Năm học 2018-2019, số lượng học sinh lớp 1 tăng khá mạnh ở hầu hết các trường tiểu học trong tỉnh với trên 272 ngàn em (tăng 15 ngàn em so với năm học trước), trong đó tăng cao nhất là TP.Biên Hòa...
Năm học 2018-2019, số lượng học sinh lớp 1 tăng khá mạnh ở hầu hết các trường tiểu học trong tỉnh với trên 272 ngàn em (tăng 15 ngàn em so với năm học trước), trong đó tăng cao nhất là TP.Biên Hòa. Hầu hết những em này đều sinh vào năm 2012, tức “năm đẹp” Nhâm Thìn (năm “Rồng”).
Học sinh một trường ở phường Trảng Dài phải ngồi ghế phụ trong điều kiện 5 em ngồi ghép 2 bàn. Ảnh: C.NGHĨA |
Sĩ số học sinh lớp 1 tăng cao khiến nhiều trường lúng túng trong việc đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng chỗ học. Phụ huynh đành chấp nhận cho con vào học ở những trường có từ 45-53 em/lớp, còn cô trò thì “toát mồ hôi” với bài vở bởi sĩ số đông.
* Cô trò “toát mồ hôi”
Năm học mới này, 3 trường tiểu học ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) là Trường tiểu học Trảng Dài, Hà Huy Giáp và Nguyễn Thái Học tiếp nhận trên 1.500 học sinh vào lớp 1. Do sĩ số đông nên nhiều lớp phải chấp nhận tình trạng quá tải học sinh. Theo quy định, sĩ số của trường chuẩn quốc gia không quá 35 em/lớp, tuy nhiên nhiều trường ở Trảng Dài sĩ số đã lên đến 45-50 em/lớp.
Cô Ngô Thị Lan, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) bày tỏ: “Phụ huynh cần thông cảm và đồng hành với nhà trường trong điều kiện ai cũng mong con em mình có đủ trường lớp để học tập. Dù sĩ số có đông hơn mọi năm nhưng giáo viên của trường sẽ nỗ lực nhiều hơn, đảm bảo chất lượng dạy và học cho học sinh ngay từ đầu năm học”. |
Tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, sĩ số bình quân mỗi lớp gần 50 học sinh. Bàn ghế được thiết kế 2 em ngồi chung một bộ, tuy nhiên để có đủ chỗ ngồi, nhà trường phải tận dụng kê sát 2 bàn lại với nhau để có thể ngồi 5 em/2 bộ bàn ghế. Thay vì ngồi học trên ghế gỗ có tựa lưng, nhiều em phải ngồi ghế phụ trong lúc nhà trường chưa được cấp đủ bàn ghế đạt chuẩn.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của một trường tiểu học tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho hay: “Dạy học ở lớp có sĩ số quá đông rất vất vả, vì đây là giai đoạn đầu các em đến trường, bắt đầu làm quen với con chữ, nét viết, phát âm, đánh vần… nên giáo viên phải sâu sát từng em. Sau mỗi nội dung, giáo viên lại phải đến chỗ ngồi từng em để kịp thời uốn nắn từng nét chữ, luyện từng từ phát âm cho thật chuẩn. Nhiều buổi dạy vì phải nói quá nhiều nên giáo viên khàn cả tiếng”.
Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) Bùi Thị Mai Xoan cho biết, kế hoạch ban đầu trường dự kiến tuyển 11 lớp 1 với 440 học sinh để thuận tiện cho mô hình lớp bán trú (bình quân 40 em/lớp). Tuy nhiên khi tuyển đủ chỉ tiêu ban đầu vẫn còn nhiều học sinh chưa có chỗ học, trường phải tuyển sinh thêm, do đó sĩ số mỗi lớp năm nay là 54 em, cao hơn nhiều so với dự kiến. Vì vậy để đảm bảo chất lượng dạy và học, buổi trưa thay vì để học sinh ngủ từ 12 giờ đến 13 giờ 30 phút, thì từ 13 giờ giáo viên đã phải gọi riêng một số em chưa nắm được bài học để kèm thêm.
* Học sinh tăng, giáo viên “vẫn y vậy”
Những năm học trước, Trường tiểu học Trần Phú (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) chỉ có 6 lớp 1, mỗi lớp khoảng 35 em. Tuy nhiên năm nay có nhiều em sinh vào năm Nhâm Thìn nên sĩ số của trường tăng mạnh. Nhà trường phải tuyển 8 lớp, sĩ số từ 49-53 học sinh/lớp. Về lý thuyết, trường còn phòng để mở thêm lớp, để giãn sĩ số học sinh nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học tốt hơn nhưng biên chế giáo viên nhà trường lại không còn.
Một giáo viên của trường tiểu học Nguyễn Thái Học(phường Trảng Dài,TP.Biên Hòa) phải dùng thiết bị âm thanh di động hỗ trợ dạy học sinh lớp 1 |
Để có phòng học cho 1.080 học sinh lớp 1, Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã mượn nhiều phòng học của Trường THCS Bình Đa (phường Bình Đa) để sắp xếp cho học sinh khối 4, 5 sang học tại đây. Thậm chí do nguồn giáo viên còn thiếu nên một số giáo viên của trường tạm thời phải làm chủ nhiệm 2 lớp 1 cùng lúc vào buổi sáng và chiều.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng Phạm Thị Dịu cho biết: “Nhà trường rất cần sự đồng cảm và chia sẻ của phụ huynh với nhà trường; giữa phụ huynh với nhau, nhất là những phụ huynh có con học khối 4, 5 vì nhường lớp cho các em nhỏ khối 1 phải đi học nhờ ở trường khác để việc dạy và học đảm bảo”.
Công Nghĩa