Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Khó hứa hẹn điểm thi cao

10:06, 27/06/2018

Sau 3 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đến trưa 27-6 các thí sinh của Đồng Nai chính thức hoàn tất các bài thi và được "xả hơi" chờ ngày kết quả thi được công bố.

Sau 3 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đến trưa 27-6 các thí sinh của Đồng Nai chính thức hoàn tất các bài thi và được “xả hơi” chờ ngày kết quả thi được công bố.

Thí sinh tại điểm thi Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) thảo luận thêm về đề thi và đáp án sau khi làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Ảnh: C.NGHĨA
Thí sinh tại điểm thi Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) thảo luận thêm về đề thi và đáp án sau khi làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên. Ảnh: C.NGHĨA

Chiều 27-6, hàng ngàn bài thi của trên 28,8 ngàn thí sinh tại 55 điểm thi THPT quốc gia năm 2018 trong toàn tỉnh được đóng trong các thùng sắt, niêm phong cẩn thận và chuyển về Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Tại đây, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thi và dự kiến công bố vào ngày 11-7 theo quy định của Bộ GD-ĐT.

* Vượt kỳ thi căng thẳng

Ở môn thi Ngoại ngữ, ngoài 24.094 thí sinh đăng ký thi môn tiếng Anh, Đồng Nai còn có 6 thí sinh đăng ký thi tiếng Nhật, 4 thí sinh đăng ký thi tiếng Pháp và 90 thí sinh đăng ký thi tiếng Trung.

Ngày đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia với 2 môn Ngữ văn và Toán, thí sinh Đồng Nai đối mặt với thử thách là đề thi “khó bất ngờ”. Nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng vì khó đạt điểm cao, sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên trong ngày thi thứ 2 trở đi, các thí sinh dần lấy lại bình tĩnh để lần lượt hoàn thành các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ngoại ngữ.

Theo một số giáo viên THPT có kinh nghiệm, cấu trúc đề thi các môn trong kỳ thi năm nay khá giống với đề thi minh họa được Bộ GD-ĐT ban hành cho thí sinh tham khảo, làm quen trong thời gian ôn tập; chỉ có độ khó của các đề thi là hơn cả dự đoán của cả giáo viên lẫn thí sinh. Điều này cũng có phần dễ hiểu, bởi đề thi được ra cho thí sinh làm bài với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, độ khó của mỗi đề thi tăng dần từ dễ đến khó và rất khó.

Tại điểm thi Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (cơ sở 1, TP.Biên Hòa), thí sinh Dương Văn Đạt cho biết: “Sáng 26-6, em làm bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học). Cả 3 môn thi trong bài thi tổ hợp đều có mức độ khó tăng dần. Những câu hỏi đầu của đề thi là kiến thức nhận biết cơ bản, học sinh trung bình có thể làm bài thi khá ổn. Ở những câu cuối, độ khó tăng dần theo kiểu vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống nên thí sinh phải khá, giỏi mới làm được. Những câu hỏi khó thí sinh phải dùng máy tính bỏ túi, hoặc phải giải ra nháp mới tìm được kết quả, mất nhiều thời gian”.

Trong khi đó, ở môn ngoại ngữ nhiều thí sinh khi được hỏi đều có chung cảm giác là không chỉ khó mà còn dài.

Nguyễn Thị Tường Vy, thí sinh thi tại điểm Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa), cho biết: “Em thích học môn tiếng Anh, ngoài học trên lớp em còn “luyện” ở ngoài trung tâm. Theo em cảm nhận, đề thi tiếng Anh hơi dài, nhất là trong đề lại có 3 đoạn văn khá dài, yêu cầu thí sinh đọc đoạn văn và điền vào chỗ còn trống”.

Còn ở buổi thi cuối cùng với bài thi tổ hợp khoa học xã hội, thí sinh cho rằng đề thi toàn kiến thức cơ bản, không bị đánh đố. Đề thi Lịch sử có cả kiến thức lớp 11 và 12. Còn đề thi địa lý không khó nhưng lại mất thêm thời gian tham khảo Atlat địa lý; ngoài ra còn cần thêm kỹ năng vận dụng lựa chọn một số biểu đồ theo gợi ý.

Thí sinh Nguyễn Tuấn Anh, thi tại điểm thi Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh (TP.Biên Hòa), cho biết: “Môn Lịch sử trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội làm tốt hay không tùy thuộc vào sự chăm chỉ, nhớ tốt sự kiện. Với môn địa lý thì cần nhớ tốt kiến thức địa lý tự nhiên và xã hội, kèm thêm khả năng lựa chọn biểu đồ phù hợp”.

* Chuẩn bị tâm lý “hậu kỳ thi”

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Đồng Nai diễn ra thành công theo kế hoạch, thí sinh đi thi so với số lượng đăng ký đạt cao. Nhiều điểm thi duy trì số lượng 100% thí sinh dự thi ở tất cả các buổi thi. Trong ngày làm thủ tục dự thi và 3 ngày thi chính thức không phát sinh bất cứ sự cố nào ngoài ý muốn. Do công tác tập huấn cán bộ coi thi, phổ biến quy chế thi và thí sinh làm quen khá tốt với hình thức thi THPT quốc gia nên kỷ luật phòng thi được thực hiện nghiêm túc.

Độ khó của đề thi THPT quốc gia năm nay đã khiến không ít thí sinh cảm thấy hoang mang ngay từ buổi thi đầu. Nhiều phụ huynh đưa con đi thi đứng ngoài cổng trường không giấu nổi sự lo lắng, đứng ngồi không yên.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), có con thi tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn,  chia sẻ: “Buổi nào con đi thi tôi cũng đứng ở ngoài chờ, thấy con ra khỏi phòng mặt buồn so là tôi đoán ngay con không làm tốt. Tuy vậy tôi chỉ động viên con cố gắng, làm được bài đến đâu hay đến đó, vì đề thi khó thì khó cả nước chứ không chỉ mình con”.

Theo nhận định của một số giáo viên, các đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn năm trước nên sẽ khó có hiện tượng “mưa” điểm 9-10. Phổ điểm trung bình chắc chắn sẽ không “đẹp” như năm trước mà có thể sẽ thấp hơn. Trừ thi môn Ngữ văn làm bài bằng hình thức tự luận nên khó đoán chính xác điểm, các bài thi trắc nghiệm còn lại thí sinh hoàn toàn có thể dự đoán điểm trước một cách tương đối nếu trong quá trình làm có ghi chép đáp án đã chọn để so với đáp án chính thức do Bộ GD-ĐT công bố.

Thí sinh Phạm Nguyễn Quốc Anh, thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, cho biết: “Em thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh. Trước kỳ thi em khá tự tin, nhưng cả đề thi Toán, Hóa học và Sinh học đều khó nên em cảm thấy lo lắng”.

Còn bà Nguyễn Khánh Vân (mẹ của Quốc Anh) chia sẻ: “Tôi sẽ không gây áp lực thêm cho con, đơn giản là con đã cố gắng, sau kỳ thi tôi sẽ cho con nghỉ ngơi thư giãn, bù cho cả năm trời vất vả”.

Sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thí sinh cần chú ý các mốc thời gian quan trọng sau:

- Ngày 11-7: Dự kiến Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia.

- Từ ngày 19 đến 28-7: Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến nếu có.

- Từ ngày 19 đến 28-7: Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu đăng ký xét tuyển nếu có.

- Ngày 6-8: Các trường công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.

- Trước 17 giờ ngày 12-8, thí sinh xác nhận nhập học đợt 1.

- Từ ngày 22-8, các trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Công Nghĩa

 
 

 

 

Tin xem nhiều