Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó tìm lao động

10:04, 23/04/2017

Từ cuối năm 2016 đến nay, cảnh người xếp hàng dài trước cổng các công ty hay tại sàn giao dịch việc làm (tổ chức tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai) để chờ đến lượt vào phỏng vấn xin việc đã không còn. Thay vào đó, bộ phận tuyển dụng các công ty đang phải "dài cổ" chờ người đến ứng tuyển.

Từ cuối năm 2016 đến nay, cảnh người xếp hàng dài trước cổng các công ty hay tại sàn giao dịch việc làm (tổ chức tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai) để chờ đến lượt vào phỏng vấn xin việc đã không còn. Thay vào đó, bộ phận tuyển dụng các công ty đang phải “dài cổ” chờ người đến ứng tuyển.

Thưa vắng người tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 125 diễn ra ngày 10-4 tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai.  ảnh: V.Truyên
Thưa vắng người tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 125 diễn ra ngày 10-4 tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai. ảnh: V.Truyên

Năm 2017 các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao với trên 79 ngàn lao động, thì việc khó tuyển được nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của từng đơn vị.

* Việc nhiều người ít

Tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 125 diễn ra ngày 10-4, các doanh nghiệp chỉ tiếp nhận được 280 hồ sơ xin việc trên tổng số nhu cầu tuyển dụng là 656 lao động. Con số này tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 124 diễn ra sáng 27-3 còn ít hơn với 159 hồ sơ xin việc trên tổng số nhu cầu tuyển dụng là 776 người của các doanh nghiệp. Số lượng hồ sơ thu về đã ít nhưng còn mang yếu tố ảo, bởi mỗi người đến tham gia sàn giao dịch việc làm thường cầm theo và nộp hồ sơ cho nhiều công ty khác nhau để rồi so sánh nơi nào có chế độ đãi ngộ, mức lương hấp dẫn hơn thì mới đưa ra chọn lựa.

Cụ thể, dù đã qua 4 lần sàn giao dịch việc làm được tổ chức từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhưng Công ty TNHH Việt Nam Wacoal (Khu công nghiệp Amata) với nhu cầu tuyển 500 công nhân chỉ nhận được chưa đến 100 hồ sơ ứng tuyển tại sàn; tuyển trực tiếp tại công ty lại càng có ít người đến nộp hồ sơ hơn.

Đầu năm 2017, Công ty TNHH Fashion Garments 2 (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) thông báo tuyển hơn 1 ngàn lao động. Qua 4 sàn giao dịch, đơn vị này vẫn còn thiếu 600 lao động, trong đó có 500 lao động phổ thông.

Nhưng dù tuyển được số ít công nhân thì các doanh nghiệp kể trên vẫn tốt hơn nhiều đơn vị phải ra về tay trắng ở mỗi sàn giao dịch việc làm. Như trường hợp của Công ty TNHH Virbac Việt Nam (sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), dù bộ phận tuyển dụng ngồi cả ngày nhưng không có ai đến nộp hồ sơ.

Còn với Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam (sản xuất, kinh doanh săm lốp xe, Khu công nghiệp Biên Hòa 1) tuyển dụng không giới hạn, nhưng qua những lần tham gia sàn giao dịch thì không có hoặc rất ít ứng viên mặn mà.

Ông Trương Phú Quốc, nhân viên tuyển dụng của công ty, người trực tiếp tham gia tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 125, cho hay người đến sàn giao dịch việc làm cũng khá đông nhưng công ty rất khó tuyển được lao động, đặc biệt là lao động phổ thông trực tiếp tham gia sản xuất.

* Nguyên nhân do đâu?

Năm 2017, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu cần nguồn lao động phổ thông tham gia trực tiếp sản xuất với 60 ngàn/79 ngàn lao động cần tuyển, số còn lại là lao động có trình độ đại học, cao đẳng, tốt nghiệp trung cấp nghề. Vậy nên dù người đến sàn giao dịch việc làm có đông, trong đó có khá nhiều sinh viên nhưng dường như dòng người tìm việc này không phải là điều doanh nghiệp cần.

ông Trương Phú Quốc chia sẻ: “Những năm trước đây, rất đông lao động phổ thông từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Tây tìm đến nộp hồ sơ xin việc và công ty có cơ hội sàng lọc để tìm người thích hợp, nhưng hơn 1 năm nay điều này đã không còn.

Chẳng những vậy, nhiều trường hợp lao động ở các tỉnh xa đang làm việc tại công ty cũng xin nghỉ việc do ở quê đã có nhiều doanh nghiệp được thành lập. Từ đó, họ chọn về quê làm cho gần cha mẹ, con cái, đỡ phần chi phí sinh hoạt hàng ngày”.

Chia sẻ với khó khăn mà các doanh nghiệp trong tỉnh đang gặp phải, ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho hay đơn vị này vẫn tập trung tuyên truyền và tổ chức các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai thực hiện định kỳ 2 lần/tháng để làm cầu nối giữa doanh nghiệp với người có nhu cầu về việc làm.

Ngoài tuyển dụng trực tiếp tại sàn, hàng ngày Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai còn tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thông tin tuyển dụng, hướng dẫn người có nhu cầu về việc làm nhận và hoàn thiện hồ sơ để nộp cho đơn vị tuyển dụng.

Trong năm 2017, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm ở các huyện, các khu công nghiệp tập trung để nhiều đối tượng được tham gia vào sàn giao dịch việc làm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cộng, từ phản ánh của các doanh nghiệp thì cái khó nhất hiện nay là việc đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Trong khi doanh nghiệp cần lao động tham gia sản xuất trực tiếp, lao động có tay nghề thì phần lớn người đến xin việc lại được đào tạo để làm công tác văn phòng, quản lý. Do đó, việc đào tạo và nhu cầu tuyển dụng khó gặp nhau, dẫn đến nghịch lý là sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi doanh nghiệp lại không đủ lao động tham gia sản xuất.

Văn  Truyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích