Thấu hiểu và chung tay xoa dịu những bất hạnh, khổ đau với nạn nhân da cam, những năm qua các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng xã hội đã luôn quan tâm sẻ chia, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Thấu hiểu và chung tay xoa dịu những bất hạnh, khổ đau với nạn nhân da cam, những năm qua các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng xã hội đã luôn quan tâm sẻ chia, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thế nhưng, vẫn còn nhiều nạn nhân và gia đình chưa thoát khỏi khó khăn, cần lắm những tấm lòng rộng mở.
Trao quà cho nạn nhân chất độc da cam ở huyện Định Quán. Ảnh: Thanh Danh |
Cụ Nguyễn Văn Tuyên (ngụ tại xã Gia Canh, huyện Định Quán), là cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Do bị phơi nhiễm chất độc da cam nên vợ chồng cụ Tuyên không có con. Ở tuổi 86, với thương tật trên người nay ốm mai đau, lẽ ra cụ Tuyên được an hưởng tuổi già, được cháu con chăm sóc, thì hàng ngày cụ phải vất vả chợ búa, giặt giũ cơm nước để chăm lo cho người vợ bị liệt nửa người. Dù được chính quyền địa phương, bà con xóm, ấp và Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện quan tâm, giúp đỡ nhưng không ai lại không xót xa mỗi khi nhìn cảnh người chồng nuôi vợ liệt nửa người trong căn nhà tình thương đã xuống cấp chưa đầy 20m2.
Dù hoàn cảnh sống của các nạn nhân da cam khó khăn là thế, nhưng phần lớn các nạn nhân còn tỉnh táo đều cố gắng vượt qua khó khăn. Và sự đồng hành, sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp và cộng đồng xã hội là động lực lớn để giúp các nạn nhân da cam và gia đình của họ có thêm các điều kiện về vật chất, tinh thần để tự tin tạo lập cuộc sống và vươn lên bằng chính sức mình.
Chị Ngô Thị Ngọc Ngọt (giữa) bằng nghị lực của mình đã tự đi xin được việc làm. |
Chị Ngô Thị Ngọc Ngọt (xã Phú Vinh, huyện Định Quán) chia sẻ khi sinh ra thì chị đã bị teo cả 2 chi dưới, phải ngồi xe lăn. Không coi đó là bất hạnh, bằng nghị lực của mình chị Ngọc đã tự đi xin được việc làm.
Còn chị Lê Thị Huyền Trân (xã Túc Trưng, huyện Định Quán) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 nạn nhân chất độc da cam, được tạo điều kiện cho vay 7 triệu đồng để làm vốn phát triển nghề may. Công việc này những người tàn tật cũng có thể làm được, nên tôi mới mở rộng ra để cho người cùng cảnh ngộ có việc làm”.
Các nạn nhân da cam vẫn cần lắm ở cộng đồng xã hội những tấm lòng nhân ái sẻ chia, những bàn tay rộng mở giúp đỡ, xoa dịu nỗi đau da cam.
Ông Dương Anh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Định Quán nói: “Trong 8 năm qua, Huyện hội đã quan tâm và chăm lo cho các nạn nhân qua các kênh: tặng quà, hỗ trợ vốn sản xuất, nhà ở với tổng trị giá là gần 7 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục chăm lo trên các lĩnh vực cho các nạn nhân, ra sức vận động các tổ chức đơn vị, cá nhân và các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ cho các nạn nhân để Hội làm tròn nhiệm vụ của mình”. |
Văn Tuấn - Thanh Danh