Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất vừa phối hợp với Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh tiến hành cắt bỏ khối u gan có kích thước lớn (5cm x 6cm) cho bệnh nhân N.V.N. (65 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu).
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất vừa phối hợp với Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh tiến hành cắt bỏ khối u gan có kích thước lớn (5cm x 6cm) cho bệnh nhân N.V.N. (65 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu).
Ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u gan cho bệnh nhân N.V.N. Ảnh: BV |
ThS-BS.Hoàng Thanh Ngân, Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, một trong 3 bác sĩ trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân N. cho biết, bệnh nhân có tiền sử bị viêm gan C đã điều trị một thời gian sau đó ngưng điều trị. Mới đây, sau khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, bệnh nhân được phát hiện có một khối u trong gan.
* Ca phẫu thuật khó
Để xác minh kỹ về khối u, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT, làm các xét nghiệm liên quan đến men gan, chức năng gan, siêu âm bụng, nội soi dạ dày, merker ung thư… Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư gan hạ phân thùy 7.
Để giải quyết dứt điểm khối u này, theo bác sĩ Ngân chỉ có cách phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, do khối u lớn nên việc bóc tách sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh và quyết định sẽ phối hợp thực hiện ca phẫu thuật.
Ngày 16-4, TS.Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Gan, mật, tụy, người phụ trách chính về ghép gan và cắt gan của Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh đã xuống Đồng Nai để phối hợp cắt khối u gan cho bệnh nhân N.V.N.
Quá trình phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn do khối u nằm ở mặt sau của gan, ôm sát tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch cửa nên nguy cơ chảy máu trong khi phẫu thuật rất cao. Các bác sĩ vừa phải phẫu thuật vừa phải kết hợp chặt chẽ với bộ phận gây mê hồi sức để duy trì được áp lực mạch máu cho bệnh nhân. Phương pháp phẫu thuật được sử dụng trong trường hợp này là phương pháp Takasaki. Bác sĩ đã thắt bó mạch ở phân thùy sau của gan trái để máu không lưu thông lên phần gan này và cắt bỏ khối u. Đối với phần gan còn lại, bác sĩ sẽ thắt bó mạch tạm thời để máu không lưu thông lên gan trong quá trình phẫu thuật, chỉ thi thoảng xả cuống gan để máu chảy lên nuôi gan rồi lại thắt lại.
Sau hơn 4 giờ đồng hồ với sự góp sức của nhiều y, bác sĩ, ca phẫu thuật đã thành công. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân N. đã ổn định, đang được các y, bác sĩ tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị vết thương sau mổ.
ThS-BS. Hoàng Thanh Ngân cho hay, từ trước đến nay Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã thực hiện 3 ca phẫu thuật cắt khối u gan. Tuy nhiên, các trường hợp trước có khối u nhỏ, nằm lồi lên bề mặt nhu mô gan nên việc phẫu thuật không mấy khó khăn. Riêng trường hợp của bệnh nhân N., do khối u lớn và khó nên bắt buộc phải có sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh.
* Phòng bệnh ung thư gan
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư gan là một trong 5 loại ung thư gây tử vong hàng đầu với gần 800 ngàn ca tử vong mỗi năm. Tiếp đến là ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại tràng.
Tỷ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam xếp thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có số liệu về ung thư. Trung bình cứ 100 ngàn người Việt Nam thì có 23 người bị ung thư gan. Nguy cơ mắc ung thư gan ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới.
ThS-BS.Hoàng Thanh Ngân cho hay, ung thư gan phát triển rất “âm thầm”, không có nhiều triệu chứng để nhận biết nên khó được phát hiện sớm. Chỉ khi bệnh nhân đi khám bệnh mới phát hiện được gan đã có sự thay đổi. Lúc này khối u đã phát triển bên trong cơ thể bệnh nhân gây trướng bụng, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu nâu sẫm, ăn kém, đầy hơi…
Nguyên nhân chính gây ung thư gan chính là viêm gan virus B và C. Ngoài ra, rượu và chất aflatoxin (là loại độc do nấm aspergillus trong các loại hạt bị ẩm mốc như đậu phộng, gạo, bắp…) được cho là thủ phạm tàn phá gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư.
Để phòng tránh bệnh ung thư gan, trước tiên nên tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B. Ngoài ra, cần tuân thủ việc ăn uống, sinh hoạt khoa học, không dùng chung bơm kim tiêm để không lây nhiễm bệnh viêm gan C qua đường máu.
Hạn chế tối đa rượu, bia và các loại đồ uống có cồn, không ăn các loại ngũ cốc đã có nấm mốc, chú ý ăn đủ 3 bữa/ngày, không ăn quá no, tránh ăn các món quá béo; tăng cường trái cây và rau quả tươi.
Bên cạnh đó, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya. Thời gian từ 23 giờ đến 3 giờ sáng là thời điểm gan tổng hợp cholesterol, vì thế cơ thể cần được nghỉ ngơi, ngủ say giấc. Chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, cảm thấy đau vùng gan cần phải lập tức đi thăm khám, kiểm tra sức khỏe để có kế hoạch điều trị sớm, hiệu quả.
Hạnh Dung