Qua 24 năm thực hiện, Luật BHYT đã nhiều lần được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, song trong quá trình triển khai luôn phát sinh những bất cập, những "nút thắt". Để BHYT tiếp tục phát huy tính nhân văn cao cả, để người bệnh được hưởng thành quả của một chính sách an sinh xã hội, những "nút thắt" này cần được sớm tháo gỡ.
[links()]Qua 24 năm thực hiện, Luật BHYT đã nhiều lần được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, song trong quá trình triển khai luôn phát sinh những bất cập, những “nút thắt”. Để BHYT tiếp tục phát huy tính nhân văn cao cả, để người bệnh được hưởng thành quả của một chính sách an sinh xã hội, những “nút thắt” này cần được sớm tháo gỡ.
* “Điểm mặt” những hạn chế, bất cập
Phải thừa nhận rằng, những năm qua, chính sách BHYT đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận dịch vụ y tế cũng như hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân. Qua đó, góp phần ổn định việc bảo đảm ngân sách hoạt động của các bệnh viện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe của bản thân.
BHYT đỡ đần phần lớn gánh nặng viện phí cho người bệnh (Ảnh: Một ca phẫu thuật thay khớp gối tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai) |
Dù đã được điều chỉnh, khám chữa bệnh bằng BHYT đã có những thay đổi đáng kể, song những bất cập, hạn chế vẫn còn tồn tại. Mới đây, ngày 3-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc, bàn về các giải pháp đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phải “nhận diện” được những tồn tại và bất cập mới tháo gỡ được.
“Theo lộ trình, đến năm 2020, Nhà nước sẽ không bao cấp về trang thiết bị/ khấu hao tài sản cố định, tiền lương gián tiếp và chi phí đào tạo, nghiên cứu… Những khoản này sẽ được tính đúng, tính đủ và viện phí vẫn tiếp tục tăng mạnh. Vì thế việc tuyên truyền người dân tham gia BHYT vừa là để bảo đảm chính sách an sinh xã hội, gánh đỡ gánh nặng chi phí điều trị cho người, vừa để tạo nguồn lực từ sự chia sẻ cộng đồng” -Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại hội nghị ngày 3-6 vừa qua |
Từ hội nghị trực tuyến, những hạn chế, bất cập đã được “điểm mặt”: Đó là, vì sao đối tượng tham gia BHYT đã mở rộng nhưng số người tham gia chưa nhiều, hiện cả nước tỷ lệ bao phủ là 77% và chủ yếu là diện bắt buộc; Nhiều quy định về quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn chưa rõ ràng; Thủ tục chuyển tuyến, thanh toán BHYT còn quá nhiêu khê; Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và mức đóng BHYT khi mở rộng phạm vi bao phủ và quyền lợi, ảnh hưởng đến sự an toàn của quỹ BHYT; Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới chưa được cải thiện, khiến tình trạng vượt tuyến gây quá tải ở tuyến trên; Công tác truyền thông về lợi ích của BHYT chưa được đẩy mạnh; Thủ tục mua BHYT hộ gia đình, người làm nghề tự do nhiều nơi vẫn áp dụng máy móc gây nản lòng người dân; Nhiều bệnh viện chưa công khai bảng giá, đối tượng áp dụng, thu thêm của người bệnh chi phí một số vật tư y tế mà cơ quan BHXH đã thanh toán…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó là do: Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát; Công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được chú trọng; Chưa quan tâm, đổi mới tác tuyên truyền, giải thích chế độ khám, chữa bệnh, thanh toán BHYT tại nơi khám bệnh; Chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ y tế tuyến dưới còn hạn chế; Chưa đồng bộ trong chính sách viện phí…
* Để người dân “mặm mà” với BHYT
Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người dân Đồng Nai đã nhiều lần phản ánh về việc khám chữa bệnh bằng BHYT. Ông Nguyễn Thành Tráng, một nhà giáo về hưu (ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) nói: “Nhà nước và các cơ quan chức năng phải đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết. Trong đó phải tạo điều kiện thuận lợi ngay từ người dân lập thủ tục mua thẻ đến thanh toán, chi trả. BHYT không chỉ xem người bệnh là “khách hàng”, mà phải là “khách hàng đặc biệt” vì sự chậm trễ, khó khăn, quan liêu trong thủ tục chuyển tuyến, thanh toán BHYT có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, đến quyết định tiếp tục hay bỏ dở điều trị của người dân… BHYT làm tốt, thấy được quyền lợi thiết thân, nhà nước khỏi kêu gọi, người dân cũng sẽ tự giác tham gia”.
Viện phí sẽ còn tăng, người dân không thể làm ngơ với BHYT (Ảnh: Một ca nội soi tại Bệnh viện nhi Đồng Nai) |
Để khắc phục những bất cập, những hạn chế nhằm sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, trước mắt phấn đấu tới năm 2020 có ít nhất 90% người dân có BHYT, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Theo Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cơ chế chính sách, chủ động mở rộng mạng lưới thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, cơ sở y tế, các trạm bưu điện… để người dân có thể mua BHYT tại bất cứ đâu. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục mua thẻ đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, cho phép các thành viên được tham gia ở các thời điểm khác nhau trong năm và có giảm trừ từ thành viên thứ hai.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng, người dân lâu nay kém mặn mà với BHYT còn là do chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến dưới còn hạn chế. Vì thế, nhiều người đi thẳng lên tuyến trên chấp nhận chi trả 100%. Ngoài ra, lộ trình tăng giá dịch vụ cũng cần thực hiện bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.
Còn theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, ngoài những giải pháp về mặt chuyên môn, thì rất cần đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, truyền thông về BHYT của các cơ quan báo chí; cán bộ BHYT cũng như chính quyền địa phương phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động sao cho thích hợp với từng nhóm đối tượng; tích cực giới thiệu gương tốt trong thực hiện BHYT, đồng thời phát hiện và phê phán những đơn vị và cá nhân vi phạm Luật BHYT.
Hiện BHXH Việt Nam cũng như BHXH tỉnh đang tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực bộ máy thực hiện BHYT; tăng cường đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác BHYT; sớm hoàn thiện chính sách BHYT theo xu hướng lấy người bệnh làm trung tâm.
Tuy nhiên, vấn đề tiên quyết, quyết định sự phát triển cũng như hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân sớm hay muộn, ngoài nỗ lực của ngành BHXH thì việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT và thực hành y đức đối với đội ngũ nhân viên ngành y tế là rất quan trọng. Có như vậy, người dân mới tin tưởng, đặt niềm tin khi tham gia BHYT.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Ngành y tế vẫn đang nỗ lực nâng cao chất lượng cũng như thực hành quy tắc ứng xử trong khám chữa bệnh, nhất là khám, chữa bệnh bằng BHYT. Tuy nhiên, hiện nay BHXH chi cho dịch vụ khám, chữa bệnh bằng BHYT còn hạn chế. Do đó, BHXH cần có chính sách nâng cao việc chi trả dịch vụ y tế, số lượng, chất lượng thuốc điều trị bệnh. Qua đó, góp phần cùng ngành y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhằm thu hút người dân tham gia BHYT”.
Phương Liễu