Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để tết phải nhập viện vì nhậu quá đà

07:02, 05/02/2018

Những ngày gần tết, các bệnh viện trong tỉnh thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu do uống quá nhiều rượu bia, trong đó có một số ca mê man vì ngộ độc rượu, tụt đường huyết, ói cả ra máu tươi, đau bụng dữ dội vì viêm tụy cấp…

Những ngày gần tết, các bệnh viện trong tỉnh thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu do uống quá nhiều rượu bia, trong đó có một số ca mê man vì ngộ độc rượu, tụt đường huyết, ói cả ra máu tươi, đau bụng dữ dội vì viêm tụy cấp…

Một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do uống nhiều rượu được điều trị tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Đ.NGỌC
Một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do uống nhiều rượu được điều trị tại Khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Đ.NGỌC

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã cấp cứu cho 1 ca nghi ngộ độc rượu. Đó là bệnh nhân N.V.T.  ở TP.Biên Hòa nhập viện trong tình trạng mê man, không biết gì do say rượu.

* Nguy cơ ngộ độc rượu cao

Phòng ngừa nuốt dị vật

Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cảnh báo hiện nay tình trạng nuốt dị vật ngày càng nhiều, trong đó có nhiều trường hợp nuốt: xương gà, xương cá, thịt bò, hột vịt lộn, vỏ thuốc, tăm xỉa răng… Vì vậy, trong những ngày tết để phòng ngừa nuốt dị vật cần tránh vừa ăn vừa cười đùa, bỏ thói quen ngậm tăm xỉa răng, cần xắt nhỏ thức ăn cho người già, trẻ em… Khi vướng dị vật ở thực quản cần tới các bệnh viện để lấy ra sớm, tránh lấy tay đẩy dị vật vào sâu hơn gây vướng, rách thực quản.

Bệnh nhân N.V.T. đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất hồi sức, đặt nội khí quản cho thở máy, truyền đường đến gần 1 ngày sau mới tỉnh lại. Bác sĩ Trần Kim Long, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết trường hợp của bệnh nhân T. mê man có khả năng bị ngộ độc rượu do ethanol, hạ đường huyết. Nếu người nhà không phát hiện kịp thời để đưa vào bệnh viện, bệnh nhân sẽ bị hôn mê sâu khiến não thiếu oxy, gây tổn thương não rất khó hồi phục.

Cũng theo bác sĩ Trần Kim Long, ngộ độc rượu thường được chia ra làm 2 loại: ethanol (rượu làm bằng men tự nhiên) và methanol (rượu pha cồn công nghiệp). Rượu có chất cồn công nghiệp methanol là chất rất độc hại có thể gây tử vong do suy đa cơ quan, nhất là mắt và não. Biểu hiện ngộ độc rượu do methanol thường được xuất hiện sau 18-24 giờ sau khi uống, bệnh nhân  nôn ói, lơ mơ, khù khờ, tiểu ra máu, rối loạn hành vi, rối loạn thị giác, vật vã, lơ mơ, kích thích, co giật, thở nhanh, phù phổi, phù não…

Bác sĩ Trần Kim Long khuyến cáo, trong những ngày lễ, tết, tỷ lệ bệnh nhân nặng trong khoa tăng cao chủ yếu là bệnh nhân do tai nạn giao thông, ngộ độc rượu... Do đó, khi sử dụng rượu, bia trong những ngày tết phải chừng mực, đã sử dụng rượu, bia nên hạn chế điều khiển các phương tiện giao thông. Để phòng ngừa ngộ độc rượu nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, có nhãn mác, hạn sử dụng.

* Nhậu đến Ói ra máu

Trong những ngày gần đây tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca bệnh nặng liên quan đến uống nhiều rượu bia, như: ngộ độc rượu, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa dẫn đến ói máu tươi, đặc biệt đa số bệnh nhân đều còn rất trẻ tuổi, chỉ từ 20-30 tuổi.

Theo bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, các trường hợp ói ra máu tươi là do ăn nhậu quá đà làm ói nhiều lần hoặc ói quá mạnh đến rách niêm mạc dạ dày, nhất là niêm mạc thực quản làm ói ra máu tươi rất nhiều, nếu máu ra không kịp cầm nguy cơ tử vong rất cao. Ngoài ra, nguyên nhân ói ra máu tươi còn do bệnh nhân có sẵn bệnh viêm loét dạ dày kết hợp uống nhiều rượu, bia, ăn thức ăn khó tiêu…

Các ca ói ra máu tươi khi nhập viện cấp cứu phải điều trị hồi sức tích cực, truyền dịch, truyền thuốc cầm máu, làm các xét nghiệm máu. Khi mạch, huyết áp ổn định, bác sĩ mới tiến hành nội soi để kẹp vết rách, cầm máu. Việc nội soi khi máu đang chảy rất khó khăn vì rất khó tìm ra vết rách. Do đó, để phòng ngừa tình trạng ói ra máu, những người trẻ cần ăn uống điều độ trong những ngày tết, nhất là đừng quá đà khi uống rượu, bia. Khi bị ói nhiều lần, ói liên tục, ói ra máu phải nhập viện để điều trị sớm, tránh vỡ mạch máu thực quản khiến công tác điều trị, cấp cứu khó khăn hơn. Đối với những người có tiền căn bị đau dạ dày cần tránh ăn uống các chất kích thích, khó tiêu để có sức khỏe tốt hơn trong những ngày du xuân.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều