Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn còn lơ là công tác an toàn vệ sinh lao động

07:04, 05/04/2018

Trong năm 2017, qua thanh, kiểm tra của ngành chức năng tại 165 cơ sở lao động trong tỉnh cho thấy, có hơn 16% cơ sở còn vi phạm những quy định về an toàn vệ sinh lao động....

Qua thanh, kiểm tra của ngành chức năng trong năm 2017 tại 165 cơ sở lao động trong tỉnh cho thấy có hơn 16% cơ sở còn vi phạm những quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Các thành viên đoàn kiểm tra của Sở Lao động - thương binh và xã hội kiểm tra hệ thống thiết bị điện, máy móc tại một doanh nghiệp tư nhân sản xuất gạch ở TP.Biên Hòa. Hầu hết các loại máy móc, thiết bị điện trong xưởng sản xuất đều rất cũ, không được che chắn, đảm bảo an toàn.
Các thành viên đoàn kiểm tra của Sở Lao động - thương binh và xã hội kiểm tra hệ thống thiết bị điện, máy móc tại một doanh nghiệp tư nhân sản xuất gạch ở TP.Biên Hòa. Hầu hết các loại máy móc, thiết bị điện trong xưởng sản xuất đều rất cũ, không được che chắn, đảm bảo an toàn.

Đến nay, còn 12/33 vụ tai nạn lao động chết người trong tỉnh chưa có kết luận để giải quyết chế độ cho thân nhân người lao động. Chỉ tiêu giảm tần suất số vụ tai nạn lao động làm chết người chưa thực hiện được.

Từ năm 2017 đến hết tháng 2-2018, thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội đã ban hành 49 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 15 quyết định xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động, tai nạn lao động… với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Riêng số tiền xử phạt lĩnh vực tai nạn lao động là 203,5 triệu đồng. Các đơn vị đã nộp Kho bạc Nhà nước số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

* Đụng đâu thiếu đó

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội  Phạm Văn Cộng cho hay, có những chủ sử dụng lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, cố tình né tránh thực hiện các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó những vấn đề nổi cộm như: môi trường làm việc chưa đảm bảo; chủ doanh nghiệp không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, không khám sức khỏe cho người lao động.

Ở một số doanh nghiệp, máy móc, thiết bị không được kiểm định, không thực hiện bồi dưỡng hiện vật cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cụ thể, qua kiểm tra trường hợp một doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ở TP.Biên Hòa cho thấy hệ thống máy móc, thiết bị để sản xuất, phục vụ sản xuất không đảm bảo an toàn, bộ phận truyền động của máy không có bao che, hệ thống điện được lắp tạm bợ, cầu dao điện chưa có nắp đậy, dây dẫn điện bị bong tróc vỏ, không được lắp trong ống bảo vệ…

Hay khi đi kiểm tra tại 2 công ty chuyên xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tại TX.Long Khánh, đoàn kiểm tra phát hiện rất nhiều thiếu sót mà các công ty cần khắc phục như: chưa trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; chưa thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên; chưa thực hiện công tác tự kiểm tra về an toàn lao động tại công trường; chưa tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho toàn bộ người lao động trong công trường; chưa tổ chức khám sức khỏe cho người lao động tại công trường theo quy định… Ngoài ra, các thiết bị thi công có sử dụng điện tại công trường chưa đảm bảo an toàn về điện (cầu dao điện gắn trực tiếp vào vỏ máy trộn bê tông, dây dẫn điện của máy không có phích cắm).

* Người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp

Từ năm 2017 đến tháng 2-2018, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra ban đầu 33 vụ tai nạn lao động làm chết 34 người tại 33 đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc khối xây dựng có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao hơn cả.

Thực tế từ các vụ tai nạn lao động cho thấy nhiều trường hợp người lao động tử vong, bị thương do chủ quan, không chấp hành các nội quy an toàn lao động, không sử dụng phương tiện cá nhân, thao tác máy móc thiết bị không đúng quy trình. Bên cạnh đó, còn do chủ sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn vệ sinh lao động. Từ đó, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc đối với bản thân người lao động và gia đình họ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, cho biết qua giám sát các nội dung thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến lao động tại 4 doanh nghiệp mới đây, nhiều doanh nghiệp còn rất chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn vệ sinh lao động.

Cụ thể, một doanh nghiệp sản xuất các loại gạch men ở huyện Long Thành có gần 1 ngàn lao động nhưng có đến gần 700 lao động làm việc trong môi trường bụi, nóng, ồn ào. Chủ doanh nghiệp biết rõ về các chế độ nặng nhọc, độc hại nhưng không thực hiện đúng theo quy định. Không ít doanh nghiệp chỉ trả cho người lao động 7 ngàn đồng/tuần tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, trong khi theo quy định phải trả đến
60 ngàn đồng/người/tuần. Có doanh nghiệp chỉ khám sức khỏe cho người lao động 1 lần/năm (quy định là 2 lần/năm). Mặc dù có hàng trăm người lao động làm việc hơn 10 năm trong môi trường nặng nhọc, độc hại nhưng công ty không có bất kỳ chỉ định cho trường hợp công nhân nào đi khám bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp của một công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ nội thất ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) cũng tương tự. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, tại công ty này đã xảy ra 46 vụ tai nạn lao động làm 46 người bị thương. Mặc dù không có người tử vong nhưng vấn đề về an toàn vệ sinh lao động cần được công ty đặc biệt quan tâm hơn nữa. Bởi có đảm bảo an toàn trong sản xuất mới khiến người lao động an tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Kết thúc đợt giám sát về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh cuối tháng 3 vừa qua, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm chính sách, quy định pháp luật lao động. Nhất là những doanh nghiệp đã được nhắc nhở, kiểm tra; doanh nghiệp trên 10 năm chưa được thanh tra, kiểm tra.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích