Kết thúc học kỳ I năm học 2015-2016, toàn tỉnh còn một trường học vẫn phải dạy, học ca ba. Đó là Trường tiểu học Tam Phước 2 (ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa).
Kết thúc học kỳ I năm học 2015-2016, toàn tỉnh còn một trường học vẫn phải dạy, học ca ba. Đó là Trường tiểu học Tam Phước 2 (ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa).
Ngoài nguyên nhân sâu xa là học sinh tăng quá nhanh dẫn đến thiếu phòng học, còn một nguyên nhân nữa là do nhà trường chưa thể mượn được bất kỳ cơ sở, phòng học nào để san bớt học sinh.
* Học giữa trưa
Cô Trần Thị Tám, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Phước 2, cho biết: “Từ đầu năm học, lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đã xuống trường, khảo sát các nhà văn hóa trong khu vực để đặt vấn đề mượn, thuê phòng cho học sinh học, tránh tình trạng ca ba nhưng đến nay trường vẫn chưa mượn, thuê được cơ sở nào. Cả giáo viên, học sinh, phụ huynh đều buồn nhưng trường không còn cách nào khác”.
Cảnh phụ huynh đưa đón con lúc giao ca sáng, trưa ở Trường tiểu học Tam Phước 2 (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa). |
10 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Loan có con học lớp 3/3 phải đóng cửa hàng, gác chuyện buôn bán để đưa cậu con trai đến trường học bắt đầu buổi học từ 10 giờ 20 đến 13 giờ 35. Chị Loan cho biết: “Từ ngày học ca trưa, mọi giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống của cháu đều bị xáo trộn. Bình thường, 6 giờ sáng tôi đã gọi cháu dậy, nhưng hiện nay vì phải học vào giờ quá tréo ngoe nên tôi để cháu ngủ “nướng” đến hơn 8 giờ. Cháu ăn sáng lúc 9 giờ, uống hộp sữa rồi đi học và ăn cơm trưa lúc đầu giờ chiều”.
Cũng vì nhịp sinh học thay đổi mà cậu bé 8 tuổi con chị Loan và bạn bè thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ, khó tiếp thu bài vở. “Lúc giao ca giữa ca sáng với ca trưa, ca trưa với ca chiều, học sinh ra vào nhốn nháo gây ồn ào khiến nhiều học sinh không thể tập trung.
* Khó bố trí học sinh
Năm học này, Trường tiểu học Tam Phước 2 có hơn 2,8 ngàn học sinh, tăng hơn 400 em so với năm học trước. Ngoài 81 học sinh học ở điểm phụ (ấp Long Đức 2), còn lại đều học tại điểm chính (ấp Long Đức 1). Ở điểm trường chính hiện có 22 phòng học gồm 12 phòng học kiên cố và 10 phòng học cấp 4. Do tổng số lớp học lên tới 54 nên có 10 lớp khối ba với gần 500 học sinh phải học vào ca trưa. Đây là lần đầu tiên trong gần 30 năm qua nhà trường xảy ra tình trạng này.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh về công tác quản lý, thực hiện các điều kiện đảm bảo thể chất và chất lượng giáo dục đối với bậc học mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố mới đây, ông Đỗ Văn Cang, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, bày tỏ: trước tình trạng dạy, học ca ba như hiện nay, ngành rất lo lắng cho tình hình sức khỏe của học sinh. Lớp học đông, sân trường hẹp không đủ chỗ chơi, không có nơi để tổ chức các môn học phát triển thể chất cho học sinh. Nếu điều kiện cơ sở vật chất tiếp tục như thế này thì TP.Biên Hòa rất dễ tụt hậu so với các địa phương khác. |
Điều đáng lo ngại trong thời điểm hiện tại của Trường tiểu học Tam Phước 2 là nếu xây trường mới thì hiện ở địa phương chưa có quỹ đất sạch. Nếu thuê cơ sở để dạy, học thì số tiền thuê cơ sở phải vận động phụ huynh đóng góp vì nhà trường không có nguồn nào để trả, mà như vậy thì sẽ gây khó khăn cho phụ huynh. Đó là chưa kể nếu thuê được thì phải tu sửa lại phòng, kê lại bàn ghế mới có thể dạy, học được.
Theo kế hoạch, đến đầu tháng 3-2016 thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, Trường tiểu học Tam Phước 2 phải đập bỏ 10 phòng học cấp 4 để xây mới 18 phòng học kiên cố. “Nhà trường chưa biết phải bố trí học sinh như thế nào. Nếu đập cả 10 phòng học cùng lúc thì ít nhất có 30 lớp sẽ phải di dời, không có chỗ học. Thời gian xây dựng cũng mất gần cả năm. Đây là bài toán rất nan giải đối với nhà trường khi ca ba còn chưa giải quyết xong. Nếu không thể xây trường mới, chỉ còn một cách là xây thêm tầng, xây thêm lớp ở khu phòng học cũ hiện hành mới mong giải quyết được vấn đề ca ba” - cô Tám bày tỏ.
Vui buồn học nhờ Cách đây hơn 2 tháng, học sinh 27 lớp của Trường tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã có chỗ học sau một thời gian dài phải học ca ba. Vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung của phụ huynh, học sinh, giáo viên nhà trường. Tuy vậy, nếu học sinh 7 lớp học nhờ ở Trường tiểu học Hà Huy Giáp và tận dụng học ở 2 phòng thư viện, thiết bị của Trường tiểu học Trảng Dài được học thể dục dưới sân trường và tham gia các hoạt động ngoại khóa chung cùng với những học sinh khác, thì 20 lớp học nhờ ở Trường đại học công nghệ Đồng Nai lại không có được may mắn đó. Cô Đoàn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài, cho hay mọi hoạt động ở cả 27 lớp học nhờ, học tạm đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, do 10 phòng học nhờ ở Trường đại học công nghệ Đồng Nai đều ở trên tầng 3 nên vào giờ ra chơi, học sinh rất khó khăn trong việc di chuyển xuống sân trường. Sự hiếu động của trẻ khi di chuyển cũng gây ồn ào, ảnh hưởng đến việc học của sinh viên trường đại học. Do đó vào giờ ra chơi, học sinh của 20 lớp học tạm không được vui chơi ở sân trường, chỉ quẩn quanh ở hành lang và trong lớp học. Cũng vì đi lên, đi xuống mất thời gian, lại không có sân bãi để tập thể dục nên giờ học thể dục của 20 lớp này đều phải học ở trên lớp. Trên tầng 3 cũng không có nhà vệ sinh nên khi có nhu cầu, các em đều phải di chuyển xuống tầng trệt mới có thể đi vệ sinh. Những hoạt động chung, như: múa hát sân trường, sinh hoạt ngoại khóa... các em đều không thể tham gia. Đối với giáo viên dạy 20 lớp này do không có phòng giáo viên riêng, giáo viên cũng không có tủ đựng đồ để đồ dùng dạy học, nên các giáo viên xin nhà trường để bộ bàn ghế ở hành lang lên xuống để nghỉ ngơi sau tiết dạy, chờ đến giờ lên lớp. |
Hạnh Dung