Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng chống dịch bệnh

10:01, 20/01/2019

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết những ngày đầu năm 2019 tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết những ngày đầu năm 2019 tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Tiêm vét sởi cho trẻ em trong độ tuổi từ 1-5 tuổi tại huyện Nhơn Trạch
Tiêm vét sởi cho trẻ em trong độ tuổi từ 1-5 tuổi tại huyện Nhơn Trạch

Do vậy, ngoài những biện pháp phòng chống dịch bệnh của ngành y tế, các ban, ngành, tổ chức liên quan thì người dân cần đặc biệt chủ động đề phòng, không nên lơ là, tránh tình trạng dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, nhất là khi Tết Nguyên đán 2019 đã cận kề.

* Nhiều dịch bệnh tăng cao

Theo bác sĩ Bạch Thái Bình, trong năm 2018 vừa qua có nhiều dịch bệnh tăng so với những năm trước như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi và sốt rét. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bệnh sởi với hơn 1,1 ngàn ca, bùng phát mạnh từ tháng 8-2018 đến nay, tập trung nhiều ở TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch. Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận hơn 8,3 ngàn ca (trong đó có 3 trường hợp tử vong ở TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom; số ca bệnh tăng ở hầu hết các địa phương, nhất là huyện Vĩnh Cửu và huyện Định Quán), tăng 2,3 ngàn ca so với năm 2017.

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết trong tháng 1-2019, tỉnh tiếp tục tiêm vét vaccine sởi cho trẻ, tập trung vào 20 xã trọng điểm có nhiều ca mắc sởi của TP.Biên Hòa, các huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành. Mỗi tuần, các xã, phường sẽ chọn một ngày để triển khai đồng loạt tiêm vaccine sởi. Đối tượng tiêm vét không chỉ dừng lại ở độ tuổi từ 1-5 tuổi mà còn mở rộng ra những đối tượng từ 10-15 tuổi.

Bệnh tay chân miệng có gần 13 ngàn ca (1 trường hợp tử vong ở huyện Định Quán), tăng 3,8 ngàn ca. Huyện Vĩnh Cửu là địa phương có số ca bệnh tay chân miệng cao thứ 4 toàn tỉnh nhưng lại cao nhất so với tỷ lệ ca mắc/100 ngàn dân (có đến 715 ca/100 ngàn dân). Bệnh sốt rét ghi nhận 60 trường hợp, tăng gấp 2 lần, tập trung nhiều nhất ở huyện Vĩnh Cửu.

Bên cạnh đó, những bệnh có xu hướng gây bệnh trở lại đang âm ỉ trong cộng đồng như: bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H3N2. Các bệnh như: ho gà, viêm não Nhật Bản, bệnh do liên cầu lợn ở người, uốn ván, thủy đậu, quai bị cũng đều ghi nhận số ca mắc tăng cao hơn so với những năm trước.

Lý giải nguyên nhân tình hình dịch bệnh tăng cao trong năm vừa qua, bác sĩ Bạch Thái Bình cho rằng người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, nhất là việc đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh. Nhiều gia đình không đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Công tác quản lý đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng của đội ngũ cán bộ y tế, cộng tác viên y tế ở cơ sở chưa hiệu quả...

* Tiếp tục tiêm vét sởi

Lo ngại trước sự bùng phát mạnh của dịch sởi, trong năm 2018 toàn tỉnh đã tổ chức 2 đợt tiêm vét sởi cho những trẻ trong độ tuổi từ 1-5 tuổi. Tuy nhiên những ngày đầu năm 2019, tình hình bệnh sởi vẫn tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp. Đối tượng trẻ em từ 1-5 tuổi vẫn chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức, tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Ðồng Nai cho hay, 2 tuần gần đây bệnh sởi bắt đầu tăng trở lại. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 3-4 trường hợp bị bệnh sởi nặng, trong đó có những trẻ bị rất nặng, nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở, hơi thở yếu. Những trường hợp này bắt buộc phải dùng kháng sinh mạnh và theo dõi sát sao tình trạng diễn tiến bệnh của trẻ để kịp thời xử lý, điều trị.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, cơ quan chức năng ngành y tế đã tiến hành giám sát chặt chẽ. Kết quả cho thấy tất cả những trường hợp mắc bệnh sởi vẫn chưa được tiêm chủng hoặc bỏ sót. Đặc biệt, địa bàn TP.Biên Hòa đang trong tình trạng rất căng thẳng, còn bỏ sót tiêm chủng nhiều đối tượng.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa cho biết, thời gian qua các đối tượng trong độ tuổi tiêm sởi được quản lý theo từng phường, xã. Trong chiến dịch tiêm vét vaccine sởi vừa qua, thành phố đã tiến hành rà soát nắm đối tượng, triển khai công tác truyền thông bằng cách phát thông báo trên đài truyền thanh của 30 phường, xã. Song song đó là gửi thư mời đến phụ huynh của những trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thông qua các trường học. Trung tâm y tế cũng phối hợp với Phòng GD-ĐT
thành phố mời đại diện tất cả trường học, nhà trẻ, mẫu giáo mầm non trên địa bàn để triển khai công tác phòng chống dịch, vệ sinh trường học hợp vệ sinh. Các trạm y tế thực hiện tiêm chủng theo quy định. Tuy nhiên, do số lượng dân nhập cư đông, thường xuyên thay đổi chỗ ở nên cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý đối tượng.

Nhằm quản lý tốt hơn nữa đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để tiến hành tiêm vét vaccine sởi đợt đầu tiên trong năm 2019, Trung tâm y tế TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục rà soát kỹ một lần nữa để triển khai tiêm cho những trẻ hoãn tiêm trong các đợt trước và tiêm mới.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, với những khu nhà trọ và những gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa đi học, Trung tâm y tế TP.Biên Hòa sẽ thông qua đội ngũ cộng tác viên y tế ở khu phố để gửi thư mời đến phụ huynh, vận động phụ huynh đưa con đi tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng trăn trở: “Nếu chỉ riêng ngành y tế nỗ lực sẽ không thể đem lại kết quả như mong muốn. Cần phải có sự chung tay, góp sức của cộng đồng, đặc biệt là ý thức tự phòng bệnh của người dân mới mong sớm đẩy lùi được dịch bệnh”.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều