Với mong muốn làm phong phú thêm sân chơi cho trẻ em sau những ngày học vất vả, từ cuối năm 2015 cứ 2 tuần một lần vào ngày chủ nhật, Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) tổ chức chương trình Kids farm - nông trại tuổi thơ.
Với mong muốn làm phong phú thêm sân chơi cho trẻ em sau những ngày học vất vả, từ cuối năm 2015 cứ 2 tuần một lần vào ngày chủ nhật, Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) tổ chức chương trình Kids farm - nông trại tuổi thơ.
Các em thiếu nhi tham gia làm bánh bột lọc. |
Tham gia nông trại tuổi thơ, thiếu nhi sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế, tự tay trồng các loại rau, sử dụng các loại nông cụ, bắt cá bằng nơm, cho cá ăn, tưới hoa, làm các loại bánh dân dã, chinh phục các trò chơi vận động...
* Trải nghiệm thực tế
Ghé thăm Khu du lịch Bửu Long vào ngày chủ nhật cuối tuần, nơi đây dường như nhộn nhịp hơn mọi ngày với sự góp mặt của các em thiếu nhi và các bậc phụ huynh tham gia chương trình nông trại tuổi thơ. Khoảng 7 giờ 30, các em đã có mặt tại khuôn viên khu du lịch và tham gia một vài trò chơi tập thể để “làm quen” với nhau.
Chỉ sau vài trò chơi nho nhỏ, các em nhỏ từ 4-12 tuổi nhanh chóng nhập cuộc với nhiều trò chơi mà từ nhỏ tới giờ chỉ thấy trên tivi. Sau một khoảng thời gian ngắn tham quan và cho cá ăn tại hồ cá trong không gian xanh mát, các em thiếu nhi tiếp tục được hóa thân thành những người thợ làm bánh bột lọc nổi tiếng xứ Huế.
Anh Nguyễn Văn Tùng, nhân viên Khu du lịch Bửu Long, cho biết đối với các bậc phụ huynh bận rộn, không có thời gian tham gia nông trại tuổi thơ cùng các em thiếu nhi vẫn có thể đăng ký cho các em tham gia. Các nhân viên phụ trách sẽ đón bé tại cổng Khu du lịch Bửu Long và đồng hành với các bé tới cuối chương trình. Sau khi ăn trưa, phụ huynh đến đón các em về. |
Năm nay mới 4 tuổi nhưng em Phạm Viết Ngọc Hương Trinh (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) rất hào hứng với vai trò “thợ làm bánh”. Chị Trương Thị Ngọc Phượng, mẹ của em Hương Trinh, cho biết dịp cuối tuần vợ chồng chị thường đưa con gái đến các khu vui chơi ở TP.Hồ Chí Minh với mong muốn con mình dạn dĩ và có được nhiều kỹ năng sống để con tự tin bước vào đời. Mới đây, chị Ngọc Phượng biết đến nông trại tuổi thơ qua chia sẻ của bạn bè trên facebook và chị đã không ngần ngại đăng ký cho con tham gia. Chị thấy rất yên tâm vì từ nay TP.Biên Hòa đã có thêm sân chơi mới có những hoạt động phù hợp với lứa tuổi của con gái chị, và quan trọng hơn anh chị không phải thường xuyên đưa con đến khu vui chơi tại TP.Hồ Chí Minh.
Với các em sống ở thành thị, việc tát mương bắt cá có lẽ chỉ có trong những câu chuyện của bà, của mẹ, trong sách vở hay trên tivi. Song tham gia nông trại tuổi thơ, các em được tự mình xuống mương bắt cá bằng nơm. Mồ hôi nhễ nhại, quần áo, chân tay lấm lem bùn đất, em Đào Lê Thảo Nguyên (8 tuổi, ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa) thích thú chia sẻ, ngoài trò chơi thu hoạch trứng (mỗi người chơi phải vượt qua chướng ngại vật để thu hoạch trứng) có lẽ bắt cá là trò chơi thú vị nhất. ‘’Sau một buổi sáng trải nghiệm làm một nông dân, em rất thích vì em đã biết được nhiều điều mà trước nay em chỉ được biết qua sách vở”.
* Cần tiếp tục được duy trì
Nông trại tuổi thơ là mô hình không mới, nhất là đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi chương trình khởi động lần đầu tiên ở Đồng Nai đã thu hút được sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi. Từ đó tới nay, định kỳ một tháng 2 lần, chương trình lại được tổ chức và thu hút khoảng 70-80 em thiếu nhi tham gia. Anh Nguyễn Văn Tùng, nhân viên Khu du lịch Bửu Long, người chịu trách nhiệm chính chương trình nông trại tuổi thơ, cho hay tham gia chương trình các em thiếu nhi không chỉ được hòa mình với thiên nhiên mà còn được tự mình trồng rau, bắt cá, làm bánh, tìm hiểu các loại nguyên liệu, nông cụ và quy trình trồng các loại rau củ, thử sức với các trò chơi vận động.... Ngoài việc được bổ sung thêm kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng qua các hoạt động, quan trọng hơn khi đến với các hoạt động ngoài trời cũng là lúc các em tạm rời xa những thiết bị công nghệ, như: tivi, máy tính, Ipad, điện thoại - những thiết bị được các chuyên gia khuyến cáo là không tốt, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nếu như thời gian sử dụng quá nhiều.
Thiếu nhi vượt qua cầu treo để thu hoạch trứng. |
Sau gần một năm khởi động, nông trại tuổi thơ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh. Anh Nguyễn Hồng Thanh ở phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa) cho rằng chương trình rất hay, thiết thực, bổ ích với trẻ và cần tiếp tục duy trì và nhân rộng. Tuy nhiên, một số hoạt động của chương trình chưa thật sự phù hợp với độ tuổi của một số trẻ. Anh Thanh dẫn chứng, chẳng hạn như trò chơi thu hoạch trứng, các em thiếu nhi phải vượt qua một cây cầu treo, chui qua các vỏ xe ô tô, lấy trứng quay về và tiếp tục vượt qua những chướng ngại vật tương tự. Trò chơi này rất hay, nhưng không phù hợp với những trẻ 4-5 tuổi.
Theo anh Nguyễn Hồng Thanh, để nông trại tuổi thơ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi, khi nhận danh sách đăng ký, những người phụ trách chương trình cần phân loại các em thiếu nhi theo độ tuổi và bố trí những trò chơi, hoạt động phù hợp, tránh trường hợp một số trẻ tham gia nhưng chỉ đứng nhìn các anh chị lớn hơn chơi. Đồng thời, đã là chương trình nông trại thì cần phải bố trí nhiều hoạt động liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi để các em thiếu nhi được làm nông dân đúng nghĩa.
Nga Sơn