9+4. Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ vừa học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên, vừa học nghề hệ cao đẳng.
Học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+4 tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi. Ảnh: H.Yến |
Với hệ đào tạo này, học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có thêm lựa chọn nếu không theo học chương trình THPT.
* Các chương trình đào tạo 9+
Ngày 13-7-2018, Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành Công văn số 2817/LĐTBXH-TCGDNN hướng dẫn chi tiết về việc khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS (được gọi là chương trình đào tạo 9+). Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình cao đẳng liên thông từ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Với chủ trương này, học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề 9+2, 9+3 sau khi được cấp bằng trung cấp nghề sẽ được học liên thông lên cao đẳng nghề (thay vì phải đợi có bằng tốt nghiệp THPT như trước đây). Đối với các trường đã xây dựng được chương trình đào tạo phù hợp thì có thể đào tạo hệ 9+4. Tức là học sinh tốt nghiệp THCS có thể tham gia học chương trình cao đẳng nghề ngay. Thậm chí, Bộ Lao động - thương binh và xã hội còn khuyến khích các trường nghiên cứu mô hình đào tạo Kosen 9+5 của Nhật Bản để áp dụng. Với mô hình 9+5, học viên hoàn thành chương trình sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành.
Tại Đồng Nai, hiện nay, hầu hết các trường nghề đều đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS theo chương trình 9+2, 9+3. Học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề muốn liên thông lên cao đẳng thì phải có bằng tốt nghiệp THPT.
Sau khi có chủ trương nêu trên của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi đã bắt tay vào xây dựng chương trình. Trong đợt tuyển sinh vừa qua, trường đã mạnh dạn tuyển sinh 2 lớp đào tạo nghề cao đẳng 9+4 gồm: nghiệp vụ du lịch khách sạn và công nghệ may.
* Thêm lựa chọn cho phân luồng học sinh sau THCS
Thi tuyển sinh lớp 10 được 23,75 điểm và đậu vào Trường THPT Tam Phước nhưng em Nguyễn Thị Hồng Vân (ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) lại quyết định chọn học nghề 9+4 tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi. Dù có lựa chọn khác biệt nhưng em vẫn được cha mẹ ủng hộ. Sở dĩ có được quyết định đó là do Vân đã tìm hiểu các thông tin hướng nghiệp từ khi em học lớp 8.
Vân dự định khi học đến năm thứ 3 sẽ chuyển sang ngành quản trị kinh doanh. So với việc tốt nghiệp THPT rồi mới đi học đại học, em tiết kiệm được 2 năm. “Sau 3 tháng học tập, em cảm thấy rất hài lòng với lựa chọn của mình. Việc học các môn văn hóa của em không quá áp lực vì đã được giảm bớt nhiều môn… Môi trường ở trường cao đẳng mang lại cho em cảm giác mình trưởng thành sớm hơn” - Vân chia sẻ.
Cũng lựa chọn học hệ 9+4 như Vân nhưng lý do của em Trần Thị Mai An (ngụ phường An Hòa, TP. Biên Hòa) lại rất khác. Mẹ của An mới mất cách đây không lâu, cha phải đi làm thuê kiếm sống trong khi dưới An còn 2 em nhỏ, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 2 tuổi. An quyết định chọn học nghề 9+4 để vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng cao đẳng để sớm đi làm phụ giúp cha nuôi các em.
An cho biết: “Gần nhà ông bà ngoại em có một số anh chị cũng đi học cao đẳng nghề và có việc làm ổn định ngay khi ra trường nên em quyết định đi học nghề. Biết được thông tin có hệ đào tạo 9+4 là em đăng ký học liền”.
Với việc tuyển sinh hệ đào tạo 9+4, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi đã tham gia vào công tác phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh. Hiệu trưởng nhà trường Lưu Phước Dũng cho biết: “Về chương trình đào tạo, trong 2 năm đầu, trường sẽ bố trí cho học sinh học các môn có yếu tố thực hành. Điều này nhằm tạo tâm lý thoải mái, hứng thú cho học sinh. Những môn mang nặng tính lý thuyết và hệ thống hóa lại kiến thức thì sẽ bố trí ở 2 năm học sau. Cùng với đó, nhà trường cũng sẽ thay đổi quy chế quản lý nhằm đảm bảo các dịch vụ khác (đưa đón học sinh, tổ chức ăn trưa, nghỉ trưa) để phù hợp với lứa tuổi của đối tượng đào tạo”.
Em Trần Tâm Nhi (ngụ phường An Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay: “Em không vào được lớp 10 trường công lập nên mới đi học nghề. Tuy vậy, môi trường học tập này lại khá phù hợp với em. Nhờ đó, chỉ sau 3 tháng học, em đã mạnh dạn, tự tin hơn nhiều so với trước đây. Em kỳ vọng học xong sẽ có việc làm ngay”. |
Hải Yến