Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các công ty trong và ngoài khu công nghiệp khiến cả trăm công nhân phải nhập viện cấp cứu.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các công ty trong và ngoài khu công nghiệp khiến cả trăm công nhân phải nhập viện cấp cứu.
Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm là các bữa ăn đều có giá rẻ, nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo chất lượng, cách chế biến không đảm bảo vệ sinh khiến thực phẩm nhiễm vi sinh.
* Nguy cơ ngộ độc cao
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), nhấn mạnh rau, thịt là sản phẩm nếu không bảo quản tốt sẽ rất dễ vấy nhiễm vi sinh. Nếu mua trúng loại thịt “bẩn”, ngay cả chế biến xong, không bảo quản tốt cũng sẽ bị nhiễm vi sinh trở lại, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
Công nhân một doanh nghiệp trên địa bàn TP.Biên Hòa cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai do bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Đ.Ngọc |
Thực tế hiện nay, việc kiểm soát các loại thịt chỉ mới dừng lại ở kiểm soát dịch bệnh tại các chợ đầu mối hoặc các chợ lớn của thành phố, huyện, thị xã. Riêng kiểm soát chất lượng thịt bày bán trên sạp có chứa chất cấm trong chăn nuôi như chất tạo nạc hay có tồn dư kháng sinh hay không thì vẫn chưa thực hiện được. Tại các chợ tự phát, việc kiểm soát dịch bệnh cũng như chất lượng thịt vẫn là một bài toán khó. Điều đáng lo ngại nhất là nguồn gốc và chất lượng của các loại rau, củ ở các chợ hiện vẫn chưa quản lý được.
Trong khi đó, theo bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết hiện nay bệnh ung thư ngày càng tăng nhiều, trong đó có ung thư về đường tiêu hóa như: ung thư hóc miệng, dạ dày, thực quản, đại tràng... Những thực phẩm có nguy cơ ung thư cao, như: mỡ động vật; thức ăn chiên cháy, sử dụng dầu chiên đi chiên lại, thức ăn nhuộm màu, nấm mốc, hun khói; thức ăn có nhiễm chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...
* Ngăn chặn thực phẩm bẩn
Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh, trong đó có việc tăng cường kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với việc phát hiện hàng chục mẫu dương tính với chất tạo nạo Salbutamol vào năm 2015. Riêng 3 tháng đầu năm 2016, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai đã kiểm tra 80 trang trại, phát hiện 2 mẫu dương tính với chất tạo nạc Salbutamol, giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện nay có nhiều điểm bán măng tươi ngâm trong các thau nước vàng sẫm khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Một điểm bán măng tươi ở TP.Biên Hòa. |
Hôm nay, ngày 14-4, Ban Chỉ đạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Mục tiêu của tháng hành động nhằm giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. |
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Đồng Nai cũng tiến hành kiểm tra việc sản xuất rau, củ ở một số hộ trong tỉnh. Kết quả, vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng đạm ở rau chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Đồng Nai, cho biết khó khăn trong công tác kiểm tra hiện nay chính là việc sàng lọc các loại thuốc bảo vệ thực vật mà người dân sử dụng vì hiện có 4-5 ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật, khó mà biết hết được để sàng lọc. Mặt khác, hiện nay chưa có chế tài xử phạt đối với người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hầu hết các trường hợp sau khi kiểm tra mẫu thấy có vi phạm thì gửi thông báo về địa phương, còn việc xử lý ra sao thì không rõ.
Một sạp thịt heo được bày bán vào buổi chiều ở khu vực chợ tự phát gần Cây xăng 26 trên đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa. |
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, trong thời gian tới, để ngăn chặn thực phẩm bẩn, ngoài tăng cường thanh tra, kiểm tra các hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, chi cục sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, giáo dục người dân về tác hại của chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là quy định mới từ ngày 1-7-2016, sẽ xử lý hình sự các hành vi: sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi...
Ngọc Thư