Dù đã có quy định kháng sinh là loại thuốc bán theo toa của bác sĩ, nhưng thực tế việc mua bán hiện nay khá dễ dàng. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện đã khiến tình trạng kháng thuốc kháng sinh rất phổ biến.
Dù đã có quy định kháng sinh là loại thuốc bán theo toa của bác sĩ, nhưng thực tế việc mua bán hiện nay khá dễ dàng. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện đã khiến tình trạng kháng thuốc kháng sinh rất phổ biến.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết nếu như 10 năm trước, các bệnh nhiễm khuẩn thông thường chỉ cần sử dụng kháng sinh thế hệ cũ là hết, trong khi đó hiện nay phải dùng kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền. Thậm chí, không ít bệnh nhân, trong đó có cả trẻ nhỏ còn kháng cả thuốc kháng sinh thế hệ mới. Điều này rất nguy hiểm vì rất khó tìm được kháng sinh để điều trị, nguy cơ tử vong rất cao.
* Hậu quả nặng nề
Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thường xuyên cấp cứu và điều trị cho nhiều ca bệnh nặng do kháng thuốc.
Bé Hoàng Thị Ngọc Bích bị viêm phổi nhưng do kháng nhiều thuốc kháng sinh nên phải điều trị tích cực tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: N.Thư |
Như trường hợp bé Hoàng Thị Ngọc Bích (9 tháng tuổi, ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) bị bệnh viêm phổi nhưng điều trị hơn 1 tháng nay chưa hết, vẫn còn đang phải thở máy. Nguyên nhân do bé Bích không đáp ứng được các thuốc kháng sinh thông thường, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng, gây suy hô hấp nặng. Theo người nhà bé Bích, nguyên nhân do khi mới sinh ra cơ thể bé yếu, thường xuyên đau bệnh nên mỗi khi bé bệnh lại cho điều trị kháng sinh dài ngày dẫn đến bé bị kháng thuốc kháng sinh.
Tình trạng kháng thuốc cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại đối với bệnh nhân lao, khi bệnh nhân lao kháng đa thuốc ngày càng phổ biến. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 5 - 6 ngàn bệnh nhân lao kháng đa thuốc, trong đó tỉnh Đồng Nai có từ 150-200 bệnh nhân. Nguyên nhân do bệnh nhân lao điều trị không đúng phác đồ, không đúng liều, không đúng thời gian, bỏ điều trị khiến thuốc không còn hiệu quả. Tác hại rõ rệt nhất chính là gieo rắc nguồn lây lao kháng đa thuốc trong cộng đồng; chi phí xã hội điều trị bệnh khá lớn, một ca điều trị lao kháng đa thuốc lên đến cả trăm triệu đồng, bệnh nhân còn chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc.
Hiện vẫn còn bệnh nhân bị lao không đến bệnh viện điều trị mà điều trị tại phòng khám tư nhân, điều trị không liên tục nên dẫn đến bệnh lao kháng thuốc, bệnh tình vừa nặng vừa tốn kém. Cụ thể, như trường hợp ông Nguyễn Thế Hùng ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) đã bấm bụng bỏ ra hơn 7 triệu đồng/tháng tiền khám và thuốc, nhưng do không điều trị liên tục nên bệnh vẫn không thuyên giảm, cơ thể ngày càng gầy còm, tức ngực, khó thở. Đến khi phát hiện bị lao kháng đa thuốc ông mới đến Bệnh viện phổi Đồng Nai điều trị thì mới biết chi phí điều trị lao kháng đa thuốc được miễn phí. Đến nay, bệnh tình của ông đã tiến triển, sức khỏe đang dần hồi phục.
* Siết chặt quản lý mua bán kháng sinh
Để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh, theo bác sĩ Phan Thanh Thủy, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trước hết người dân cần hiểu rõ tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Kháng sinh là con dao 2 lưỡi, nếu dùng đúng thì hết bệnh nhưng dùng không đúng sẽ làm bệnh nặng hơn và gặp nhiều tác dụng phụ, như: gây kháng thuốc, dị ứng, sốc thuốc, chậm phát triển ở trẻ... Vì vậy, khi trẻ bị bệnh cần được đưa đi khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ, toa thuốc của người khác vì không phải bệnh nào cũng cần dùng kháng sinh; mỗi lần bệnh là nhiễm một loại vi trùng khác nhau và cơ địa của mỗi người mỗi khác.
Quản lý và điều trị 91 ca bệnh lao kháng đa thuốc Theo thông tin từ Bệnh viện phổi Đồng Nai, hiện nay mỗi năm trong tỉnh có khoảng 3,5 ngàn bệnh lao các thể, trong đó có từ 150-200 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Hiện nay, bệnh viện đang quản lý và điều trị cho 91 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Thời gian điều trị bệnh lao kháng đa thuốc là 20 tháng, kéo dài hơn bệnh lao thông thường (khoảng 6 tháng). Mọi chi phí điều trị đều được miễn phí. |
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh, cần siết chặt việc quản lý mua bán thuốc, đặc biệt là các loại thuốc phải kê đơn như thuốc kháng sinh. Ngành y tế và các bệnh viện tăng cường kiểm tra đột xuất việc kê đơn, mua bán thuốc kháng sinh tại các bệnh viện và các nhà thuốc. Theo đó, cần có quy định chặt chẽ hơn về mua, bán thuốc; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm. Riêng đối với chương trình phòng, chống lao cần tăng cường phát hiện nguồn lây và điều trị triệt để cho người mắc bệnh; quản lý người bệnh một cách tốt nhất, không để bỏ trị; có chế độ đãi ngộ ưu đãi xứng đáng cho nhân viên làm công tác chống lao...
Ngoài ra, việc chỉ định đúng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cũng góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng kháng sinh nhiều, chữa không đúng bệnh, dẫn đến vi khuẩn lờn thuốc, kháng thuốc. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, việc truyền thông về sử dụng thuốc kháng sinh không chỉ thực hiện rộng rãi cho người dân mà còn tuyên truyền trong các cơ sở y tế, nhân viên y tế. Việc chỉ định kháng sinh đúng bệnh, đúng liều và tuyên truyền cho bệnh nhân uống thuốc đúng thời gian điều trị, không tự ý ngưng, thêm hay bớt thuốc cũng góp phần tránh được tình trạng kháng thuốc kháng sinh trong cộng đồng.
Đặng Ngọc