Rèn luyện "cứng tay lái" để đi đường sình lầy, làm quen với học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số, tìm hiểu phong tục tập quán của người bản địa... là những điều mà hơn 8 năm qua, cô Trịnh Thị Kim Oanh cùng những đồng nghiệp của mình giảng dạy nơi điểm trường lẻ Dân Tộc đã trải qua.
Rèn luyện “cứng tay lái” để đi đường sình lầy, làm quen với học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số, tìm hiểu phong tục tập quán của người bản địa... là những điều mà hơn 8 năm qua, cô Trịnh Thị Kim Oanh cùng những đồng nghiệp của mình giảng dạy nơi điểm trường lẻ Dân Tộc đã trải qua.
Đường đến điểm trường lẻ Dân Tộc (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). |
Cách TP.Biên Hòa 100km, Trường tiểu học Liên Sơn nằm nép mình ở tận cùng xa nhất của xã Thanh Sơn, huyện Định Quán. Điểm chính của trường đặt ở ấp 7, một trong 2 ấp khó khăn nhất của tỉnh còn sót lại. Do địa bàn rộng nên ngoài điểm chính, trường còn có 2 điểm trường lẻ là điểm Bàu Kiên (ấp 8) và điểm Dân Tộc (ấp 7). Các điểm trường cách nhau 2- 3 km.
TRĂM NGÀN VẤT VẢ
Vừa dắt chúng tôi mon men vượt đoạn đường đá ong lởm chởm, sình lầy, cô giáo Trịnh Thị Kim Oanh, dạy ở điểm Dân Tộc nói vui: “Giáo viên nào vào đây dạy cũng được rèn luyện để đi đường sình lầy vào mùa mưa và luyện cứng tay lái vào mùa nắng. Chỉ cần lơ là vài giây, bánh xe trật đá là cả người và xe lập tức “xòe cánh”. Có những ngày đi dạy, tôi phải mang theo quần áo nếu bị té ngã, bẩn hết còn có đồ để thay. Hôm nào quên thì mượn của đồng nghiệp hoặc người dân”.
Đến nay, sau 8 năm giảng dạy ở điểm Dân Tộc, vượt qua những bất đồng về ngôn ngữ, những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, cô Oanh đã quen với nếp sống của dân làng, nhớ tên từng học sinh, nắm hết hoàn cảnh gia đình của từng em, tận tay nắn nót cho học trò từng dòng chữ, chỉ bảo từng phép toán.
Không bỏ học sinh Cô Trịnh Thị Kim Oanh tâm sự: “Lớp 1 năm nay có 13 học sinh, trong đó có 12 em người dân tộc Dao. Có em đi học không có dép, có em đi dép lên lớp rồi quên không mang về. Có những em nhà nghèo chỉ có một bộ quần áo trắng để đi học. Vào ngày trời mưa, cha mẹ giặt quần áo chưa kịp khô nên mặc cả áo ướt đi học hay phải mặc quần áo ở nhà đến lớp. Dù đồng lương không nhiều, nhưng tôi luôn thấy mình may mắn hơn các em rất nhiều. Dịp khai giảng vừa qua, khi tặng các em những bộ quần áo mới, các em vui lắm, nhìn nhau cười rồi reo lên. Với tôi, chỉ cần được thấy các em cười đã là niềm hạnh phúc vô hạn. Dẫu có khó khăn đến mấy, tôi quyết sẽ không bỏ nghề, không bỏ các em”. |
Nói về niềm vui ngày 20-11, cô Oanh khoe, nhà trường mới kêu gọi xã hội hóa xây dựng kiên cố 2 phòng học, láng bê tông sân trường. Nhà bà con cạnh trường hiến đất giúp trường xây dựng nhà vệ sinh, có nước giếng, kéo được điện để cô trò dùng sạch sẽ. Nhờ vậy mà cô trò không phải vào nhà dân xin nước sạch như trước kia, không còn phải chịu cảnh trời tối om vào những chiều mưa gió không có điện. Bàn ghế trong lớp học cũng được trang bị theo chuẩn, có nhà hảo tâm hỗ trợ quạt treo tường.
“2 năm gần đây, đoạn đường 20km từ bến phà Thanh Sơn vào điểm trường chính được trải nhựa, học sinh và giáo viên nhờ đó mà không còn cảnh “vồ ếch” mỗi khi trời mưa, bụi tung mù mắt mỗi khi trời nắng. Đời sống của giáo viên điểm lẻ cũng được cải thiện hơn. Toàn trường hiện có 43 cán bộ, giáo viên và 556 học sinh. Ở điểm Bàu Kiên có 5 giáo viên chủ nhiệm 5 khối lớp, ở điểm Dân Tộc có 2 giáo viên dạy 2 lớp khối 1, 2. Có những người đã dạy ở điểm lẻ 16 năm như cô Nguyễn Thị Kiều, 13 năm như cô Phạm Thị Trí... Ngoài tiền lương, giáo viên ở điểm chính và điểm Dân Tộc còn được hưởng thêm phụ cấp thu hút. Để công bằng cho các giáo viên ở điểm Bàu Kiên, giáo viên ở 2 điểm trường được trợ cấp hàng tháng trích tiền phụ cấp của mình, chia đều cho 5 giáo viên còn lại, đảm bảo mỗi giáo viên đều được hưởng số tiền phụ cấp tương đương nhau” - cô Lưu Thị Vui, Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Sơn cho biết.
NHỮNG MÓN QUÀ Ý NGHĨA
Tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai) năm 2007, cô giáo trẻ Trần Thị Thơm vào dạy tại xã vùng sâu Thanh Sơn với mong muốn được đem kiến thức mình có được về dạy cho những học trò nghèo. Để tiện cho công việc, cô Thơm gửi con gái năm nay học lớp 3 cho ông bà ngoại ở thị trấn Định Quán chăm sóc. Từ 5 giờ 30 sáng, cô Thơm bắt đầu từ nhà ở thị trấn Định Quán đến trường, có hôm chờ phà hơn 20 phút mới có chuyến để sang Thanh Sơn. Buổi trưa, cô Thơm ở lại nhà tập thể của trường, ăn cơm cùng đồng nghiệp. Chiều tiếp tục đi dạy và tối ở lại nhà tập thể để soạn bài.
Cô Trịnh Thị Kim Oanh nắn nót từng chữ, từng số cho những em học sinh học yếu |
“Có hôm nhớ con quá, tôi lại chạy hơn 30km để về thăm con. Sáng ngày hôm sau lại tiếp tục đến trường. Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề. Tôi luôn tâm niệm, ở đời này có rất nhiều nghề cao quý, và “trồng người” cũng là một trong số đó. Chỉ cần mình nỗ lực, vất vả để cho ra đời những thế hệ học trò có kiến thức, nhận thức, có nghề nghiệp thoát nghèo thì những vất vả đó không sá gì”. Sau 8 năm gắn bó với điểm trường Bàu Kiên, những bỡ ngỡ, gian khó ngày đầu đứng lớp của cô Thơm dần nhường chỗ cho tình yêu nghề, mến trường, yêu trẻ. Cô Thơm cùng học trò mày mò trang trí lớp học, giữ gìn vệ sinh lớp học, dạy cho học sinh tính tự lập, tự giác.
Khi được hỏi trong dịp 20-11, món quà nào với thầy cô là ý nghĩa nhất? Không ngại ngần suy nghĩ, tất cả các giáo viên ở 2 điểm trường lẻ đều cho rằng, đó là sự tiến bộ của học trò, là làm sao để 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, có đủ kiến thức để học lên THCS; được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ phía cộng đồng để thành người, có tương lai tốt đẹp hơn.
Hạnh Dung