Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thoi thóp" vì bảo hiểm y tế

09:04, 05/04/2016

Bệnh viện vắng tanh, bác sĩ, nhân viên y tế ngồi chơi, nguồn thu giảm mạnh, thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên y tế bị cắt giảm, tâm trạng bác sĩ, nhân viên y tế chán chường...

Bệnh viện vắng tanh, bác sĩ, nhân viên y tế ngồi chơi, nguồn thu giảm mạnh, thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên y tế bị cắt giảm, tâm trạng bác sĩ, nhân viên y tế chán chường...

 Vào các buổi chiều,Bệnh viện da liễu Đồng Nai chỉ có vài ba bệnh nhân đến khám bệnh.  Ảnh: N.Thư
Vào các buổi chiều,Bệnh viện da liễu Đồng Nai chỉ có vài ba bệnh nhân đến khám bệnh. Ảnh: N.Thư

Đó là tình cảnh chung của 2 bệnh viên chuyên khoa là Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai và Bệnh viện da liễu Đồng Nai sau 3 tháng thực hiện quy định mới chuyển từ bệnh viện hạng 3 (tương đương tuyến huyện) thành bệnh viện tuyến tỉnh, không còn được khám bảo hiểm y tế (BHYT) trái tuyến.  

* Bệnh nhân thiệt thòi

Điều đáng nói ở đây, không chỉ cán bộ, nhân viên y tế của 2 bệnh viện này mà ngay cả bệnh nhân điều trị lâu năm tại đây cũng bị “sốc” vì quy định mới tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT.
Ông Phạm Văn Đông ở KP.6, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây dù có thẻ BHYT đăng ký khám ban đầu tại một bệnh viện lớn của tỉnh, nhưng ông vẫn chấp nhận đến Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai để tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng vận động cho chân trái sau phẫu thuật do tai nạn giao thông. Khám trái tuyến, mức đồng chi trả có nhỉnh hơn nhưng ông vẫn hài lòng vì được chữa trị chuyên khoa và bằng thuốc Đông y đỡ có tác dụng phụ. Đùng một cái, quy định mới không cho khám trái tuyến, muốn đến bệnh viện khám phải chi trả 100% nên bệnh nhân phải cân nhắc, còn xin chuyển tuyến thì rất vất vả.

Bệnh nhân khám ngoại trú giảm đáng kể
Từ đầu năm 2016 đến nay, số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú của 2 bệnh viện: Bệnh viện y dược cổ truyền và Bệnh viện da liễu Đồng Nai giảm đáng kể, giảm từ 50- 60% . Cụ thể, tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, tổng số bệnh nhân đến khám ngoại trú mỗi ngày chỉ còn khoảng 150 người (giảm 150-200 người/ngày so với trước ngày 1-1-2016); tại Bệnh viện da liễu Đồng Nai cả tuần mới có 900 bệnh nhân đến khám (giảm 500-600 bệnh nhân/tuần so với trước đây).

Trong 3 tháng triển khai quy định mới, rất nhiều bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai và Bệnh viện da liễu Đồng Nai đã “nuối tiếc” bỏ về khi biết bệnh viện không được khám trái tuyến BHYT và bệnh nhân phải chi trả 100%. Giám đốc Bệnh viện da liễu Đồng Nai Nguyễn Thị Thái Hà cho biết đa phần bệnh nhân đến chữa bệnh về da như: trứng cá, nấm... Đây là những bệnh phải điều trị dài ngày, ít nhất là 3 tháng, mỗi toa thuốc tốn từ 300-400 ngàn/đợt/10 ngày (nếu không được BHYT thanh toán). Số tiền chữa trị này không phải nhỏ đối với học sinh, công nhân từ khi có quy định không cho khám trái tuyến. Do đó, rất nhiều người đã bỏ dở việc điều trị tại bệnh viện.   

* Khó duy trì hoạt động

Trước ngày 1-1-2016, số lượng bệnh nhân chủ yếu của 2 bệnh viện chuyên khoa nói trên vẫn là bệnh nhân khám BHYT ngoại trú trái tuyến. Riêng Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai tuy đủ điều kiện đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu nhưng số lượng thẻ rất hạn chế (khoảng trên 1,6 ngàn thẻ, đa số có bệnh mãn tính), do tâm lý người dân muốn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa, trong khi bệnh viện này có khả năng phục vụ hơn 10 ngàn bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thái Hà lo lắng, hiện nay mức giá viện phí của người chưa có thẻ BHYT còn thấp hơn người có thẻ BHYT nên người dân còn chịu tới đây khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, sắp tới tỉnh sẽ điều chỉnh tăng giá viện phí đối với người chưa có thẻ BHYT và từ ngày 1-7 thực hiện thu giá dịch vụ kỹ thuật, gồm: chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương thì các bệnh viện sẽ không được Nhà nước cấp lương, phải thực hiện theo cơ chế tự chủ, trong khi bệnh viện không có nguồn thu thì rất khó duy trì hoạt động.

Đề nghị cho bệnh viện chuyên khoa được thông tuyến
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, trước những bất cập trong Thông tư 40, Sở Y tế đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét cho phép Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai và Bệnh viện da liễu Đồng Nai thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, Sở Y tế cũng gửi văn bản đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để có ý kiến về vấn đề này với Quốc hội để sửa đổi quy định cho phù hợp với thực tiễn.

 “Mấy tháng nay, cán bộ, nhân viên bệnh viện nản lắm. Bệnh viện vắng tanh, có nhiều hôm bác sĩ và nhân viên bệnh viện còn nhiều hơn bệnh nhân, nhân lực thì ngồi chơi nên chúng tôi rất lo. Nếu quy định của Thông tư 40 không được điều chỉnh thì các bệnh viện chuyên khoa chắc phải đóng cửa” - bác sĩ Hà chia sẻ.  

Nhân viên y tế Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai ngồi chờ bệnh nhân.
Nhân viên y tế Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai ngồi chờ bệnh nhân.

Tương tự, bác sĩ Phạm Văn Long, Giám đốc Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, cũng không khỏi băn khoăn: “Chủ trương của Đảng và Nhà nước là khuyến khích ngành y dược cổ truyền Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 40 đã là rào cản, làm chậm sự phát triển của ngành y dược cổ truyền”.

 

Ngọc Thư
 

 




 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích