Gần 4 năm triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã giúp cho nhiều người nghiện từ bỏ và dần rời xa ma túy.
Gần 4 năm triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã giúp cho nhiều người nghiện từ bỏ và dần rời xa ma túy.
Bệnh nhân uống methadone tại Cơ sở điều trị methadone huyện Trảng Bom. Ảnh: Đ.Ngọc |
Có mặt ở cơ sở điều trị methadone ở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai từ rất sớm, anh H.M.H. (25 tuổi, TP.Biên Hòa) cho biết tranh thủ lên khám bệnh, lấy thuốc để về đi làm. Hơn 1 năm uống methadone, anh H. đã không còn cảm giác thèm nhớ ma túy, tập trung vào làm việc để lo cho tương lai.
* Giảm thèm nhớ ma túy
Anh H. kể, trước đây nghe theo lời bạn bè rủ rê, anh đã sử dụng và nghiện ma túy. Mỗi ngày anh phải tốn 500-600 ngàn đồng để mua heroin. Những lúc không có tiền, anh và bạn bè lại đi kiếm tiền bằng mọi cách để “nướng” hết vào heroin. Mỗi khi tỉnh táo, anh thấy cha mẹ quá khó khăn, bản thân anh chưa làm gì để phụ giúp gia đình nên đã quyết tâm đi điều trị cai nghiện ma túy bằng uống methadone và đã từ bỏ được heroin.
Mở thêm nhiều cơ sở điều trị methadone Hiện toàn tỉnh có 1.274 bệnh nhân tham gia điều trị methadone tại TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và các huyện: Trảng Bom, Long Thành. Trong quý I-2018, tỉnh sẽ triển khai thêm 2 cơ sở tại huyện Xuân Lộc và huyện Cẩm Mỹ. Việc mở thêm nhiều cơ sở điều trị methadone giúp bệnh nhân không phải đi xa, được điều trị liên tục, hạn chế tình trạng bỏ điều trị. |
Tương tự anh N.D.T. (26 tuổi, ngụ tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) cũng nhờ điều trị methadone mà không còn thèm nhớ ma túy. Anh T. kể từng nghiện heroin 6 năm, mỗi ngày tốn ít nhất từ
200-300 ngàn đồng mua heroin. Qua 3 năm điều trị methadone, T. đã từ bỏ hẳn ma túy. Trước đây mỗi ngày T. phải đến tận Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai ở TP.Biên Hòa để uống methadone. Nhưng nay ở Trảng Bom cũng đã thành lập thêm một cơ sở điều trị methadone, rất thuận tiện cho anh không phải đi lại xa xôi mà có thời gian lo buôn bán, nuôi con.
Cơ sở điều trị methadone huyện Trảng Bom mới thành lập cách đây hơn 4 tháng đã tiếp nhận và điều trị cho 157 bệnh nhân (phần lớn từ các cơ sở điều trị methadone từ TP.Biên Hòa chuyển về), trong đó có 16 bệnh nhân đã điều trị methadone từ 1-2 năm xin giảm liều, mong muốn ra khỏi chương trình. Một trong những điều quan trọng giúp bệnh nhân từ bỏ ma túy còn là ý chí, quyết tâm điều trị methadone của bệnh nhân và sự động viên, thông cảm của gia đình. “Sau gần 2 năm điều trị methadone, tôi đã bỏ được ma túy và cũng giảm dùng methadone. Cảm ơn chương trình đã tạo điều kiện cho chúng tôi từ bỏ được ma túy để làm lại cuộc đời” - T.A.S. (ngụ tại ấp Cây Táo, huyện Trảng Bom) bộc bạch.
* Giảm lây nhiễm bệnh, cải thiện sức khỏe
Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai Trần Trung Tá cho biết kết quả rõ nét nhất qua gần 4 năm triển khai chương trình điều trị methadone không chỉ giúp bệnh nhân giảm dần và từ bỏ ma túy, mà còn giảm đáng kể hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS cùng các bệnh lây truyền qua đường máu khác như: viêm gan B, C, đồng thời giúp cải thiện rõ rệt về mặt sức khỏe cho bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm.
Về vấn đề này, bác sĩ Bùi Ngọc Khương, phụ trách Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, cho biết vào năm 2016 phòng khám có làm một thống kê xã hội học trên 800 bệnh nhân điều trị. Kết quả, sau một thời gian điều trị có đến 70% bệnh nhân có việc làm, không còn thất nghiệp, chủ yếu làm công nhân. Thu nhập trung bình 5 -10 triệu đồng chiếm khoảng 60%. Về sức khỏe, trước đây khi bắt đầu điều trị methadone, đa phần các bệnh nhân đều bị viêm gan C, gầy gò, xanh xao. Sau 1 năm điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, có người tăng 15kg.
Đến năm 2017, Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai chỉ còn điều trị cho 240 bệnh nhân (phần lớn chuyển về các huyện mới mở cơ sở điều trị methadone), trong đó hiện đã có 70% đã bỏ hẳn ma túy và giảm liều methadone. Bác sĩ Bùi Ngọc Khương khuyến cáo: “Trong điều trị methadone phải tuân thủ đúng ngày, đúng giờ, đúng liều, nhớ kỹ lời bác sĩ dặn. Nguy hiểm nhất là việc vừa điều trị methadone vừa sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá vì rất dễ gây ngộ độc dẫn tới tử vong do dùng ma túy quá liều”.
Đặng Ngọc