Nhằm cung cấp đủ nguồn lao động theo nhu cầu thị trường, Đồng Nai đang tiến hành nhân rộng mô hình "đào tạo kép": nhà trường và doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo lao động theo tiêu chuẩn nghề của Đức.
Nhằm cung cấp đủ nguồn lao động theo nhu cầu thị trường, Đồng Nai đang tiến hành nhân rộng mô hình “đào tạo kép”: nhà trường và doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo lao động theo tiêu chuẩn nghề của Đức.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ 2 từ phải sang) nghe lãnh đạo Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 giới thiệu về các loại máy móc được sử dụng để đào tạo nghề cho sinh viên.Ảnh: H.DUNG |
Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) được xem là “anh cả” trong đào tạo nghề theo mô hình này ở Đồng Nai nói riêng và ở khu vực Đông Nam bộ nói chung.
* Điểm sáng từ Lilama 2
Phát biểu trong chuyến làm việc tại Đồng Nai về tình hình lao động, việc làm mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp, khu công nghiệp, các cấp Công đoàn trong tỉnh có chính sách thu hút lao động đã qua đào tạo nghề hoặc có biện pháp đào tạo lại nghề nhằm giữ chân người lao động. |
Năm 2013, Công ty TNHH Bosch Việt Nam (huyện Long Thành) bắt đầu phối hợp với Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đào tạo công nhân kỹ thuật theo tiêu chuẩn đào tạo nghề của Đức.
Đến năm 2017, 24 sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp có trình độ tay nghề vững, được nhận vào làm việc ở Công ty TNHH Bosch Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác với mức lương cao.
Không dừng lại ở Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 tiếp tục mời gọi, làm việc với rất nhiều hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước khác để hợp tác đào tạo nghề.
Vừa qua, gần 40 doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.Hồ Chí Minh đã đến thăm, làm việc và đánh giá cao việc chủ động của nhà trường trong đào tạo nghề cho người lao động, và đồng ý sẽ hợp tác đào tạo nghề với nhà trường trong thời gian tới.
Ông Peter Wunsch, cố vấn cấp cao của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, cho hay mô hình này đã được thực hiện ở Đức từ lâu và đem lại hiệu quả lớn đối với nền kinh tế. Người Đức rất coi trọng việc học nghề và đào tạo nghề. Ngay khi còn đang ngồi trên ghế của trường nghề, học viên đã được doanh nghiệp trả lương, hỗ trợ nhiều khoản phụ cấp khác.
Ngược lại, doanh nghiệp có được nguồn lao động chuẩn, đáp ứng những yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra từ trình độ, tác phong, đạo đức… Phía Đức sẵn sàng hỗ trợ các trường nghề và doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng trong công tác đào tạo nghề theo hình thức này.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) trong giờ thực hành. |
Trần Ngọc Linh, sinh viên khóa 2 theo chương trình hợp tác của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 và Công ty TNHH Bosch Việt Nam, chia sẻ: “Ngay khi bắt đầu khóa học, chúng tôi đã được công ty trả lương hơn 2,7 triệu đồng/tháng. Tiền lương được tăng dần theo năm học. Hiện tại, tôi là sinh viên năm thứ 3, được trả 3,7 triệu đồng/tháng, mỗi tháng chúng tôi thực tập tại công ty 3 tuần. Học theo chương trình này ngoài việc vững tay nghề, chúng tôi còn được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết, có vốn tiếng Anh tốt để có thể trở thành những công nhân toàn cầu”.
* Đào tạo nghề theo địa chỉ
2 năm trở lại đây, Đồng Nai rơi vào tình trạng thiếu lao động, kể cả lao động có kỹ thuật và lao động phổ thông. Nhiều doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm không ra lao động có tay nghề và trình độ cao. Một số doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian, chi phí để đào tạo lại lao động.
Theo Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh, tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ đào tạo được 1 ngàn lao động kỹ thuật. Để làm được điều đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải vào cuộc ngay từ đầu với các trường nghề từ khâu viết giáo trình, đào tạo, huấn luyện lao động. Đây chính là giải pháp tối ưu nhất để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, cung cấp nguồn lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Sau Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, Trường cao đẳng nghề cơ giới và thủy lợi (huyện Trảng Bom) cũng bắt đầu mô hình “đào tạo kép” với khoảng 60 doanh nghiệp, tập đoàn trong nước. Những ngành nghề mà trường hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, gồm: cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, vận hành máy thi công nền, kế toán doanh nghiệp, tin học.
Vừa qua, lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng những đơn vị liên quan đã giới thiệu chương trình, giáo trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn của Đức tới Trường cao đẳng nghề Đồng Nai (TP.Biên Hòa) để trường này tiếp tục đào tạo theo mô hình của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường nghề, do nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được trách nhiệm trong việc hợp tác đào tạo hoặc lo sợ lộ bí mật công nghệ nên việc tiếp cận đào tạo gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chưa có quy định nào ràng buộc các doanh nghiệp phải tham gia đào tạo lao động nên việc hợp tác đào tạo chủ yếu dựa trên mối quan hệ có sẵn với lãnh đạo nhà trường.
Một số doanh nghiệp vẫn chưa thấy được lợi ích từ việc hợp tác nên nhiều khi chỉ muốn tận dụng nguồn lao động là sinh viên, học viên để bổ sung vào lực lượng lao động thiếu hụt. Chính vì vậy, rất cần những chủ trương, chính sách, cơ chế cụ thể từ các cấp quản lý để các trường nghề phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp trong khâu đào tạo lao động theo địa chỉ.
Hạnh Dung