Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều khó khăn trong việc rà soát người nhiễm HIV/AIDS

10:05, 19/05/2019

Rà soát lại số liệu người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là cách để đánh giá việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Đồng Nai nhằm kết nối bệnh nhân có kết quả dương tính HIV đến với chương trình điều trị bằng ARV. Tuy nhiên, trên thực tế công tác rà soát ca bệnh gặp khá nhiều khó khăn.

Rà soát lại số liệu người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là cách để đánh giá việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Đồng Nai nhằm kết nối bệnh nhân có kết quả dương tính HIV đến với chương trình điều trị bằng ARV. Tuy nhiên, trên thực tế công tác rà soát ca bệnh gặp khá nhiều khó khăn.

Đồng đẳng viên lấy máu xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Ảnh: M.Liên
Đồng đẳng viên lấy máu xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Ảnh: M.Liên

90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu đầu tiên trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90. Đây cũng là mục tiêu khó khăn nhất trong việc rà soát ca bệnh cũ, tìm ca bệnh mới. Để thực hiện được mục tiêu này, từ cuối năm 2018, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai chương trình rà soát ca bệnh trên địa bàn toàn tỉnh theo sự chỉ đạo của Cục Phòng chống HIV/AIDS và với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật của Dự án Shift. Mục đích chính là xác định lại số người nhiễm trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 và kết nối chuyển gửi những người nhiễm HIV đến với chương trình điều trị. Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức các lớp tập huấn rà soát số liệu cho tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh và phối hợp với các đồng đẳng viên tìm ca bệnh mới để đưa vào điều trị.

Mục tiêu 90-90-90 là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Để tiến hành công tác rà soát có hiệu quả, từ tháng 12-2018, Sở Y tế đã thành lập ban chỉ đạo tuyến tỉnh, giao Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức thực hiện. Theo đó, công tác rà soát ca bệnh được thực hiện trên toàn tỉnh và thời gian triển khai kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8-2019. Khi thực hiện rà soát sẽ phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản như: đảm bảo bí mật cho người nhiễm HIV/AIDS, không tiến hành trên bệnh nhân đang điều trị ARV và đặc biệt là người làm công tác rà soát phải được tập huấn. 

Hiện nay, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình mới chỉ đạt hơn 74%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: việc kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng và ngay cả tại các cơ sở y tế cũng là nguyên nhân để người nhiễm HIV không dám đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ chăm sóc. Các phòng tư vấn xét nghiệm HIV có tỷ lệ khách hàng dương tính còn thấp, xét nghiệm miễn phí chưa đúng các đối tượng khách hàng là đối tượng có hành vi nguy cơ cao như: nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, hay nam quan hệ tình dục đồng giới. Số đối tượng nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV chưa nhiều, số huyện có phòng tư vấn xét nghiệm còn ít, việc triển khai tư vấn xét nghiệm cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV ở các vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa triển khai thực hiện được, đó cũng là nguyên nhân mà người nhiễm HIV ở khu vực này chưa biết tình trạng nhiễm của họ. Sự phân bổ các chương trình, dự án chưa đồng đều trên toàn tỉnh, hiện nay chủ yếu vẫn đang tập trung tại 3 địa bàn là Long Thành, Long Khánh và Biên Hòa.

Đồng Nai vẫn đang nằm trong nhóm 10 tỉnh có người nhiễm HIV cao nhất cả nước. Tính đến năm 2018, số lũy tích toàn tỉnh là 8.254 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân tử vong là 2.474 ca. Số đang được quản lý là 4.647 bệnh nhân thì có 3.274 bệnh nhân đang điều trị HIV trên địa bàn toàn tỉnh, số còn lại đi khỏi địa phương hoặc điều trị ở tỉnh khác (đặc biệt tại TP.Hồ Chí Minh là 1.030 bệnh nhân). Do đó, việc rà soát lại ca bệnh nhiễm HIV sẽ giúp cho người nhiễm biết được tình trạng bệnh của mình và kết nối họ điều trị ARV, có như vậy mới thực hiện được mục tiêu 90-90-90 như đã đề ra.

Hiện tỉnh có 5 dự án tham gia chương trình phòng chống HIV/AIDS gồm: Dự án USAID SHIFT, Dự án Quỹ toàn cầu; Dự án PATH, Dự án AHF; chương trình mục tiêu dân số với sự đảm bảo tài chính của UBND tỉnh. Đây là nguồn lực quan trọng để từng bước thực hiện thành công mục tiêu 90-90 -90. Chính nhờ sự can thiệp của các dự án và sự chủ động tìm kiếm ca nhiễm mới nên số ca nhiễm mới được phát hiện năm 2018 tăng cao, với 351 người, tăng 52 ca so với cùng kỳ năm 2017.                

Mai Liên

Tin xem nhiều