Những năm qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại nhiều cơ hội cho người dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình ngay chính mảnh đất quê hương.
Những năm qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại nhiều cơ hội cho người dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình ngay chính mảnh đất quê hương.
Ông Phạm Văn Thành (ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, huyện Định Quán) phát triển tốt đàn dê của gia đình. Ảnh: V.TRUYÊN |
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không phải ai học nghề cũng ứng dụng được kiến thức vào thực tế. Nghề đã học không phải lúc nào cũng phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng của người lao động.
* Lợi ích từ học nghề
Để giải quyết khó khăn đặt ra, theo lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của đào tạo nghề trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là cần xây dựng giáo trình đào tạo phù hợp, hiệu quả cho từng đối tượng lao động nông thôn, đồng thời phải đa dạng hóa nghề đào tạo cho lao động nông thôn theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất... |
Năm 2016, bà Nông Thị Tư (dân tộc Tày, ngụ xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) cùng 30 người trong xã được học lớp kỹ thuật trồng lúa nước dành cho lao động nông thôn do Trung tâm dạy nghề TX.Long Khánh tổ chức. Kiến thức có được từ lớp học đã giúp bà sản xuất có hiệu quả, tiết kiệm được chi phí đầu vào.
Bà Nông Thị Tư cho hay: “Trước đây với hơn 4 sào ruộng thuê để trồng lúa, một mùa tôi phải tốn đến 95kg giống. Nhưng sau khi được giáo viên trực tiếp hướng dẫn thực hành trên đồng, tôi chỉ cần sử dụng 80kg giống/mùa. Tôi cũng biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng thời điểm, nhu cầu sinh trưởng của cây lúa qua từng thời kỳ. Nhờ vậy, chi phí đầu vào giảm đáng kể nhưng năng suất lại tăng hơn so với trước đây. Vụ lúa đông - xuân 2017 vừa qua là lần thứ 3 liên tiếp tôi trúng mùa nhờ biết áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”.
Cũng nhờ có kiến thức từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà ông Phạm Văn Thành (ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, huyện Định Quán) đã phát triển tốt đàn dê của gia đình. Theo ông Thành, trước đây các bệnh: giun sán, tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi ở dê chỉ đến khi nào con vật phát bệnh thì người nuôi mới tìm cách trị, nhưng khi biết để cứu chữa thì đã là lúc dê bệnh nặng nên thiệt hại lớn. Từ khi học kiến thức, ông và gia đình biết cách phòng tránh bệnh cho vật nuôi ngay từ đầu, biết phát hiện dấu hiệu bệnh và dùng thuốc kịp thời nên dê ít bị chết. Ngoài ra, ông còn biết làm chuồng trại theo phương thức nuôi bán công nghiệp, tức là chuồng nuôi vừa có chỗ ăn ở, vừa có sân chơi để con vật có nơi hoạt động, tắm nắng giúp lưu thông máu huyết cơ thể, kích thích sức ăn, hạn chế bệnh cho vật nuôi.
Ông Điểu Rô (ngụ xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) cũng nhờ kiến thức từ lớp học kỹ thuật chăn nuôi dê mà đàn dê của ông phát triển mỗi ngày một tốt hơn. Ông Điểu Rô cho hay không chỉ dùng kiến thức học được cho riêng bản thân mà ông còn hỗ trợ, chia sẻ với đồng bào dân tộc thiểu số trong xã để nâng cao kiến thức chăn nuôi cho mọi người.
Trước năm 2016, cả 3 gia đình bà Tư, ông Thành, ông Rô đều là hộ nghèo của xã, nhưng nay gia đình bà Tư đã vươn lên hộ cận nghèo; gia đình ông Thành đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo của xã. Riêng gia đình ông Điểu Rô là một trong những hộ dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh trong phát triển kinh tế.
* Nhu cầu lớn chưa được đáp ứng
41.838 là số lao động được đào tạo nghề theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh từ năm 2011 đến nay. |
Bên cạnh những người thành công với nghề đã học, cũng còn không ít trường hợp không ứng dụng được kiến thức vào thực tiễn, hay những gì đã học không còn thích hợp với hoàn cảnh thực tế; hoặc người dân có nhu cầu được học thêm một nghề để phát huy lợi thế bên nghề đã học trước đây. Do vậy, họ rất muốn được học thêm nghề mới.
Trường hợp của bà Bùi Thị Nữ (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) là một ví dụ. Trước đây bà Nữ được học lớp kỹ thuật chăn nuôi gà. Học xong bà được hỗ trợ 100 con gà để chăn nuôi nhưng từ thời điểm đó đến nay giá gà thịt bấp bênh, con vật lại hay mắc bệnh nên bà Nữ không nuôi nữa vì sợ lỗ vốn. Bà Nữ cho biết: “Tôi đã chuyển sang bán thức ăn sáng và giải khát. Tôi rất mong được học thêm nghề nấu ăn, pha chế cho phù hợp”.
Theo đại diện phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thị, thành phố, mong muốn được học thêm nghề thứ 2 đang là nhu cầu rất lớn của người dân. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội TX.Long Khánh, cho biết theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách và chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cao nhất. Đối với những người đã được hỗ trợ học nghề một lần nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan, có đơn đăng ký học nghề lần 2 và được xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn gửi cơ quan thường trực cấp huyện xem xét, trình trưởng ban chỉ đạo đề án cấp huyện, thị xã quyết định tiếp tục hỗ trợ nghề lần 2.
Quy định là vậy, nhưng đối với lao động nông thôn căn cứ vào đâu để xác định họ mất việc làm, trong khi những trường hợp học nghề phần lớn là người khó khăn, chuyên “đụng đâu làm đó“ với bất cứ công việc làm thuê làm mướn gì, miễn có tiền mưu sinh. Do đó, mấy năm qua chưa có trường hợp nào được giải quyết học nghề lần 2.
Chính từ thực tế đó, theo đại diện các địa phương, trong năm 2017 toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.780 người là rất khó hoàn thành.
Văn Truyên