Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh nặng vì kháng thuốc kháng sinh

08:11, 21/11/2017

Hiện nay, tại các bệnh viện trong tỉnh tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh nặng do kháng thuốc kháng sinh, thậm chí có nhiều ca kháng cả thuốc kháng sinh thế hệ mới và kháng nhiều loại kháng sinh.

Hiện nay, tại các bệnh viện trong tỉnh tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh nặng do kháng thuốc kháng sinh, thậm chí có nhiều ca kháng cả thuốc kháng sinh thế hệ mới và kháng nhiều loại kháng sinh.

Một ca bệnh nhi viêm phổi nặng kháng thuốc kháng sinh phải thở máy đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: N.Thư
Một ca bệnh nhi viêm phổi nặng kháng thuốc kháng sinh phải thở máy đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: N.Thư

Bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng nhiều. Đây là một vấn đề nhức nhối vì kháng sinh đang được mua bán quá dễ dàng, nên cơ hội tạo ra chủng kháng thuốc kháng sinh trong cộng đồng rất lớn.

* Hậu quả của kháng thuốc

Một trong những bệnh nhiễm trùng thường xảy ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh nhiều nhất hiện nay là bệnh viêm phổi. Thông thường các ca bệnh viêm phổi kháng thuốc kháng sinh điều trị rất khó khăn, thời gian nằm viện lâu, chi phí điều trị tốn kém. Đơn cử như bà N.T.L. (93 tuổi, ngụ tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) bị viêm phổi rất nặng phải thở máy vì nhiễm một lúc 2 loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã sử dụng nhiều loại kháng sinh mạnh để điều trị cho bà, nhưng đến nay sức khỏe bà rất yếu do tình trạng phổi còn xấu, sức đề kháng kém.

Hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện

Bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khuyến cáo hiện nay tình trạng kháng thuốc kháng sinh còn có nguyên nhân là do bị nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó có nhiều vi khuẩn rất độc gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh cho bệnh nhân trong thời gian nằm viện. Do đó, các cơ sở khám chữa bệnh cũng cần làm tốt công tác nhiễm khuẩn hàng ngày, hàng tuần theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Các bác sĩ, nhân viên y tế khám chữa bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân, cố gắng hạn chế tình trạng nhiễm trùng bệnh viện một cách tốt nhất.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh diễn ra ở cả bệnh nhi. Như bé L.G.K. (6 tháng tuổi, ngụ tại phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị sốt, ho nên người nhà cho đi khám và điều trị ở phòng khám tư nhân hơn 30 ngày nhưng bệnh không bớt mới đưa đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cấp cứu do bé ho nhiều, thở mệt. Tại đây, bé K. được phát hiện bị viêm phổi nặng. Tuy nhiên, bác sĩ điều trị bằng kháng sinh bình thường không thấy sức khỏe bé cải thiện. Khi cho bé đi cấy đàm mới phát hiện bé nhiễm vi khuẩn kháng thuốc Cocci Gram dương, rất ít kháng sinh nào điều trị được.

Tương tự, bé N.T.K.N. (17 tháng tuổi, ngụ tại phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) phải nằm điều trị ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai suốt 4 tháng qua do bệnh viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, phải thở máy. Bé được điều trị nhiều ngày bằng nhiều loại kháng sinh không khỏi bệnh, khi bác sĩ cho cấy đàm thì phát hiện bé N. bị nhiễm vi khuẩn Escherichia coli kháng hầu hết các loại kháng sinh nên điều trị rất khó khăn.

* Không sử dụng kháng sinh bừa bãi

Bác sĩ Hoàng Đại Thắng cho biết khởi phát của bệnh viêm phổi thường là bệnh viêm họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản nhưng không được theo dõi, điều trị đúng cách, tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi như: tự đổi kháng sinh, uống không đủ liều lượng khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, dễ biến chứng sang viêm phổi. Do đó, khi bệnh nhân có tình trạng viêm nhiễm, trong đó có viêm nhiễm đường hô hấp nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để chỉ định xem có cần dùng kháng sinh hay không, liều lượng cụ thể ra sao để bệnh hết hẳn.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cũng cho biết điều trị kháng sinh có lợi nhưng cũng có hại. Một trong những sai lầm trong điều trị hiện nay là việc chỉ định kháng sinh còn rộng rãi. Có trường hợp không cần dùng kháng sinh lại chỉ định dùng kháng sinh, chẳng hạn trẻ em chỉ cảm cúm, hắt hơi, sổ nước mũi trong thì không cần dùng kháng sinh; chỉ khi nào bé sốt cao, sổ nước mũi vàng, xanh, có dấu hiệu nhiễm trùng mới được dùng kháng sinh. Nếu sử dụng kháng sinh thường xuyên sẽ tiêu diệt vi trùng có lợi, tạo cơ chế kháng lại kháng sinh đó.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa khuyến cáo khi sử dụng kháng sinh phải tuân theo những nguyên tắc bắt buộc: phải có chỉ định đúng của bác sĩ, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng đường dùng thì mới diệt hết vi khuẩn gây bệnh. Nếu diệt không hết vi khuẩn sẽ tạo ra kháng thuốc. 10 năm về trước, điều trị bệnh viêm phổi hay nhiễm trùng huyết đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần điều trị 1-2 loại kháng sinh là khỏi bệnh. Còn hiện nay đối với những trẻ bị kháng thuốc kháng sinh điều trị rất vất vả, thời gian nằm viện có khi lên đến hàng tháng, chi phí điều trị kháng sinh thế hệ mới ngày càng cao.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều