Dù ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ được thuốc lá. Cho đến khi phát hiện ra mình bị ung thư phổi vì thuốc lá thì đã muộn màng...
Dù ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ được thuốc lá. Cho đến khi phát hiện ra mình bị ung thư phổi vì thuốc lá thì đã muộn màng...
Nằm điều trị ung thư phổi tại Khoa y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ông Phạm Xuân H., 58 tuổi, ở xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) chia sẻ ông thực sự hối hận vì đã hút thuốc lá suốt 20 năm qua. Đến nay, khi cuộc sống đã vượt qua khó khăn để nghỉ ngơi tuổi già, vui vẻ bên con cháu thì sức khỏe của ông ngày càng yếu đi vì phải đương đầu với căn bệnh ung thư phổi quái ác.
* Hối hận muộn màng!
Ông H. cho biết cách đây 2 tháng, ông liên tục bị khó thở, tức ngực, ho nhiều. Đến khi đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thì phát hiện bị tràn dịch, có khối u ác thứ phát trong phổi. Ông H. nói ông đã nỗ lực bỏ hút thuốc lá được 5 năm nay nhưng không ngờ vẫn không thoát khỏi căn bệnh ung thư phổi. Cảm giác cai nghiện thuốc lá cực kỳ khó khăn nhưng không bằng một phần đau đớn do bệnh tật mà ông đang phải gánh chịu. Đến lúc này ông mới thấm thía được sự phung phí sức khỏe theo từng điếu thuốc.
Điều dưỡng Khoa y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chăm sóc cho một bệnh nhân bị ung thư phổi. Ảnh: Đặng Ngọc |
Đau đớn, vật vã sau hơn 10 lần vô hóa chất điều trị ung thư phổi, ông Phạm Văn S. ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) cũng tỏ ra hối hận vì đã có hơn 2 năm hút thuốc lá. Hơn 2 năm nay, ông sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cơ thể thường xuyên mệt mỏi vì những cơn đau hành hạ, sau mỗi lần vô hóa chất về nhà đỡ đau, nhưng khi đang vào hóa chất, cơ thể vật vã, đau đớn, không ăn uống được gì. Đó là chưa kể chi phí đi lại, ăn uống, điều trị tại bệnh viện là không nhỏ.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa y học hạt nhân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi, trong đó hút thuốc lá có nguy cơ cao nhất. Nếu hút thuốc lá càng sớm, càng nhiều thì nguy cơ mắc phải căn bệnh ung thư phổi càng cao, càng nghiêm trọng. Những người hút thuốc lá thụ động khi tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. |
Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, số bệnh nhân nữ bị ung thư phổi gần đây cũng tăng cao. Nguyên nhân được các bác sĩ điều trị cho rằng, do bị ảnh hưởng từ việc hút thuốc lá thụ động, hít khói thuốc do người khác hút vào. Như bà Hồng T.N. ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) bị ung thư phổi di căn lên não khiến bà thường xuyên bị chóng mặt, buồn nôn, ho kéo dài. Bà N. nói bà bán quán nước hơn 10 năm nay và ngày nào cũng hít phải khói thuốc của khách hàng đến uống nước tại quán, nhưng không ngờ được có hại cho sức khỏe đến như vậy.
* Phát hiện bệnh thường rất trễ
Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa y học hạt nhân Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay, ung thư phổi đứng thứ 2 trong những căn bệnh ung thư đối với nam, chỉ sau ung thư gan. Đặc biệt, những năm qua tỷ lệ nữ giới mắc ung thư phổi cũng tăng lên. Điều này đặt ra một vấn đề có thể nguyên nhân do ảnh hưởng của hút thuốc lá thụ động.
Trong 9 tháng của năm 2015, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai điều trị cho gần 400 bệnh nhân ung thư phổi, trong đó có 2/3 bệnh nhân bị ung thư phổi đến điều trị tại khoa y học hạt nhân trong giai đoạn trễ (giai đoạn 3, 4). |
Cũng theo bác sĩ Bình, phần lớn bệnh nhân bị ung thư phổi đến điều trị tại khoa y học hạt nhân trong giai đoạn trễ (giai đoạn 3, 4), bướu đã phát triển to, phổi đã bị tràn dịch hoặc đã di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể như: não, gan... Bởi, riêng đối với bệnh ung thư phổi, trong giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2), thông thường không gây triệu chứng nên rất khó phát hiện, nếu chỉ chụp X.quang cũng không phát hiện ra. Đến khi bệnh nhân ho kéo dài, khạc ra máu, khó thở thì lúc đó bệnh đã tiến triển nặng.
Về phương pháp điều trị ung thư phổi, bác sĩ Bình khuyến cáo người có nhiều năm hút thuốc lá nên đi tầm soát bệnh ung thư phổi bằng chụp CT scanner và MRI để phát hiện sớm ung thư phổi thì mới phẫu thuật cắt khối u và xạ trị ngăn ngừa di căn sang các bộ phận khác. Tuy nhiên, việc tầm soát này có chi phí đắt nên nhiều người không chú trọng. Khi đến giai đoạn trễ, phương pháp điều trị chủ yếu là hóa trị để kéo dài thời gian sống. Vào giai đoạn trễ phải phối hợp rất nhiều phương pháp điều trị nên rất tốn kém, trong khi đó đa phần bệnh nhân ung thư phổi có hoàn cảnh rất khó khăn.
Đặng Ngọc