Nhằm chủ động có đội ngũ bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản để bố trí làm việc tại các cơ sở y tế trong tỉnh, 10 năm qua Đồng Nai đã thực hiện hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng ngành Y tế.
Nhằm chủ động có đội ngũ bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản để bố trí làm việc tại các cơ sở y tế trong tỉnh, 10 năm qua Đồng Nai đã thực hiện hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng ngành Y tế.
Bác sĩ trẻ của Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: A.YÊN |
Tuy nhiên đến nay, hình thức đào tạo này bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, không đáp ứng yêu cầu đề ra.
* Vi phạm cam kết đào tạo
Phó chánh văn phòng Sở Y tế Hà Đức Minh cho biết, từ năm 2008-2018, toàn tỉnh cử 339 sinh viên đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng các ngành y đa khoa, y học dự phòng, y học cổ truyền, răng hàm mặt, phong - da liễu, lao, dược sĩ, cử nhân y tế. Trong đó, có 142 sinh viên đã tốt nghiệp, 15 sinh viên bị buộc thôi học, xin thôi học, 9 trường hợp được cử đi đào tạo nhưng không nộp hồ sơ tham gia đào tạo (số còn lại đang học).
142 sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ bố trí, phân công công tác về các đơn vị trực thuộc. Trong số đó, có 36 người đã xin thôi việc, tự ý bỏ việc, không chấp hành phân công công tác, chuyển công tác.
Theo quy định của tỉnh, những người được cử đi đào tạo theo địa chỉ ngành Y tế cam kết sẽ phục vụ tối thiểu 5 năm tại đơn vị được Sở Y tế phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Những bác sĩ nào trong quá trình công tác được cử đi đào tạo bác sĩ nội trú thì cam kết phục vụ thêm 3 năm và phải đền bù gấp 3 lần kinh phí đào tạo đã được hỗ trợ nếu không thực hiện đúng cam kết. Thời hạn đền bù kinh phí là 6 tháng kể từ khi có hành vi vi phạm cam kết. |
Do vi phạm cam kết với tỉnh từ ban đầu, những người này buộc phải đền bù khoản kinh phí đào tạo mà tỉnh đã hỗ trợ trước đó. Tính đến nay, có 29 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế đã thực hiện đền bù và nộp về ngân sách nhà nước số tiền hơn 7 tỷ đồng kinh phí được hỗ trợ đào tạo.
Ngoài ra, còn 4 bác sĩ và 2 dược sĩ đã được UBND tỉnh chấp thuận đền bù nhưng chưa thực hiện đền bù. Có trường hợp đã quá thời hạn nhưng chưa đền bù, Sở Y tế đã liên hệ, thông báo nhiều lần và nộp hồ sơ khởi kiện ra tòa án dân sự.
Bác sĩ CKII Hồ Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch cho hay, một số bác sĩ trẻ được Sở phân công về trung tâm làm việc được một thời gian đến khi có chứng chỉ hành nghề thì xin nghỉ việc đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh và định hướng phát triển của trung tâm.
Theo lãnh đạo một số bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực và trung tâm y tế, các bác sĩ trẻ thường đưa ra lý do để xin nghỉ việc là do: hoàn cảnh gia đình, môi trường công tác không phù hợp. Nhiều bác sĩ trẻ không hài lòng vì sau khi ra trường được phân công về các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa. Có những bác sĩ đã tốt nghiệp, được bố trí việc làm, có nhu cầu được đi đào tạo bác sĩ nội trú đã được cơ sở chấp thuận cử đi học nhưng cũng xin thôi việc (năm 2018 có 4/6 bác sĩ được cử đi đào tạo nội trú xin nghỉ việc). Ngoài ra, có 7 người được phân công về Trường cao đẳng y tế Đồng Nai nhưng qua quá trình công tác, có 6 người đã xin thôi việc, chuyển công tác.
* Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo đại diện Sở Y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác đào tạo theo địa chỉ ngành Y tế không đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài lý do khách quan một số trường hợp do trong quá trình học bị tai nạn, gia đình khó khăn không thể tiếp tục theo học còn phải kể đến lý do từ phía đối tác của Sở. Hợp đồng trách nhiệm với Sở Y tế chỉ rõ, các trường đại học y, dược có trách nhiệm thông báo với Sở Y tế những trường hợp sinh viên bị kỷ luật buộc thôi học, tự ý bỏ học để phối hợp xử lý nhưng các trường đã không thực hiện. Do đó, có những sinh viên đã nghỉ học, đã bị kỷ luật buộc thôi học nhưng nhà trường vẫn đưa vào danh sách hợp đồng chuyển tiền để Sở Y tế nộp tiền học phí cho những sinh viên này.
Bên cạnh đó, chính ý thức tự giác của những người được cử đi đào tạo mới thực sự khiến cơ quan chức năng “đau đầu”. Nhiều trường hợp Sở Y tế bố trí công việc nhưng không nhận công tác hoặc tự ý bỏ việc. Đến khi Sở gọi điện để triệu tập làm việc thì không nghe máy, không đến làm việc, chỉ thuê luật sư đến. Sở Y tế phải đến tận nhà, địa phương để tìm hiểu, đề nghị Sở Nội vụ, Sở Tài chính phối hợp xử lý mất nhiều thời gian.
Nhằm khắc phục tình trạng khó khăn trong đào tạo theo địa chỉ sử dụng ngành Y tế, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, ngành đang thí điểm hình thức khoán việc tại các bệnh viện để tăng thu nhập cho công chức, viên chức, người lao động, giúp họ an tâm công tác. Đồng thời sẽ thực hiện tốt hơn nữa việc phân công công tác với các trường hợp đã được cử đi đào tạo, động viên, thuyết phục, tạo điều kiện cho những trường hợp có ý định nghỉ việc.
“Trường hợp những người vi phạm cam kết, đã được thuyết phục, tạo điều kiện nhưng vẫn kiên quyết nghỉ việc không có lý do chính đáng, không đền bù kinh phí đào tạo, Sở Y tế sẽ thông báo rộng rãi đến các đơn vị, cơ sở y tế đề nghị không nhận các trường hợp này vào làm việc” - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ cho hay.
An Yên