Trong khi nhiều bệnh viện trong tỉnh mở cửa chào đón các bác sĩ về làm việc thì tình hình ngược lại với các y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ hệ cao đẳng, trung cấp. Hiện không ít sinh viên các trường đào tạo điều dưỡng, dược sĩ trong tỉnh ra trường không xin được việc làm.
Trong khi nhiều bệnh viện trong tỉnh mở cửa chào đón các bác sĩ về làm việc thì tình hình ngược lại với các y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ hệ cao đẳng, trung cấp. Hiện không ít sinh viên các trường đào tạo điều dưỡng, dược sĩ trong tỉnh ra trường không xin được việc làm.
Các sinh viên Trường cao đẳng y tế Đồng Nai đang thực tập trên các mô hình. |
Phan Thị T.L ở xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) chia sẻ sau gần một năm tốt nghiệp y sĩ Trường cao đẳng y tế Đồng Nai, L. vẫn không thể nào xin được việc làm tại các bệnh viện, thậm chí phòng khám đa khoa và y tế cơ quan trong các công ty vì ở đâu cũng nói không có nhu cầu tuyển dụng. Do đó, L. đành xin vào làm công nhân tại Công ty TNHH PouSung (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom).
* Cất bằng cấp...làm công nhân!
Bạn của L. là Dương A.T ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), sau khi học xong ngành y sĩ đã học thêm 3 tháng để chuyển đổi qua điều dưỡng nhưng cũng không xin được việc làm, phải làm nhân viên tư vấn bán sữa.
Tương tự, Nguyễn Thị G.H., ở KP.1, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) chia sẻ, gần một năm tốt nghiệp ngành dược sĩ trung cấp ở Trường trung cấp bách khoa Bình Dương chi nhánh đào tạo tại Trường đại học Đồng Nai, nhưng H. vẫn chưa tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành mà phải đi làm nhân viên ở quán nhậu. H. cho biết nguyên nhân là do mang đơn xin việc đến đâu cũng trả lời không có nhu cầu tuyển dược sĩ trung cấp, kể cả các nhà thuốc.
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay toàn tỉnh có 4,5 ngàn điều dưỡng. Theo đề án vị trí việc làm của ngành y tế đang trình UBND tỉnh phê duyệt, nhu cầu điều dưỡng phải tăng thêm 1,5 ngàn người để đáp ứng chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, theo chính sách tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2021, mỗi năm tỉnh phải tinh giản 10% tổng biên chế được giao nên việc xin tăng thêm biên chế cho ngành y tế sẽ gặp nhiều khó khăn. |
Trước việc khó khăn trong xin việc, hiện có nhiều điều dưỡng, dược sĩ trung cấp tiếp tục học liên thông lên cao đẳng với hy vọng sẽ nâng cao trình độ để dễ kiếm việc hơn. Trong đó có nhiều dược sĩ trung cấp học lên cao đẳng với mong muốn có bằng cấp để về quê bán thuốc ở vùng sâu, vùng xa vì các khu vực đô thị, khu trung tâm ở nông thôn đã có quá nhiều nhà thuốc mọc lên.
* Hết chỉ tiêu tuyển dụng
Hiện nay, trong tỉnh có nhiều trường đào tạo điều dưỡng, dược sĩ hệ cao đẳng, trung cấp. Bên cạnh Trường cao đẳng y tế Đồng Nai còn có Trường cao đẳng nghề số 8, Trường trung cấp bách khoa Bình Dương liên kết với Trường đại học Đồng Nai, Trường đại học công nghệ Đồng Nai và mới đây Trường cao đẳng Lê Quý Đôn cũng mở khoa đào tạo y - dược. Chỉ tính riêng Trường cao đẳng y tế Đồng Nai mỗi năm đã có hơn 1 ngàn học viên hệ cao đẳng, trung cấp các ngành học: y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, hộ sinh, vật lý trị liệu... ra trường. Đó là chưa kể đến số lượng học viên tốt nghiệp hàng năm của các trường liên kết đào tạo cũng không nhỏ vì các trường liên kết đào tạo thường xuyên mở lớp trong năm, có trường cứ vài tháng là khai giảng một khóa mới với hàng chục học viên.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng y tế Đồng Nai Nguyễn Thị Thanh Hà nhận định, hiện nay nhu cầu điều dưỡng, dược sĩ thừa mà thiếu; thừa ở khu vực phát triển còn thiếu ở vùng nông thôn. Trước thực trạng đó, nhà trường đang tiến hành khảo sát về chất lượng đào tạo, nhu cầu thực sự để có đánh giá toàn diện về hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, từ trước đến nay để thuận tiện cho sinh viên khi xin việc, ngay trong chương trình đào tạo nhà trường luôn chú trọng đến thực hành cho sinh viên từ các mô hình đến thực tập ở các bệnh viện lớn để đào tạo luôn gắn với nhu cầu sử dụng. |
Trong khi đó, theo ông Hà Đức Minh, Trưởng phòng cán bộ Sở Y tế, từ năm 2012 đến nay ngành y tế giữ nguyên biên chế cố định, không có chỉ tiêu biên chế để giao cho các đơn vị trực thuộc, trong khi số giường bệnh và bệnh nhân tăng lên. Hiện nay, nhiều bệnh viện vẫn còn thiếu điều dưỡng nhưng do không có biên chế nên chỉ tuyển dụng nhỏ giọt bằng hợp đồng lao động thời vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân.
Theo lãnh đạo một số bệnh viện tuyến tỉnh, hiện nay chỉ có điều dưỡng là thiếu thật sự, còn dược sĩ hầu như đã tuyển đủ. Tuy nhiên, do các bệnh viện đã hết biên chế nên việc tuyển dụng điều dưỡng rất hạn chế, tùy thuộc vào nhu cầu của các khoa. Do đó chất lượng đầu vào được tính toán rất kỹ, thông thường ưu tiên cho trường công như Trường cao đẳng y tế Đồng Nai.
Đặng Ngọc