Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự tin nhờ kỹ năng sống

09:01, 09/01/2019

Ngoài nền tảng đạo đức và kiến thức thì kỹ năng sống ngày càng có vai trò quan trọng góp phần tạo nên những lớp học sinh năng động, sáng tạo, biết cách ứng xử tốt trong các tình huống hằng ngày. Tuy nhiên, việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh vẫn đang gặp những khó khăn từ nhiều phía.

Ngoài nền tảng đạo đức và kiến thức thì kỹ năng sống ngày càng có vai trò quan trọng góp phần tạo nên những lớp học sinh năng động, sáng tạo, biết cách ứng xử tốt trong các tình huống hằng ngày. Tuy nhiên, việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh vẫn đang gặp những khó khăn từ nhiều phía.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) tham gia hoạt động dã ngoại với  học sinh xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) tham gia hoạt động dã ngoại với học sinh xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

Ngay những ngày đầu năm mới 2019, thầy và trò Trường THPT Trần Phú (xã Suối Tre, TX.Long Khánh) đã phải chứng kiến sự việc đau lòng khi 2 học sinh của trường giải quyết xích mích bằng dao. Một học sinh đã tử vong khi mới 17 tuổi...

* Để không là quá muộn

Thầy Hà Xuân Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Những ngày qua thầy cô và học sinh trong trường đều rất bàng hoàng, đau buồn trước sự việc nghiêm trọng này. Nếu như 2 học sinh được trang bị kỹ năng sống tốt hơn trong xử lý tình huống, biết cách kiềm chế bản thân thì đã không xảy ra vụ việc đau lòng như vậy. Đây thực sự là một bài học đắt giá cho nhà trường và phụ huynh trong giáo dục kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết: “Học sinh trong thời đại mới có nền tảng kiến thức vẫn là chưa đủ mà việc trang bị kỹ năng sống cũng quan trọng không kém. Nền tảng kiến thức và kỹ năng sống chính là hành trang để học sinh tự tin bước vào đời, xây dựng các mối quan hệ xã hội an toàn, vững chắc”.

Còn cách đây hơn 1 năm, L.H.T.L. (17 tuổi, học lớp 11, ngụ ấp 11, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) cũng đã vĩnh viễn không trở lại trường học vì một vụ án mạng nghiêm trọng. L. có mối quan hệ tình cảm khá sớm với một thanh niên có tiền án tiền sự về tội trộm cắp tài sản và buôn bán ma túy, lớn hơn mình khá nhiều tuổi. Khi L. chủ động chia tay, người thanh niên này sát hại L. bằng súng, sau đó tự sát. Sự việc đau lòng của L. để lại bài học cho nhiều học sinh khác khi xây dựng những mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày.

Là một người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học, TS.Lê Minh Công, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai cho rằng trước nhiều mặt tác động của cuộc sống, nhất là phim ảnh và mạng xã hội, việc học tập kiến thức trên lớp còn khá nặng nên khi gặp phải các tình huống trong cuộc sống, các em rất dễ rơi vào trạng thái bị kích động hoặc bị động dẫn đến đối diện với nguy hiểm.

Theo TS.Lê Minh Công, nhiều học sinh ngày nay có thể học rất giỏi nhưng kỹ năng sống thì rất dở. Khi gặp những tình huống như xích mích với bạn bè, bị lôi kéo, kích động…, các em thường không biết cách xử lý ra sao cho an toàn với bản thân mình và người khác. Do không thể kiềm chế được bản thân, các em có thể hẹn nhau để giải quyết hơn thua và dễ dàng để lại những sự việc đáng tiếc. Để có thể hóa giải những mâu thuẫn cá nhân trong cuộc sống hằng ngày, nhà trường phải có một quỹ thời gian nhất định trang bị các kỹ năng ứng xử, giúp các em hình thành tư duy tốt trong xử lý tình huống.

* Cần thêm những địa chỉ giáo dục kỹ năng

Theo Ban giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày nay nếu chỉ là những bài diễn thuyết dài dòng thì sẽ không đọng lại được gì trong nhận thức của học sinh mà phải có những hình thức trực quan sinh động.

Thầy Trần Văn Hiền, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã phối hợp với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và Thành đoàn Biên Hòa tổ chức các phiên tòa giả định về những vụ án vi phạm pháp luật cho học sinh có cơ hội theo dõi. Qua cách làm cụ thể này, học sinh không chỉ hiểu được các quy định pháp luật mà còn lường trước được hậu quả những hành vi vượt quá ranh giới mà pháp luật quy định, từ đó tự xây dựng cho mình kỹ năng đề phòng.

Thực tế việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại nhiều trường hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ. Giáo viên phụ trách công tác Đoàn tại một trường THPT ở huyện Trảng Bom chia sẻ, học sinh ngày nay gặp khá nhiều vấn đề về tư tưởng, dẫn đến có những hành động thiếu chuẩn mực. Tuy nhiên công tác giáo dục kỹ năng sống hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Dường như nhà trường đang “khoán trắng” cho cán bộ Đoàn, Hội. Mặt khác, chính áp lực học trên lớp, học thêm, áp lực từ gia đình đã lấy đi quỹ thời gian và sự lựa chọn học các môn kỹ năng sống của học sinh.

Bí thư Thành đoàn Biên Hòa Nguyễn Minh Hiếu cho biết mỗi năm có khoảng 120 ngàn học sinh là thanh thiếu niên của thành phố tham gia sinh hoạt về kỹ năng sống. Tuy số lượng học sinh tham gia có vẻ lớn nhưng thực tế chất lượng từ những buổi sinh hoạt này còn nhiều băn khoăn. “Nếu chỉ trông chờ vào đội ngũ cán bộ Đoàn - Hội - Đội trong trường học để nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì chưa đủ mà phải cần thêm những chuyên gia, thậm chí có sự tham gia của nhiều đơn vị thì mới tạo được những buổi sinh hoạt chất lượng và có chiều sâu” - anh Hiếu nhấn mạnh.

Bà Đỗ Thị Thanh Tâm, chuyên viên công tác giáo dục chính trị tư tưởng Văn phòng Sở GD-ĐT cho rằng việc tìm được những địa chỉ học kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh hiện còn khá khó khăn, nhất là những địa chỉ giáo dục kỹ năng sống về xây dựng cảm xúc, kỹ năng đối diện với nguy hiểm, giới tính, tình yêu, tình bạn… Do đó cần phải xây dựng nhiều hơn các chương trình, cơ sở giáo dục kỹ năng để học sinh lựa chọn.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều