Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo vì học trò

09:11, 19/11/2015

Đau đáu trước tình trạng nhiều bài học trong sách giáo khoa, giáo trình môn Vật lý của bậc phổ thông, đại học chưa có thiết bị thí nghiệm, hoặc thiết bị thí nghiệm không sát thực tế gây khó hiểu, nhóm giảng viên tổ bộ môn Vật lý, Khoa sư phạm khoa học tự nhiên, Trường đại học Đồng Nai đã nghiên cứu, chế tạo nên 12 bộ thiết bị đồ dùng dạy học mang nhiều tính ưu việt.

Đau đáu trước tình trạng nhiều bài học trong sách giáo khoa, giáo trình môn Vật lý của bậc phổ thông, đại học chưa có thiết bị thí nghiệm, hoặc thiết bị thí nghiệm không sát thực tế gây khó hiểu, nhóm giảng viên tổ bộ môn Vật lý, Khoa sư phạm khoa học tự nhiên, Trường đại học Đồng Nai đã nghiên cứu, chế tạo nên 12 bộ thiết bị đồ dùng dạy học mang nhiều tính ưu việt.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy đang hướng dẫn sinh viên thực hành với bộ thiết bị Đo hệ số ma sát do mình tự thiết kế và so sánh với bộ thiết bị hiện có trong nhà trường.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Duy đang hướng dẫn sinh viên thực hành với bộ thiết bị Đo hệ số ma sát do mình tự thiết kế và so sánh với bộ thiết bị hiện có trong nhà trường.

Sau hơn 3 tháng được đưa vào sử dụng, 12 bộ thiết bị của nhóm giảng viên, gồm: TS. Nguyễn Ngọc Duy, các Th.S: Nguyễn Văn Nghĩa, Ngô Thạch Tín, Hồ Sỹ Chương nhận được phản hồi tích cực từ phía sinh viên và đồng nghiệp, như: bộ dụng cụ đo chiết suất của chất lỏng và khảo sát hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng; ứng dụng của linh kiện bán dẫn; chỉnh lưu dòng điện xoay chiều và tạo nguồn DC ổn áp; máy nén thủy lực; bộ dụng cụ chuyển hóa năng lượng... Hầu hết các thiết bị đều dễ sử dụng, thao tác gọn nhẹ và có độ chính xác cao.

Th.S Nguyễn Văn Nghĩa, người sáng tạo nên thiết bị máy nén thủy lực, chia sẻ: “Từ lâu tôi đã ấp ủ ý tưởng thực hiện những bộ thiết bị mới, giúp sinh viên thực hành dễ dàng, hiệu quả cao. Tuy nhiên, do không có kinh phí nên rất khó thực hiện. Sau khi được nhà trường ủng hộ chủ trương của bộ môn và hỗ trợ kinh phí, chúng tôi đã bắt tay ngay vào làm việc”. Tâm huyết với ý tưởng của mình, thầy Nghĩa dồn hết tâm sức ăn cũng nghĩ tới thiết bị, ngủ cũng nghĩ tới thiết bị. Có những ngày thầy mải mê nghiên cứu, thử thực hành thiết bị hết lần này đến lần khác để cho ra kết quả chính xác.

Th.S Hoàng Công Phương, Trưởng bộ môn Vật lý, chia sẻ để đội ngũ giáo viên dạy Vật lý bậc THCS, THPT đạt chất lượng khi tốt nghiệp thì việc thực hành trong trường sư phạm từ khi còn là sinh viên đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế hiện nay tại các trường phổ thông còn thiếu rất nhiều dụng cụ thí nghiệm các bộ môn, trong đó có bộ môn Vật lý. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên, học sinh chỉ học chay thay vì được trực tiếp làm thí nghiệm để nắm và hiểu bài. Đó chính là thua thiệt của học sinh nước ta so với học sinh nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Hoàng Công Phương giới thiệu về bộ thiết bị Máy nén thủy lực tự thiết kế.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Hoàng Công Phương giới thiệu về bộ thiết bị Máy nén thủy lực tự thiết kế.

“Tập thể giáo viên tổ bộ môn Vật lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để sáng tạo nên nhiều bộ thiết bị dạy học, thực hành hơn nữa. Các trường phổ thông trong tỉnh nếu có nhu cầu có thể đến tham quan và liên hệ với nhà trường để có những bộ thiết bị này. Những thiết bị này ngoài tính ưu việt về chuyên môn còn rất dễ sửa chữa nếu có hao mòn theo thời gian” - thầy Phương nhắn nhủ.

H.D

 

Tin xem nhiều