Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo động bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi

10:06, 24/06/2019

Nhồi máu cơ tim là bệnh rất hay gặp ở người cao tuổi. Nhưng gần đây, số người dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện ngày càng tăng. Tại Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mỗi ngày tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thì có đến 1/3 là bệnh nhân trẻ tuổi.

Nhồi máu cơ tim là bệnh rất hay gặp ở người cao tuổi. Nhưng gần đây, số người dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện ngày càng tăng. Tại Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mỗi ngày tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thì có đến 1/3 là bệnh nhân trẻ tuổi.

* Gia tăng ở người trẻ tuổi

Vào lúc 23 giờ 30 ngày 4-6, Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa  Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhân T.M.S. (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) vào viện trong tình trạng ngực đau nhói, khó thở, người vã mồ hôi. Tại đây, anh S. được làm các xét nghiệm, chụp động mạch vành, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc 2 nhánh, nghĩa là nhồi máu 2 vùng cơ tim cùng lúc. Ngay sau đó, ê-kíp y, bác sĩ đã tiến hành can thiệp mạch vành đặt 2 stent ở trong tim cho bệnh nhân. Sau can thiệp và đặt stent, bệnh nhân S. không còn đau ngực, không bị khó thở, mạch, huyết áp ổn định.

Bệnh nhân S. cho biết, trước đây anh cũng từng bị đau ngực, có đi khám ở một bệnh viện tư thì bác sĩ bảo đau cơ, uống thuốc rồi hết nên không nghĩ đến là dấu hiệu của bệnh nhồi máu cơ tim. Bản thân bệnh nhân cũng không đi tầm soát bệnh và có hút thuốc lá đã 6 năm nay, ít tập thể dục.

Theo bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước, Phó trưởng khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, độ tuổi mắc bệnh tim mạch thường từ 45-90 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng tăng. Nhiều bệnh nhân dưới 40 tuổi đã mắc bệnh này, thậm chí có những bệnh nhân mới 30 tuổi.

Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết nhồi máu cơ tim là cơn đau thắt ngực, điển hình với triệu chứng đau phía sau xương ức, có cảm giác bị đè nặng, bóp nghẹt, một số bệnh nhân có cảm giác giống như dao đâm. Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút thì đó là dấu hiệu điển hình của cơn đau thắt ngực và gợi ý bệnh cảnh nhồi máu cơ tim. Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như: vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp trống ngực, nôn hoặc buồn nôn...

* Nguyên nhân và cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Bác sĩ Phước cho biết, một người khi có nhiều yếu tố nguy cơ thì tỷ lệ gia tăng nhồi máu cơ tim trên người đó rất cao. Cụ thể, một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như: tuổi, giới tính, gia đình. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim như: tình trạng béo phì, cao huyết áp, bệnh nhân có bệnh lý đái tháo đường; lối sống ít vận động và tập thể dục, ăn nhiều chất béo, uống rượu, hút thuốc lá, stress.

Để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim, cần thường xuyên theo dõi cân nặng, ngừa thừa cân, béo phì, bỏ hút thuốc lá, không uống rượu, bia; tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên, trung bình 30 phút/ngày; hạn chế các thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa; kiểm soát cholesterol máu; cần tầm soát các bệnh lý đái tháo đường, cao huyết áp và thực hiện lối sống điều độ (ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý), tránh căng thẳng thần kinh…                      

Gia Nhi

Tin xem nhiều