Áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 đang tăng dần với học sinh lớp 12. Học sinh không chỉ lo lắng về việc đậu tốt nghiệp mà còn phải chọn ngành nghề sao cho phù hợp.
Áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 đang tăng dần với học sinh lớp 12. Học sinh không chỉ lo lắng về việc đậu tốt nghiệp mà còn phải chọn ngành nghề sao cho phù hợp.
Học sinh lớp 12 tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2. Ảnh: C.NGHĨA |
Theo nhiều trường THPT, bước sang học kỳ II đã phải đón nhiều đoàn đến từ các trường đại học, cao đẳng đến xin tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, dù trước đó các em đã được tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức.
* Đừng để học sinh bối rối
Cân nhắc thông tin chọn nghề TS.Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta mỗi năm một tăng, đặc biệt ở nhóm thanh niên và có trình độ cao từ đại học trở lên. Học sinh cần cân nhắc, tránh bị động thông tin khi chọn ngành nghề. Chú trọng nghiên cứu, chọn lựa những nghề kỹ thuật mà thị trường đang thiếu và dự báo sẽ tiếp tục thiếu. |
Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Xuân Lộc cho biết, cuối học kỳ I nhà trường đã cho học sinh lớp 12 đi tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT, Báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Long Khánh, tuy nhiên sang học kỳ II lại tiếp tục có nhiều trường đại học, cao đẳng xin tới gặp học sinh lớp 12 tư vấn hướng nghiệp.
Việc tư vấn hướng nghiệp là cần thiết, nhưng quá “liều lượng” sẽ gây ảnh hưởng tới thời gian học tập của học sinh. Nhiều trường chủ yếu nói tốt, thông tin một chiều về các ngành nghề đào tạo của mình để thu hút học sinh đăng ký xét tuyển.
Giáo viên phụ trách hướng nghiệp của một trường THPT tại huyện Long Thành phản ánh, sang học kỳ II này, gần như tuần nào cũng có cán bộ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng tới “xin giờ” của học sinh lớp 12 để giới thiệu chương trình tuyển sinh. Cán bộ tuyển sinh tranh thủ xin gặp học sinh lớp 12 ở mọi thời điểm có thể, thậm chí tranh thủ 5 - 10 phút lúc chuyển tiết, lúc học sinh giải lao giữa giờ để giới thiệu các ngành nghề đào tạo.
“Chúng tôi e ngại việc học sinh sẽ bị phân tâm về ngành nghề mình đã chọn khi các trường tư vấn tuyển sinh chỉ cung cấp bức tranh sáng về các ngành nghề đào tạo, nhưng trong thực tế có thể các ngành nghề đó lại đang thừa lao động, sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp nhiều” - giáo viên này băn khoăn.
Do có quá nhiều trường đại học, cao đẳng muốn gặp riêng học sinh khối 12 để giới thiệu chương trình tuyển sinh nên nhiều trường đã phải hạn chế việc “tiếp đón” để không lãng phí thời gian của học sinh.
Một giáo viên của Trường THPT Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) cho hay: “Để học sinh lớp 12 tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, có lần chúng tôi buộc phải cử học sinh lớp 11 “đóng thế” ở một số chương trình tư vấn hướng nghiệp do các trường đại học tổ chức, dù đối tượng được mời là học sinh lớp 12. Thậm chí có trường đại học còn mời học sinh tham quan trường ngay trong ngày học bình thường”.
* Cần thông tin hai chiều
Ông Piter Wult, Cố vấn trưởng chương trình hỗ trợ nghề nghiệp của Đức tại Việt Nam, chia sẻ tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở Việt Nam thất nghiệp, hoặc tìm việc không đúng ngành nghề đào tạo khá phổ biến.
Điều này có nguyên nhân từ việc học sinh được tiếp cận thông tin về nhu cầu thị trường lao động không đầy đủ, một chiều, hoặc chạy theo tư duy phải có bằng đại học. Do đó, các trường THPT cần phải định hướng nghề nghiệp cho học sinh chuẩn xác, chú ý dự báo triển vọng nghề nghiệp. Cần giúp học sinh chọn những nghề phù hợp với bản thân, xã hội.
Ông Nguyễn Lê Nhật Thanh, cán bộ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nhà trường và gia đình cần sát cánh để cùng định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Cần tránh hiện tượng học sinh hiểu lầm nghề, chọn lầm nghề, học nghề không tương thích với sở trường, tính cách, năng lực của bản thân. Không nên quá phụ thuộc vào các thông tin ngành nghề của chính các trường tuyển sinh đưa ra, vì đó có thể là thông tin một chiều, không sát với thực tế.
Cô Phạm Thị Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), cho biết việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12 đã được nhà trường tiến hành từ rất sớm. Hiện tại, nhà trường đang tập trung thời gian cho học sinh lớp 12 hoàn thành sớm các môn học và ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Cô Hà cho biết thêm, nhà trường tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng giới thiệu ngành nghề đào tạo, nhưng hạn chế tới mức thấp nhất việc “lấy” thời gian của học sinh để thực hiện các buổi tư vấn tuyển sinh, hoặc chỉ giới thiệu một chiều về các ngành nghề đào tạo để tránh việc các em chọn nhầm ngành nghề dẫn tới những hậu quả xấu sau này.
Công Nghĩa