Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Ngày thế giới Không thuốc lá (31-5): Tác hại khôn lường…

08:05, 31/05/2018

Từ một người khỏe mạnh, sau 8 năm hút thuốc lá, đến nay anh N.Đ.L. (22 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) phải thường xuyên nằm viện để điều trị các bệnh về tim mạch.

Từ một người khỏe mạnh, sau 8 năm hút thuốc lá, đến nay anh N.Đ.L. (22 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) phải thường xuyên nằm viện để điều trị các bệnh về tim mạch.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Quốc Khánh, Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thăm khám cho bệnh nhân N.V.M. Ông M. đang phải thở oxy liên tục do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: H.DUNG
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Quốc Khánh, Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, thăm khám cho bệnh nhân N.V.M. Ông M. đang phải thở oxy liên tục do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: H.DUNG

Khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mỗi ngày tiếp nhận hơn 120 ca bệnh đến khám. Trong đó có 90% bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính, mà nguyên nhân chính là do hút thuốc lá quá nhiều.

* Bệnh tật, đói nghèo, hối hận

Anh L. chia sẻ năm 14 tuổi, vì đua đòi theo bạn bè, anh tập tành hút thuốc lá rồi nghiện thuốc lá lúc nào không hay. Một thời gian dài, mỗi ngày anh L. “đốt” 2 gói thuốc. Thế rồi hàng loạt bệnh tật thi nhau tìm đến khiến anh L. phải nhập viện liên tục. “Từ đầu năm đến nay tôi đã nằm viện 3 lần, mỗi lần cả tháng trời. Có những lúc tôi tức ngực, khó thở, huyết áp tăng cao tưởng chừng không thể sống nổi. Những lúc đó, tôi vô cùng ân hận vì đã hút quá nhiều thuốc lá” - anh L. cho hay.

Có “thâm niên” hút thuốc lá hơn 40 năm, ông N.K.H. (60 tuổi, ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) hiểu tác hại to lớn do thuốc lá gây ra cho bản thân và gia đình. Hiện ông H. không chỉ bị suy tim, tăng huyết áp, hở van tim 2 lá, 3 lá mà còn bị nhồi máu cơ tim, cường giáp. Bao nhiêu tiền của ông tích cóp được suốt bao năm qua giờ đều tập trung để chữa bệnh.

Khi nhắc đến thuốc lá, ông N.Đ.T. (67 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), đang nằm điều trị tại Khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết: “Gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi năm vừa qua tôi nằm viện chi phí hết hơn 100 triệu đồng. Con gái tôi qua đời vì ung thư phổi, con rể bị đột quỵ để lại 2 đứa cháu ngoại nên vợ tôi phải thay con chăm cháu, không thể vào bệnh viện chăm tôi. Những lúc đó, tôi giận chính bản thân mình vì không thể bỏ thuốc lá, để thuốc lá gây hại quá nhiều cho gia đình mình”.

* Phải có ý chí đủ mạnh

Theo bác sĩ chuyên khoa I Lê Quốc Khánh, Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khói thuốc lá chứa hơn 7 ngàn hóa chất, trong đó có 69 hợp chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh thuộc 4 nhóm chính gồm: ung thư, tim mạch, hô hấp và sinh sản, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là bệnh không thể hồi phục được dù được điều trị.

Điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh này là bệnh nhân phải bỏ được thuốc lá. Khoảng 2-3 tháng/lần, Khoa Hô hấp lại tổ chức tuyên truyền cho bệnh nhân hiểu hơn về các loại bệnh liên quan đến hô hấp, trong đó nhắc đi nhắc lại tác hại của thuốc lá để bệnh nhân bỏ. Có nhiều người đã bỏ được thuốc lá nhưng cũng có nhiều người vẫn lén hút dù chỉ hút một điếu là lại ho sặc sụa, không thở nổi.

Cho rằng nếu ý chí không đủ mạnh, không thật sự quyết tâm thì không thể bỏ được thuốc lá, bác sĩ Đinh Đức Hòa, Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết mỗi lần thăm khám cho bệnh nhân lại hy vọng họ có thể làm được điều đó dù biết rằng không dễ dàng. “Khói thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu trong việc tăng tỷ lệ mắc bệnh và gây tử vong đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị các bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, bệnh lý động mạch vành, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, thậm chí đột tử cao gấp 4 lần những người không hút thuốc lá. Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rằng hút thuốc lá có đầu lọc hay thuốc lá điện tử có thể làm giảm nguy cơ về bệnh lý tim mạch. Do vậy, tốt nhất là nói không với thuốc lá” - bác sĩ Hòa chia sẻ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều