Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảng dạy kỹ năng sống: Cần nội dung phù hợp

11:12, 20/12/2015

Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, Trường đại học Đồng Nai đã phối hợp với Sở GD-ĐT để thực hiện tổ chức giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh các cấp theo đúng trình tự, quy định của Bộ GD-ĐT...

“Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, Trường đại học Đồng Nai đã phối hợp với Sở GD-ĐT để thực hiện tổ chức giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh các cấp theo đúng trình tự, quy định của Bộ GD-ĐT. Việc tổ chức giảng dạy của Trường đại học Đồng Nai được thực hiện theo phương thức nhà trường tổ chức ký hợp đồng giảng dạy kỹ năng sống với các cơ sở giáo dục, trên cơ sở học sinh đăng ký học (tự nguyện)”.

Một lớp dạy, học bơi trong nhà trường của Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn, TP.Biên Hòa.
Một lớp dạy, học bơi trong nhà trường của Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn, TP.Biên Hòa.

Đó là giải trình của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII mới đây về việc ban hành quy định tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua trước thắc mắc của dư luận về vấn đề này.

HỌC THEO TINH THẦN TỰ NGUYỆN

Tháng 2-2015, UBND tỉnh có văn bản gửi Sở GD-ĐT và Trường đại học Đồng Nai chấp thuận cho Trường đại học Đồng Nai liên kết với Công ty giáo dục POKI Á Châu đào tạo giáo viên giảng dạy kỹ năng sống và dạy kỹ năng sống cho học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Sau đó, Trường đại học Đồng Nai đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành bồi dưỡng về giảng dạy kỹ năng sống cho hơn 13,1 ngàn giáo viên từ mầm non đến THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh. Những giáo viên đã hoàn thành khóa học này sẽ về lại đơn vị giáo dục mình công tác giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh trong trường. Trong dịp hè 2015, toàn tỉnh có hơn 1,8 ngàn học sinh đã tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống và hiện có hơn 2 ngàn em đang tham gia học kỹ năng sống trong trường học.

Mức thu học phí đối với học sinh các trường tại TP.Biên Hòa là 320 ngàn đồng/khóa học 80 tiết (xen kẽ vào chương trình học chính (40 tiết lý thuyết và 40 tiết thực hành); tại các huyện, TX.Long Khánh là 240 ngàn đồng/khóa học. Học sinh hoàn thành khóa học sẽ được cấp giấy chứng nhận của Trường đại học Đồng Nai. Theo giải trình của Trường đại học Đồng Nai, mức học phí này sẽ dùng để chi các khoản, gồm: tiền dạy cho giáo viên; bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm; tiền cơ sở vật chất, Công đoàn; cơ sở tư cách pháp nhân và cấp chứng chỉ; tiền tổ chức, quản lý, ban giám hiệu, phòng GD-ĐT và công tác phí, văn phòng phẩm.

Trước chủ trương trên, ngoài một số địa phương, như: huyện Trảng Bom, huyện Cẩm Mỹ, huyện Định Quán, một số trường THPT đã có học sinh tham gia học kỹ năng sống đồng loạt trong nhà trường, còn một số địa phương khác lại không mấy “mặn mà” với hình thức dạy, học này.

Một cán bộ phụ trách phòng công tác học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT) cho rằng, việc lấy giáo viên của các đơn vị, trường học đi đào tạo rồi đưa những giáo viên đó về lại đơn vị của mình giảng dạy e rằng sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi. Ở lứa tuổi học sinh phổ thông, các em cần những chuyên gia am hiểu sâu về tâm lý, kỹ năng sống để giãi bày, tâm sự, chia sẻ hơn là chỉ học những bài giáo dục kỹ năng trong sách vở do thầy cô giáo dạy các môn học khác kiêm nhiệm.

Thầy Trần Như Hoành, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Cẩm Mỹ, thì chia sẻ: “Trước khi có chương trình giáo dục kỹ năng sống do Trường đại học Đồng Nai chủ trì, các trường học ở huyện Cẩm Mỹ cũng đã thường xuyên lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở những tiết sinh hoạt ngoại khóa. Với mức thu học phí 240 ngàn đồng/học sinh/khóa đối với học sinh vùng sâu, vùng xa như huyện Cẩm Mỹ khiến gia đình nhiều học sinh gặp rất nhiều khó khăn”.

NHIỀU NỘI DUNG CHƯA PHÙ HỢP

Tài liệu giảng dạy chương trình kỹ năng sống từ lớp 1 đến lớp 9 trên địa bàn tỉnh là bộ tài liệu do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản. Trong bộ tài liệu này có nhiều bài học có nội dung không phù hợp với tình hình thực tế. Chẳng hạn, trong cuốn Thc hành k năng sng dành cho học sinh lớp 2, bài số 13 trang 67 tựa đề Cm nang vui v. Ở phần đọc truyện với nội dung nói về tầm quan trọng của cuốn sổ ghi chép nhỏ có kể: Anh của Bốp đố Bi và Bốp 1 + 1 bằng mấy. Cả Bi và Bốp đều nhanh nhảu trả lời bằng 2. Anh của Bốp lắc đầu và nói: “1 + 1 bằng cái cửa sổ, các em không thấy 1 + 1 chính là hình cái cửa sổ nhà mình à”. Cả Bi và Bốp quay lại nhìn cái cửa sổ và reo lên: “Ô, đúng là 1 + 1 bằng cái cửa sổ kìa”.

Không ép buộc học sinh

Giải trình của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII cũng cho biết, do Trường đại học Đồng Nai thực hiện tổ chức các lớp kỹ năng sống nên các cơ sở giáo dục chỉ là các đơn vị thu hộ tiền và thực hiện nộp tiền về Trường đại học Đồng Nai theo thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên. Việc các cơ sở giáo dục cấp biên lai của Trường đại học Đồng Nai khi thu tiền của người học cũng như thực hiện chuyển tiền thu được từ người học về Trường đại học Đồng Nai là phù hợp. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD-ĐT tiếp tục rà soát, hướng dẫn các cơ sở giáo dục để hạn chế việc các cơ sở giáo dục do chưa nắm rõ quy định có thể ép buộc học sinh tham gia học.

Khi đọc tới câu chuyện này, cô Lê Thị Hoài Lan, Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục Trường đại học Đồng Nai, cho rằng: “Nội dung câu chuyện không đúng bản chất. Dẫu là câu chuyện vui nhưng phải đúng, chính xác về mặt khoa học, kiến thức cơ bản”.

Riêng tài liệu để giảng dạy ở bậc THPT do Trường đại học Đồng Nai phối hợp biên soạn, ý kiến của các trường phản ánh lỗi chính tả còn nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảng dạy. Cô Lê Thị Hoài Lan cho biết, cuốn giáo trình này được biên soạn trên nền tảng những bài học do Phan Kiên và Phan Quốc Việt chủ biên trước đó đối với cấp tiểu học và THCS. Ngoài ra, các giảng viên cũng tiến hành nghiên cứu, tham khảo các trường THPT, đi thực tế tìm hiểu để soạn những bài học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tâm sinh lý học sinh THPT.

Thầy Hoàng Đình Thuyết, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc thì đề nghị Sở GD-ĐT và Trường đại học Đồng Nai nên có văn bản thống nhất trong chỉ đạo giảng dạy kỹ năng sống trong trường học. Việc giảng dạy này nên lồng ghép vào các môn học, hoạt động ngoài giờ để tránh thu thêm tiền của học sinh, phụ huynh. “Muốn truyền tải kỹ năng sống đạt hiệu quả, ngoài tài liệu, giáo viên cần phải có cơ sở vật chất để thực hành, tổ chức hoạt động, các trò chơi phù hợp với điều kiện của từng địa phương chứ không nên áp đặt đồng loạt với tất các các địa phương” - thầy Thuyết đề xuất.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều