Sau thời gian sôi động, 1-2 năm trở lại đây hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã chững lại do không còn nhiều người có nhu cầu học.
Sau thời gian sôi động, 1-2 năm trở lại đây hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã chững lại do không còn nhiều người có nhu cầu học.
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, năm 2016 này toàn tỉnh đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề cho 4.500 lao động nông thôn, tuy nhiên, 5 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành được gần 20% chỉ tiêu của cả năm.
* Cạn nguồn tuyển sinh
Giám đốc Công ty cổ phần may mặc Đồng Phú Cường (Cụm công nghiệp Phú Cường, huyện Định Quán) Nguyễn Tấn Tài cho biết, công ty đang cần tuyển dụng 750 lao động đã qua đào tạo nghề may, hoặc chưa qua đào tạo sẽ được công ty đào tạo từ đầu. Tuy nhiên, việc tuyển sinh đào tạo khá khó khăn, do nguồn tuyển trên địa bàn huyện khan hiếm. Ngay cả Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán cũng đang gặp khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi nguồn tuyển sinh và đào tạo không đủ cung cấp cho doanh nghiệp.
Nghề may mặc dễ kiếm việc làm trong số các nghề đào tạo cho lao động nông thôn. Ảnh: C.NGHĨA |
Trong khi đó mới đây, Trung tâm dạy nghề huyện Xuân Lộc đã hoàn thành đào tạo nghề may công nghiệp trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 57 học viên trong 3 tháng. Cả 57 học viên sau khi tốt nghiệp đã được 2 doanh nghiệp may mặc và một doanh nghiệp sản xuất giày thể thao xuất khẩu tuyển dụng hết. Theo Trung tâm dạy nghề huyện Xuân Lộc, trước đây nguồn tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn khá dễ dàng, nhưng càng ngày nguồn tuyển càng “cạn”, trong khi nhu cầu tiếp nhận học viên sau đào tạo của doanh nghiệp lại tăng cao.
Với hoạt động của xí nghiệp may thuộc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai tại cụm công nghiệp Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất đã không còn phải lo học viên nghề may theo chương trình đào tạo nghề lao động nông thôn tốt nghiệp bị thất nghiệp. Học viên nghề may công nghiệp ngày càng “có giá”, do nguồn tuyển sinh đào tạo khan hiếm, trong khi doanh nghiệp lại rất cần, nhất là học viên đã được qua đào tạo cơ bản. Thậm chí chưa đào tạo xong doanh nghiệp đã đăng ký tuyển hết. Từ đầu năm tới nay, trung tâm đã đào tạo được 4 khóa lao động nông thôn về ngành may công nghiệp với 120 học viên, những học viên này đều có thu nhập khá từ
5-7 triệu đồng/tháng.
* Nhiều chế độ ưu đãi
Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung cho biết từ năm 2010 tới năm 2012, mỗi năm toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn được từ 10-12 ngàn học viên ở nhiều ngành nghề khác nhau, như: may công nghiệp, nấu ăn, cắm hoa, lái xe… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều bất cập, lãng phí, hiệu quả chưa như mong muốn. Chính vì vậy 1-2 năm trở lại đây việc đào tạo nghề đã không còn “chạy” theo phong trào, chạy theo số lượng. Hiện chỉ còn duy trì lại một số nghề như: may công nghiệp, cơ khí, hướng dẫn chăn nuôi.
Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay tới năm 2020 có nhiều thay đổi, theo hướng chọn nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, đặc biệt, nhiều chế độ hỗ trợ người học được nâng lên rất đáng kể. Vấn đề còn lại của đề án là tập trung đào tạo sao cho có chất lượng, đáp ứng được khả năng nâng cao tay nghề, nâng thu nhập. |
Nếu như trước đây mỗi năm toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo được từ 10-12 ngàn học viên theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thì năm 2015 giảm xuống còn 5.500 chỉ tiêu, năm 2016 chỉ còn 4.500 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm mới chỉ tuyển sinh đào tạo được 850 người, chiếm gần 20% chỉ tiêu của cả năm. Lý giải về chỉ tiêu đào tạo mỗi năm một giảm xuống, ông Mao Quốc Trung, cho biết: “Thanh niên ở nông thôn bây giờ còn rất ít, chủ yếu lên thành phố kiếm việc, hoặc không cần phải học nghề vẫn tìm được việc. Mặt khác, nhiều nghề trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn không hẳn đã là lựa chọn tốt nhất với người khu vực nông thôn”.
Theo Quyết định số 1418 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của UBND tỉnh mới ban hành, từ nay tới năm 2020, mỗi năm có khoảng 4 ngàn người được đào tạo nghề. Có nhiều đối tượng tiếp tục được ưu tiên đào tạo, gồm: người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, hộ nghèo và cận nghèo... Nhiều chính sách hỗ trợ học nghề được nâng lên, cụ thể: người khuyết tật được hỗ trợ 6 triệu đồng/khóa học, người dân tộc thiểu số, người có công với các mạng, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 3 triệu đồng, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 2,5 triệu đồng, các đối tượng khác được hỗ trợ thấp nhất là 2 triệu đồng. Ngoài ra, người học còn được nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 20 ngàn đồng/ngày thực học lên 30 ngàn đồng.
Công Nghĩa