Màng ngoài tim bị vôi hóa là bệnh rất ít gặp, tuy nhiên khi bệnh nhân được phát hiện để điều trị thường đã ở giai đoạn nặng và rất nguy hiểm.
Màng ngoài tim bị vôi hóa là bệnh rất ít gặp, tuy nhiên khi bệnh nhân được phát hiện để điều trị thường đã ở giai đoạn nặng và rất nguy hiểm.
TS-BS. Nguyễn Anh Dũng thăm hỏi sức khỏe sau phẫu thuật cho một bệnh nhân bị viêm ngoài màng tim do vôi hóa nặng. |
Theo TS-BS. Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, màng ngoài tim giống như túi bọc quả tim, mục đích tạo bề mặt trơn láng để quả tim hoạt động. Bình thường màng ngoài tim chun giãn theo độ giãn nở của tim, khi màng ngoài tim bị viêm lâu ngày sẽ bị chai cứng và đóng vôi. Nếu để lâu ngày làm cho tim bị bó chặt không giãn ra được, tim không hoạt động được và dẫn đến suy tim. Chức năng của tim là bơm máu nuôi cơ thể, một khi quả tim suy yếu không đủ sức đảm bảo nuôi cơ thể khỏe mạnh.
Khi màng ngoài tim bị vôi hóa, bệnh nhân thường có dấu hiệu như: mệt khi gắng sức; nặng hơn là mệt ngay khi nghỉ, chỉ cần vận động nhẹ là thở mệt và trở nên khó khăn. Người bệnh chán ăn, sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt toàn bộ cơ thể do vôi hóa lâu ngày ảnh hưởng tới gan.
TS-BS. Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm, nguyên nhân màng ngoài tim bị vôi hóa là do hậu quả của bệnh lao cũ lâu năm. Có thể do bệnh nhân bị bệnh lao không biết, phát hiện muộn và điều trị không tích cực. Bệnh lao có nhiều tổn thương như lao phổi, lao cơ quan khác (trong đó có lao đa màng như: lao màng ngoài tim, ngoài phổi, bụng, nếu điều trị không tích cực và để lâu năm sẽ gây tràn dịch lên từng bộ phận đó).
TS-BS. Dũng khuyến cáo một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là cần phát hiện sớm bệnh lao và tích cực tuân thủ điều trị theo phác đồ hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân nên đi khám và kiểm tra sức khỏe khi có những dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán sớm bệnh và điều trị kịp thời. Nếu bệnh để nặng sẽ khó điều trị và chi phí rất tốn kém.
Thảo Anh