Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp học sinh an toàn trong thế giới ảo

10:02, 27/02/2019

Việc lạm dụng mạng xã hội quá mức đã để lại những hậu quả khó lường cho học sinh, nhất là ảnh hưởng đến kết quả học tập và nhân cách. Trong khi đó từ gia đình cho đến nhà trường vẫn bối rối tìm những giải pháp kết nối, định hướng giúp học sinh an toàn khi sống trong thế giới ảo.

Việc lạm dụng mạng xã hội quá mức đã để lại những hậu quả khó lường cho học sinh, nhất là ảnh hưởng đến kết quả học tập và nhân cách. Trong khi đó từ gia đình cho đến nhà trường vẫn bối rối tìm những giải pháp kết nối, định hướng giúp học sinh an toàn khi sống trong thế giới ảo.

Em Nguyễn Công Minh, học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh giới thiệu đề tài Xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh năm 2018
Em Nguyễn Công Minh, học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh giới thiệu đề tài Xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội tại Cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh năm 2018

Do mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook, ngày 22-2 em T.D.P., học sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Quyền (xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) đã bị bạn cùng trường đâm thủng ruột. Rất may P. đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

* Lún sâu vào mạng xã hội

Việc học sinh xảy ra mâu thuẫn trong thế giới ảo nhưng sau đó lại hẹn nhau ra ngoài đời thật để “xử” như trường hợp của em P. tại Trường THCS Ngô Quyền hiện nay không còn là hiếm. Ban giám hiệu Trường THCS Ngô Quyền cho biết phải chờ em P. xuất viện, tinh thần trở lại bình thường sau đó mới có bước xử lý tiếp theo, tuy nhiên nhà trường đã tổ chức sinh hoạt với tất cả giáo viên và học sinh trong trường để không xảy ra những vụ việc tương tự.

Thầy cô cần đồng hành với học sinh

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết: “Muốn xây dựng được văn hóa ứng xử trên mạng xã hội để bảo vệ học sinh, mỗi thầy cô cần là những người đồng hành, gương mẫu khi dùng mạng xã hội. Thầy cô cần dẫn dắt và định hướng cho các em không “đi lạc”, không có những phát ngôn lệch chuẩn trong thế giới ảo”.

Mới đây, một trường THCS ở TP.Biên Hòa tiếp nhận một nữ sinh đang học lớp 9 tại quận 9(TP.Hồ Chí Minh) chuyển đến với kết quả học tập còn yếu. Ban giám hiệu nhà trường tỏ ra lo lắng khi tiếp nhận nữ sinh này vào học vì sắp kết thúc năm học, khả năng vực dậy lực học để em đủ điểm xét tốt nghiệp khá khó. Gia đình nữ sinh này cho biết, từ năm lớp 8 em bắt đầu chểnh mảng học hành do thường xuyên dùng Facebook, từ tính cách tới phong cách ăn mặc hằng ngày cũng thay đổi một cách “kỳ quặc”, thậm chí nhiều lần bỏ học đi chơi với bạn bè quen biết trên mạng xã hội.

Bà Đỗ Thanh Tâm, chuyên viên phụ trách công tác chính trị tư tưởng học sinh Văn phòng Sở GD-ĐT cho biết, với điều kiện tiếp cận internet ngày càng dễ dàng thì việc học sinh tham gia mạng xã hội càng trở nên thuận lợi. Những mạng xã hội học sinh dùng phổ biến hiện nay là Facebook, Zalo, YouTube… Có một thực tế, học sinh hiện kết nối với bạn bè trên thế giới ảo nhiều hơn cả thế giới thực, khoảng cách kết nối gần như không giới hạn. Đáng lo lắng hơn có những kết nối của học sinh trên thế giới ảo còn mạnh mẽ và thường xuyên hơn so với những kết nối của chính thành viên trong gia đình các em hay kết nối với thầy cô ở trường mà cả gia đình và nhà trường khó lòng kiểm soát nổi.

* Để học trò tránh được cạm bẫy

Là một phụ huynh có con đang học lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Khuyến (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), bà Dương Quỳnh Hoa cho biết, con trai bà sử dụng mạng xã hội Facebook từ năm học lớp 10 cho đến nay. Việc cấm con tham gia mạng xã hội là điều không khả thi, vì đây là một xu thế của thế giới, hơn nữa bản thân bà hoàn toàn không thể kiểm soát được con dùng mạng xã hội bao nhiêu tiếng mỗi ngày, vào giờ nào, truy cập những nội dung nào, trao đổi quan hệ với ai… Bà Hoa cho biết thêm: “Một năm trước tôi cũng bất đắc dĩ phải lập tài khoản Facebook và kết bạn với con mình. Điều này khiến tôi an tâm phần nào về thông tin hằng ngày con đăng tải trên mạng, có quan hệ với những ai để nhắc nhở”.

Công tác tại một trường ở xã vùng nông thôn nhưng thầy Tạ Xuân Đỉnh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) không khỏi lo lắng bởi những tác động tiêu cực của mạng xã hội đến các học sinh của mình. Thầy cho rằng: “Trong không gian mạng không giới hạn, thông tin đa chiều, chúng tôi lo lắng nhất là học sinh có thể sa đà vào các trào lưu tiêu cực, biến những học sinh chăm chỉ, tâm hồn trong sáng thành những em chểnh mảng học hành, tâm hồn bị vẩn đục bởi những thông tin, hình ảnh xấu. Chúng tôi cũng lo ngại các em trở thành những công dân sống ảo, những “anh hùng bàn phím” thiếu lý trí”.

TS.Lê Minh Công, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Đồng Nai cảnh báo, mạng xã hội được ví như “con dao 2 lưỡi” rất sắc bén. Mặt trái của nó là rất nhiều và nguy hiểm với người dùng trong đó có lứa tuổi học trò, tác động xấu đến học tập, tạo nên phong cách “sống ảo”, thiếu trách nhiệm, đạo đức thiếu chuẩn mực...

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho học sinh là rất cần thiết, đây là một trong những nội dung quan trọng nằm trong bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Tuy nhiên không ít trường từ người đứng đầu đến giáo viên còn cảm thấy bối rối khi triển khai cho học sinh những nội dung này, nhất là việc định hướng lại cho những học sinh có biểu hiện thiếu văn hóa khi tham gia mạng xã hội. Vì vậy, rất cần sự chung tay từ gia đình đến nhà trường để giúp học sinh tránh được những cạm bẫy trong thế giới ảo.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều