Báo Đồng Nai điện tử
En

Những "người hùng" thầm lặng

11:05, 29/05/2018

"Với nhiều ca bệnh nặng được cứu chữa thành công, người ta thường chỉ tôn vinh công lao của người bác sĩ. Nhưng dù giỏi đến đâu không một bác sĩ nào có thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự trợ giúp của những người điều dưỡng tốt".

“Với nhiều ca bệnh nặng được cứu chữa thành công, người ta thường chỉ tôn vinh công lao của người bác sĩ. Nhưng dù giỏi đến đâu không một bác sĩ nào có thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự trợ giúp của những người điều dưỡng tốt”.

Ngày 31-5, tại nhà khách 71, Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (1998-2018), đồng thời tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam.
Ngày 31-5, tại nhà khách 71, Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (1998-2018), đồng thời tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh như vậy khi nhắc tới vai trò đặc biệt của đội ngũ điều dưỡng, những người đang ngày đêm âm thầm chăm sóc bệnh nhân tại các cơ sở y tế. 

* Xem bệnh nhân như người thân

Khoa Hồi sức tích cực - chống độc là một trong những khoa lâm sàng quan trọng trong một bệnh viện đa khoa, bởi đây là nơi tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh nặng. Điều dưỡng ở khoa này vì thế cũng phải có “tinh thần thép” để giữ bình tĩnh, xử trí tốt trong những trường hợp bệnh nguy kịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, đánh giá: “Hội Điều dưỡng tỉnh là một trong những Hội hoạt động tích cực, hiệu quả trong các Hội trực thuộc Liên hiệp Hội tỉnh. Với đặc trưng công việc là trực tiếp chăm sóc người bệnh, chúng tôi hy vọng thời gian tới Hội điều dưỡng tỉnh có thêm nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hơn nữa. Bản thân mỗi điều dưỡng ngoài yêu nghề, có trình độ chuyên môn vững vàng, cần phải không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trách nhiệm đối với bệnh nhân”.

Với kinh nghiệm 21 năm làm điều dưỡng và 18 năm trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, điều dưỡng Phạm Thị Thanh Nga là tấm gương sáng về sự tận tâm, tận tụy trong công việc. Mọi người trong bệnh viện gọi bà là “con ong chăm chỉ” vì bà luôn cần mẫn, tỉ mỉ, không nề hà bất kỳ khó khăn, vất vả nào. Dù là những ca bệnh nặng, những người vô gia cư hay những bệnh nhân phải vệ sinh phức tạp, điều dưỡng Nga cũng không e ngại, luôn đối xử, chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình. Không chỉ túc trực bên những giường bệnh nhân được giao phụ trách chăm sóc, bà Nga còn quan tâm đến những bệnh nhân khác cùng nằm trong khoa, nhất là những ca trực đêm. Bởi chỉ một phút giây lơ là của người điều dưỡng trực tiếp chăm sóc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của người bệnh.

Cũng làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đại học y dược Shingmark (TP.Biên Hòa), điều dưỡng trẻ Vũ Xuân Quý luôn tự răn mình phải không ngừng tu dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, chăm chỉ, kỹ lưỡng trong việc chăm sóc người bệnh. “Ở khoa này người nhà không được vào để trực tiếp chăm sóc người bệnh như ở những khoa khác. Do vậy điều dưỡng vừa phải làm công việc chuyên môn, vừa phải chăm sóc bệnh nhân như người nhà của họ, giúp họ cảm thấy được quan tâm, chia sẻ. Niềm hạnh phúc nhất của người điều dưỡng không có gì khác ngoài việc thấy sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt hơn” - điều dưỡng Xuân Quý bộc bạch.

Đề cao đạo đức của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành y nói chung và của điều dưỡng nói riêng, thạc sĩ Huỳnh Tú Anh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai, cho hay: “Các chi hội điều dưỡng rất chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức, quy tắc ứng xử của điều dưỡng đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên tổ chức các phong trào, hội thi nhằm trang bị những điều kiện cần thiết nhất cho các điều dưỡng viên. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ, chăm sóc người bệnh tốt nhất”.

* Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai được thành lập năm 1998 với hơn 1,2 ngàn hội viên tại 13 chi hội trực thuộc.  Đến nay, Hội đã có 25 chi hội trực thuộc với gần 4 ngàn hội viên, trong đó có hơn 2,2 ngàn điều dưỡng, 399 hộ sinh, 257 kỹ thuật viên và 243 dược sĩ trung học, y sĩ. Sự lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng của Hội đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân trong tỉnh.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của điều dưỡng viên, thời gian qua Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn chăm sóc người bệnh và các nguồn tư liệu về âm ngữ trị liệu mới phát triển ở Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật phục hồi chức năng về vận động, ngôn ngữ trị liệu được thực hiện tại Chi hội Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ Y tế, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn triển khai thí điểm chương trình đào tạo hệ thống giảng viên/người hướng dẫn thực hành lâm sàng 9 tháng cho điều dưỡng mới tốt nghiệp tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện nhi đồng 1
(TP.Hồ Chí Minh) tập huấn cho hơn 2 ngàn điều dưỡng về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, ứng dụng các quy trình xử lý dụng cụ, trang thiết bị trong chăm sóc tại các khoa lâm sàng và cận lâm sàng, phân loại, thu gom, xử lý chất thải y tế…

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ điều dưỡng trong tỉnh đã không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức. Các biểu hiện tiêu cực trong điều dưỡng dần được hạn chế. Thay vào đó là sự tin tưởng và biết ơn của người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Bệnh nhân Trịnh Ngọc Tân (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết: “Giữa tháng 4 vừa qua, tôi nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai do đau bụng dữ dội. Sau khi siêu âm, chụp CT, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm mủ đường mật, phải mổ cấp cứu gấp. Nhờ ê-kíp y, bác sĩ của bệnh viện kịp thời cứu chữa, gần 1 ngàn con sán lá gan trong đường mật của tôi đã được hút ra. Nhờ có sự chăm sóc, giúp đỡ tận tình của điều dưỡng, bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, sức khỏe của tôi dần hồi phục, được xuất viện và có thể đi làm, sinh hoạt bình thường”.

Mặc dù mức thu nhập còn thấp nhưng với tinh thần tương thân tương ái, đội ngũ điều dưỡng trong tỉnh còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội mang ý nghĩa nhân văn như: trích tiền lương tháng giúp đỡ bệnh nhân nghèo, quyên góp xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, cứu trợ, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách… Nhiều cá nhân, tập thể trực thuộc Hội đã được nhận bằng khen của Bộ Y tế, Hội Điều dưỡng Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND tỉnh…

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tổ chức đánh giá lại vai trò, chất lượng của đội ngũ điều dưỡng trong công tác chăm sóc bệnh nhân. Hướng phát triển được đưa ra là sau này ở các bệnh viện sẽ có một phó giám đốc chuyên trách về điều dưỡng, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều