Báo Đồng Nai điện tử
En

"Khát" lao động kỹ thuật

08:11, 21/11/2017

Nếu không có những giải pháp kịp thời trong công tác đào tạo, thì trong thời gian tới, thị trường lao động ở Đồng Nai sẽ tiếp tục lâm vào tình trạng thiếu lao động kỹ thuật có tay nghề...

Thị trường lao động ở Đồng Nai vài năm gần đây đã có sự chuyển biến khi tình trạng thiếu lao động kỹ thuật có tay nghề diễn ra ở hầu khắp các doanh nghiệp.

Nhân viên nhân sự công ty TNHH Bosch Việt Nam, đóng tại huyện Long Thành (trái) phỏng vấn tuyển dụng lao động kỹ thuật cho công ty.
Nhân viên nhân sự công ty TNHH Bosch Việt Nam, đóng tại huyện Long Thành (trái) phỏng vấn tuyển dụng lao động kỹ thuật cho công ty.

Nếu không có những giải pháp kịp thời trong công tác đào tạo lao động kỹ thuật thì thời gian tới, thị trường lao động kỹ thuật ở Đồng Nai khó lòng cạnh tranh với thị trường lao động các tỉnh, thành lân cận.

* Khó tuyển

Nhân viên phòng hành chính - nhân sự của một công ty chuyên sản xuất gạch bê tông, trang trí nội thất, ngoại thất sân - vườn ở xã Tam Phước (TP. Biên Hòa) cho biết, công ty hiện có 12 lao động kỹ thuật chuyên về khuôn mẫu và 6 thợ cơ khí. Hiện tại, công ty đang cần tuyển 3 lao động kỹ thuật ở các vị trí: kỹ sư cơ khí - chế tạo máy, nhân viên thiết kế - tạo mẫu và nhân viên kỹ thuật nhưng mãi vẫn chưa tuyển được.

“Vị trí kỹ sư cơ khí - chế tạo máy suốt mấy tháng qua dù đã thông báo tuyển ở nhiều kênh khác nhau như trên các trang mạng về việc làm, treo băng rôn, đến sàn giao dịch việc làm để tuyển trực tiếp... nhưng vẫn chưa được”, nhân viên này cho hay.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, nhận định thị trường lao động ở Đồng Nai đang rất thiếu lao động kỹ thuật. Hiện nay, tỷ lệ lao động có trình độ từ trung cấp nghề trở lên ở Đồng Nai còn khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 10% tổng số lao động trên thị trường lao động. Nếu tính chung cả số lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp thì tỷ lệ này chưa đến 15%. Trong khi nhu cầu về lao động kỹ thuật từ trung cấp trở lên khoảng 25-30%.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoài Linh, nhân viên nhân sự Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, 2) chia sẻ, công ty hiện có nhu cầu 5-6 nhân viên kỹ thuật, có trình độ từ cao đẳng trở lên chuyên ngành may. Ngoài yêu cầu về chuyên môn, bắt buộc ứng viên phải có trình độ về tiếng Anh bởi tất cả tài liệu liên quan đến công việc của công ty đều bằng tiếng Anh.

“Thời gian qua cũng có nhiều lao động tham gia ứng tuyển nhưng không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ nên việc tuyển dụng vị trí này không được như mong muốn”, chị Linh cho biết.

Tương tự, Công ty TNHH Bosch Việt Nam (huyện Long Thành) từ đầu năm đến nay liên tục tuyển lao động kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu cho dây chuyền sản xuất mới. Tuy nhiên, số lượng lao động kỹ thuật phù hợp với nguyện vọng của công ty vẫn chưa đủ.

* Tốt nghiệp đại học vẫn không làm được việc

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom International Corporation Biên Hòa  (Khu công nghiệp  Biên Hòa 1) Lương Ngọc Hồi bộc bạch, số lượng lao động kỹ thuật trực tiếp sản xuất ở xưởng của công ty hiện khoảng 200 người (chiếm 10% tổng số công nhân, lao động toàn công ty). Gần đây, việc tuyển lao động kỹ thuật có tay nghề khó khăn hơn trước bởi công ty đưa ra tiêu chuẩn cao hơn.

Trước kia, nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, điện, cơ điện của một số trường đại học được tuyển vào công ty. Nhưng sau một thời gian, những lao động này bộc lộ các nhược điểm như: không làm được việc, không có kiến thức cơ bản về kỹ thuật, không biết vận hành máy, đặc biệt là những loại máy móc công nghệ cao. Công ty phải dành thời gian và nhân lực để đào tạo lại nhưng cuối cùng phải thuyên chuyển những lao động kỹ thuật này sang bộ phận khác.

Trưởng phòng nhân sự một công ty cổ phần tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn luôn cạnh tranh nhau trong việc tuyển lao động kỹ thuật. Phần lớn các lao động có chuyên môn, tay nghề cao thường lựa chọn các doanh nghiệp lớn ở TP.Hồ Chí Minh bởi có nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển hơn là ở các tỉnh. Nếu lao động kỹ thuật ở TP.Hồ Chí Minh thì lại lựa chọn làm việc ở Khu công nghệ cao hơn là các khu công nghiệp ở Đồng Nai. Do đó, để tuyển được lao động kỹ thuật có tay nghề đáp ứng được đòi hỏi của công ty là không phải dễ.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã, đang đầu tư nhiều loại trang thiết bị máy móc hiện đại để dần thay thế lực lượng lao động giản đơn bằng lao động kỹ thuật. Do đó, nhu cầu về lao động phổ thông sẽ ngày càng giảm, nhu cầu lao động kỹ thuật ngày càng tăng.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực có tay nghề, TS. Lê Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, cho rằng: “Trước tiên, phải thu hút được học sinh vào học tại các trường nghề. Phải thay đổi được nhận thức của mọi người giữa việc học nghề và học đại học. Không nên đua đòi, chạy theo bằng cấp rồi cuối cùng ra trường không xin được việc làm, hoặc có việc làm mà không đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều này gây lãng phí rất lớn cho xã hội”.

Và để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, theo TS. Lê Văn Hiền, các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề phải không ngừng đổi mới giáo trình, phương pháp giảng dạy. Việc hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp cùng với các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như Đức, Anh, Pháp… là đòi hỏi và xu thế tất yếu đối với tất cả các đơn vị đào tạo nghề hiện nay.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều