Lao kháng thuốc là bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Quá trình điều trị lao kháng thuốc thường kéo dài gây tâm lý chán nản cho người bệnh.
Lao kháng thuốc là bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Quá trình điều trị lao kháng thuốc thường kéo dài gây tâm lý chán nản cho người bệnh.
Bệnh nhân bị bệnh lao được chăm sóc tại Bệnh viện phổi Đồng Nai |
Tuy nhiên, nếu tuân thủ tốt quy tắc điều trị, lao kháng thuốc có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
* Tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt
Chị Đ.T.H. (phường Xuân Bình, TX.Long Khánh) thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, ho kéo dài và tụt cân nhanh chóng. Tháng 7-2018, chị H. đến khám tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và được chẩn đoán bị áp xe phổi. Chị được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để điều trị. Tại đây, các bác sĩ tiến hành chụp CT và chẩn đoán chị H. mắc lao. Sau đó, chị được cấp thuốc và cho về địa phương tiếp tục điều trị. Khoảng gần 2 tháng sau, bệnh tình không cải thiện, chị đến Bệnh viện phổi Đồng Nai để làm xét nghiệm, kết quả chị mắc lao kháng thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai cho biết, tại Việt Nam mỗi năm phát hiện khoảng 100 ngàn người mắc lao. Trong đó, khoảng 5-6 ngàn trường hợp là lao kháng thuốc, đứng thứ 16 trong số những nước có tỷ lệ bệnh lao cao trên thế giới. |
Chị H. cho biết mắc bệnh lao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chị và những người trong gia đình. Quá trình điều trị phải tuân thủ phác đồ rất nghiêm ngặt.
Trong khi đó, chị T.T.P. (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) phát hiện mình bị lao kháng thuốc đã gần 1 năm nay. Trước đó, chị P. bị ho rất nhiều nhưng chủ quan nên không đi khám bệnh, mãi đến khi ho ra máu chị mới đến bệnh viện khám và phát hiện bệnh.
Theo bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao nam và lao kháng thuốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, phác đồ điều trị cho bệnh nhân bị lao kháng thuốc tại bệnh viện hiện kéo dài 11 tháng. Bệnh nhân được tiêm 1 liều và uống 2 cữ thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, việc bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị, uống thuốc đúng giờ, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống khiến nhiều người nản chí và bỏ điều trị. Đây là nguyên nhân khiến lao kháng thuốc lây lan nhiều trong cộng đồng.
* Cần phát hiện, điều trị sớm
Trước đây, bệnh lao chỉ được phát hiện khi người bệnh có triệu chứng. Nhưng nay khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhận thức của người dân cũng được nâng cao nên việc phát hiện được bệnh lao khá sớm.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao như những người sống chung trong gia đình có người bị lao phổi, đặc biệt là trẻ em; bệnh nhân bị tiểu đường; phạm nhân sống trong trại giam, sinh hoạt, vệ sinh chung, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Đặc biệt, những người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh lao rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai cho hay, từ năm 2015 tỉnh đã triển khai điều trị bệnh lao kháng thuốc. Đến nay, có hơn 200 ca lao kháng thuốc đã được phát hiện và điều trị có hiệu quả. Riêng trong năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 100 ca lao kháng thuốc. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao kháng thuốc đạt khoảng 75%.
“Thời gian qua, bệnh viện đã sử dụng nhiều phương tiện tiên tiến để chẩn đoán bệnh lao kháng thuốc như sử dụng kính hiển vi huỳnh quang, kính hiển vi huỳnh quang đèn led để soi đàm, nhận diện vi khuẩn lao rõ hơn. Bên cạnh đó còn sử dụng kỹ thuật cấy vi khuẩn lao trong môi trường lỏng nhằm phát hiện chính xác vi khuẩn lao. Với kỹ thuật này, chỉ trong vòng 1 tuần các bác sĩ sẽ đọc được kết quả thay vì phải mất 6-8 tuần như trước kia. Ngoài ra, bệnh viện hiện có 3 máy xét nghiệm gen, X-pert giúp chẩn đoán nhanh, trong vòng 2 giờ đã xác định có phải là vi khuẩn lao kháng thuốc hay không” - bác sĩ Khánh cho biết.
Muốn thực hiện thành công chương trình phòng chống lao, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cơ quan, ban, ngành liên quan và người dân, đặc biệt là sự vào cuộc của các trạm y tế tuyến xã - nơi gần người dân nhất. Nếu ở tuyến dưới làm tốt công tác quản lý đối tượng, nắm chắc đối tượng nào có những biểu hiện liên quan đến bệnh lao, phổi để tuyên truyền người dân nhanh chóng đi khám bệnh, điều trị ở tuyến trên chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay người dân hoàn toàn có thể chủ động phát hiện bệnh lao kháng thuốc bằng cách đi khám sức khỏe định kỳ, tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Khi tiếp xúc cần có phương tiện bảo hộ như khẩu trang để tránh lây lan vi khuẩn từ người bệnh. Ngoài ra, cần vệ sinh nơi ăn, ở sạch sẽ. Khi phát hiện bệnh lao, lao kháng thuốc cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh bỏ điều trị giữa chừng khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng nặng.
Hạnh Dung (ghi)