Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tiếp cận được Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo

07:01, 15/01/2018

Rất nhiều bệnh nhân nghèo hiện vẫn chưa biết được quyền lợi của họ được hưởng từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh khi nằm viện điều trị bệnh, mặc dù quỹ đã đi vào hoạt động gần 2 năm nay...

Bà Lê Thị Tuyết Mai (48 tuổi, ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa), đang điều trị ung thư tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết thông qua nhân viên của bệnh viện bà mới biết hộ nghèo khi nhập viện điều trị được hỗ trợ tiền ăn từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh...

Nhân viên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trao tiền hỗ trợ từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh cho bệnh nhân đang điều trị ung thư Lê Thị Tuyết Mai (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: A.Thư
Nhân viên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trao tiền hỗ trợ từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh cho bệnh nhân đang điều trị ung thư Lê Thị Tuyết Mai (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa). Ảnh: A.Thư

Không riêng gì bà Mai mà rất nhiều bệnh nhân nghèo chưa biết được quyền lợi của họ được hưởng từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh khi nằm viện điều trị bệnh (kể cả trong tỉnh và ngoài tỉnh) mặc dù quỹ đã đi vào hoạt động gần 2 năm nay.

* Giảm một phần gánh nặng viện phí

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan về hoạt động của Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã yêu cầu Sở Y tế khảo sát lại cụ thể số lượng các bệnh nhân điều trị ngoại trú thuộc bệnh ung thư, lọc thận nhân tạo để bổ sung thêm vào đối tượng được thụ hưởng. Theo đó, cần phối hợp với các địa phương nắm được số lượng cụ thể để chủ động việc cân đối nguồn quỹ, tránh vỡ quỹ.

Ông Nguyễn Văn Thông (66 tuổi, ngụ tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh thận mãn, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Do bệnh nặng, phải can thiệp tim mạch bằng kỹ thuật cao nên chi phí điều trị cho ông Thông lên đến hơn 62 triệu đồng, trong đó được bảo hiểm chi trả hơn 51 triệu đồng, phần còn lại ông Thông phải chi khoảng 11 triệu đồng.

"Do tôi thuộc diện hộ nghèo nên được Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh hỗ trợ chi phí điều trị 5 triệu đồng và tiền ăn 8 ngày nằm viện là 312 ngàn đồng 5 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ này đối với gia đình tôi rất quý, giúp giảm một phần gánh nặng viện phí, không phải đi vay mượn khắp nơi” - ông Thông chia sẻ.

Bệnh viện đa khoa Thống Nhất triển khai Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh từ  năm 2015 nên các khoa đã quen việc, chủ động thông báo đến bệnh nhân, không để sót đối tượng được hưởng, vì rất nhiều bệnh nhân không biết mình thuộc diện được hỗ trợ. Kết quả số bệnh nhân được hưởng và số tiền được hưởng tăng lên hàng năm.

Trong năm 2017 đã có hơn 900 lượt người được hỗ trợ tiền ăn và một phần viện phí với tổng số tiền hơn 683 triệu đồng. Quá trình triển khai có một số đối tượng quá khó khăn nhưng không thuộc diện được hỗ trợ từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh, như: bệnh nhân lọc thận nhân tạo điều trị ngoại trú, bệnh nhân thuộc đối tượng lang thang, cơ nhỡ, hộ nghèo thuộc các tỉnh khác về tạm trú tại Đồng Nai…

Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nguyễn Như Giao, Trưởng phòng Công tác xã hội, cho biết số lượt người được hỗ trợ từ Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh năm 2017 cũng tăng đáng kể: hơn 1 ngàn lượt người được hỗ trợ tiền ăn, chi phí vận chuyển và một phần viện phí với tổng số tiền hơn 720 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập khi triển khai, như: một số bệnh nhân thuộc diện hỗ trợ của quỹ nhưng lại không có giấy chứng minh nhân dân nên không đủ điều kiện làm thủ tục hưởng hỗ trợ tiền ăn từ quỹ.

* Kiến nghị bổ sung đối tượng thụ hưởng

Hiện nay vẫn còn nhiều người không biết Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn điều trị nội trú tại các bệnh viện trong tỉnh; những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn thường trú, tạm trú tại Đồng Nai điều trị ngoại tỉnh như ở TP.Hồ Chí Minh. Các bệnh nhân điều trị nội trú trong tỉnh thì liên hệ trực tiếp với cơ sở điều trị. Riêng các bệnh nhân điều trị ngoại tỉnh thì liên hệ thường trực quỹ tại Sở Y tế. Do không nắm chính sách này nên còn ít người dân nghèo ở Đồng Nai khi điều trị bệnh ở ngoại tỉnh đến liên hệ thường trực quỹ để hưởng mức hỗ trợ từ quỹ.

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết năm 2017 tỉnh bố trí kinh phí cho Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh là 10 tỷ đồng, nhưng toàn tỉnh chỉ mới hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng với hơn 5,3 ngàn lượt bệnh nhân được hỗ trợ tiền ăn và một phần chi phí vận chuyển, khám chữa bệnh.

Hiện tại đối tượng người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được giải quyết chế độ hỗ trợ vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do công tác truyền thông về chế độ hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo còn hạn chế, chưa sâu rộng.

Trong năm 2018, theo kế hoạch Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo tỉnh được bố trí 10 tỷ đồng và 5 tỷ đồng từ nguồn quỹ kết dư của bảo hiểm xã hội hiện đã được cấp trước 5 tỷ đồng.

Để tăng số lượng người được thụ hưởng từ nguồn quỹ, Sở Y tế đã đề xuất UBND tỉnh bổ sung thêm một số đối tượng, như: bệnh nhân mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo điều trị ngoại trú; hỗ trợ tiêm vaccine phòng bệnh dại miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao; thanh toán chi phí cùng chi trả bảo hiểm y tế đối với thuốc ARV (kháng virus HIV) cho đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, tăng thời gian nộp hồ sơ để hưởng hỗ trợ, điều chỉnh từ 10 ngày lên 30 ngày kể từ ngày ra viện đối với trường hợp điều trị trong tỉnh và từ 30 ngày lên 90 ngày đối với trường hợp điều trị ngoại tỉnh.

Anh Thư

Tin xem nhiều