Sau Tết Nguyên đán 2019 tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tuy có phần "yên ả" hơn những ngày trước Tết nhưng số ca mắc bệnh vẫn cao.
Sau Tết Nguyên đán 2019 tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tuy có phần “yên ả” hơn những ngày trước Tết nhưng số ca mắc bệnh vẫn cao.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Trạm y tế phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) |
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lơ là, chủ quan với dịch bệnh, nhất là những bệnh thường gặp như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cảm cúm, thủy đậu.
* Hơn 3 ngàn ca sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng
Theo Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, tuần lễ từ ngày 16 đến 22-2, toàn tỉnh ghi nhận 95 ca bệnh sởi, nâng tổng số ca bệnh sởi ghi nhận được từ đầu năm đến nay lên con số 660 ca. TP.Biên Hòa, 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành là những địa phương có nhiều ca mắc sởi nhất. Riêng huyện Thống Nhất - địa phương không mắc ca sởi nào trong năm 2018 cũng đã xuất hiện 12 ca bệnh sởi.
Độ tuổi mắc bệnh sởi nhiều nhất là trẻ từ 9-24 tháng tuổi, tiếp đến là trẻ 2-5 tuổi. Ngoài ra, có đến 105 trẻ từ 0-9 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm vaccine ngừa bệnh sởi) cũng bị mắc bệnh sởi do tiếp xúc với nguồn lây.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho hay, qua điều tra ca bệnh cho thấy hầu hết các trường hợp mắc sởi đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ 2 mũi.
Ngoài bệnh sởi, bệnh sốt xuất huyết cũng rất đáng lo ngại khi từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,4 ngàn ca bệnh nội trú, 337 ca bệnh ngoại trú, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có 337 ca tay chân miệng điều trị nội trú, 407 ca tay chân miệng ngoại trú.
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cho hay: “Ngay sau khi tiếp nhận ca bệnh, Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai đã phản hồi cho tuyến huyện để điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch. Kết quả từ đầu năm đến nay đã xử lý được 375/396 ổ dịch sốt xuất huyết trong tỉnh”.
* Chủ động phòng bệnh
Để phòng tránh bệnh sởi, cách tốt nhất là những gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng nên cho trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi, mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi. Ở những thời điểm dịch sởi bùng phát mạnh mẽ, độ tuổi tiêm mũi vaccine phòng sởi đầu tiên là khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Chị Trần Thị Ngọc Hoa (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, qua phương tiện thông tin đại chúng chị được biết dịch sởi đang bùng phát dữ dội ở TP.Hồ Chí Minh, cách Đồng Nai không xa. Do vậy, mới đây chị xin nghỉ làm, đưa con gái gần 3 tuổi đi tiêm vaccine phòng sởi tại Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC Đồng Nai đóng trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Tại Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC Đồng Nai những ngày sau Tết Nguyên đán 2019 có hàng ngàn phụ huynh đưa con nhỏ đến đây tiêm chủng các loại vaccine phòng tránh bệnh sởi, thủy đậu và cảm cúm.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, sởi là bệnh lây qua đường hô hấp và rất dễ lây bệnh nếu trẻ nhỏ chưa được chích ngừa. Sau thời gian ủ bệnh, người bị sởi có những biểu hiện như: sốt cao trên 39OC, mắt đỏ, hắt hơi, chảy nước mắt nước mũi, ho, ói, tiêu lỏng. Khi thấy trẻ có những biểu hiện này, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xử lý, tránh trường hợp bệnh trở nặng thành sởi ác tính có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Biến chứng của bệnh sởi có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm tủy, viêm ruột… Ngoài việc cho trẻ tiêm vaccine ngừa sởi, phụ huynh cần cẩn thận không cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị mắc sởi hoặc trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh sởi. Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì cả người lớn và trẻ nhỏ nên đeo khẩu trang, quần áo bảo hộ, rửa tay chân sạch sẽ bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Còn bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhất là những trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus. Biểu hiện sớm nhất của bệnh này là mệt mỏi, chán ăn, sốt, đau họng, sau đó có thể loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để bảo vệ trẻ tốt nhất, người lớn cần chủ động thực hiện, hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đảm bảo trẻ được ăn chín, uống sôi, đầy đủ chất dinh dưỡng, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như: cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Ở gia đình và tại các trường mầm non, lớp mẫu giáo, người lớn và các giáo viên nên thường xuyên làm sạch các bề mặt, vật dụng mà trẻ tiếp xúc hằng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng và hướng dẫn trẻ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh, tránh lây lan nguồn bệnh. Khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh, người lớn cần sớm cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Hạnh Dung